CFRR – Sự kết hợp từ kiến thức, kỹ năng… đến thói quen quan trọng cho barista sẽ biến công việc thành sự nghiệp
Có phải rằng barista là từ được dùng để chỉ những công việc dành cho sinh viên, công việc bán thời gian có thu nhập thấp. Đó là những khái niệm đã cũ, vì thông qua các cuộc thi, các giải về Barista Championships và mọi người đã nhận ra muốn pha được tách cà phê ngon cần có kỹ năng và kiến thức. Hiện nay, barista là một nghề toàn thời gian và nếu bạn là một nhân viên pha chế mới muốn biến công việc này thành sự nghiệp của bạn thì sau đây là năm thói quen mà bạn nên áp dụng
Uống cà phê nguyên chất
Đối với những barista chuyên nghiệp thì uống được cà phê nguyên chất đó là điều dĩ nhiên nhưng khi tiếp xúc với một số bạn barista mới (không phải là tất cả) thì có vẻ là họ rất ít uống cà phê hoặc không thích uống nó vì họ nói rằng nó đắng, và thông thường sẽ cần thêm đường hay sữa đặc mới uống được.
Thật ra thì uống cà phê cũng chỉ là sở thích cá nhân, mỗi người sẽ có những cách uống khác nhau và không có gì là đúng hay sai. Tuy nhiên, khi đã là một barista, bạn cần biết đường sẽ làm ngọt đồ uống của bạn và nó còn che đậy hoặc làm giảm đi một số hương vị trong ly cà phê. Cà phê tự nhiên sẽ có độ chua, vị ngọt, và hương vị phong phú mà bạn sẽ phải là người thử nếm để cảm nhận những nốt hương và độ đậm đặc trong tách cà phê pha.
Bạn sẽ có được thiết bị hỗ trợ như máy xay, máy pha cà phê hoặc các công thức pha chế, nhưng hầu hết các sự thay đổi về kích cỡ hạt hay cách pha đều thông qua vị giác và khứu giác. Bạn cũng có những con số góp phần xác định chất lượng cà phê như khúc xạ kế, tỷ lệ chuẩn, chỉ số TDS, nhưng nhiều khi không thể đánh giá được tất cả. Và rồi, bạn phải là người thử nếm tất cả mọi thứ, không còn cách nào khác là phải uống, uống rồi lại uống, bạn sẽ nhận ra một chút thay đổi trong kích cỡ xay cũng sẽ tạo ra cà phê có hương vị khác hoàn toàn.
Luyện tập cảm quan
Công việc chính của barista là tạo ra những sản phẩm cà phê tiêu chuẩn một cách hiệu quả đến tay người tiêu dùng. Cà phê luôn thay đổi do chịu ảnh hưởng của môi truòng như nhiệt độ, độ ẩm và quá trình oxy hóa. Để kiểm soát và đánh giá đúng chất lượng sản phẩm bạn phải nhận định các mùi thơm và hương vị nhờ sự kết hợp của khứu giác và vị giác. Vậy nên bạn cần phải luyện tập và phát triển cảm quan.
Một người bình thường sẽ cảm nhận hương vị cà phê nhưng ở cấp độ bản năng. Đối với barista, các bạn cần luyện tập đến nhạy bén với mùi hương trong cà phê, bạn sẽ phải gọi tên chính xác được mùi hương, cường độ của hỗn hợp vị chua, ngọt, đắng của cà phê. Ngoài ra, bạn có thể luyện tập bằng cách thử nếm tất cả các loại thức ăn hoặc nước uống dùng trong sinh hoạt hoạt hàng ngày của mình, điều này sẽ làm tăng sự cảm nhận và luyện tập cảm quan sẽ giúp bạn có thói quen tập trung cao độ.
Ám ảnh về sự sạch sẽ
Bên cạnh việc phải tuân thủ các công thức và bán hàng thì barista sẽ là người dọn dẹp, vệ sinh thiết bị máy móc, dụng cụ và khu vực là việc của mình. Phải đáp ứng được với quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để phục vụ cho khách hàng thì ly/ tách sử dụng phải luôn sạch sẽ. Ví dụ như chạm tay vào miệng ly/tách và sau đó phục vụ cho khách hàng, đó là điều không nên vì vi khuẩn có ở khắp mọi nơi.
Mỗi chiếc khăn trong quầy pha chế của bạn đều sẽ có chức năng riêng bao gồm khăn lau bàn, khăn vệ sinh portafilter, khăn vệ sinh vòi đánh sữa, khăn lau trên khay nhỏ giọt, khăn lau ly. Và lưu ý rằng bạn không nên dùng sai chức năng của khăn, ví dụ như dùng khăn lau bàn để lau lên miệng ly khi bị tràn đồ uống ra ngoài. Tất cả quy trình làm việc của bạn từ rửa, lau, pha chế, đánh sữa, phục vụ thức uống đều phải được kiểm soát và giám sát.
Vệ sinh cá nhân là bắt buộc với mỗi barista. Trong môi trường làm việc mà yếu tố về mùi ảnh hưởng đến đánh giá chất lượng cà phê thì bạn không được có sự xuất hiện mùi cơ thể kể cả tiêu cực và tích cực.
Tinh thần đồng đội
Làm việc trong lĩnh vực cà phê là nỗ lực của cả nhóm không riêng một cá nhân nào vì nó là thành quả cuối cùng của cả quy trình trồng trọt, thu hái, chế biến, vận chuyển, rang, đóng gói và pha chế nên sẽ không có cái “tôi” trong làm việc nhóm.
Trong một quán cà phê, tinh thần đồng đội giúp mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn, sự kết hợp nhịp nhàng của một đội nhóm từ các vị trí không phải ngẫu nhiên xảy ra mà cần những nỗ lực có ý thức để giúp mỗi cá nhân trong nhóm làm việc tốt với nhau.
Để có hiệu quả, cần phải có sự cân bằng tốt giữa kỹ năng, khả năng và mỗi thành viên trong nhóm phải hiểu rõ vai trò của mình cũng như vai trò của người khác, cũng như cần có thời gian nắm vững các quy trình trong chuỗi các thao tác và giao tiếp rõ ràng để đạt hiệu quả làm việc tốt nhất.
Không ngừng đọc và học thêm kiến thức
Có một vài điều để trở thành một barista chuyên nghiệp đặc biệt là kỹ năng và kiến thức. Bạn có thể tìm hiểu và đọc ở rất nhiều trang báo hay từ sách, trang web chuyên sâu về cà phê, nhưng lưu ý rằng những thông tin về cà phê bạn cần xác định nguồn dẫn rõ ràng để có mức độ chính xác cao hơn.
Sau cùng, là không có điều kiện tiên quyết nào để trở thành một barista xuất sắc, đó là sự kết hợp của rất nhiều các yếu tố từ kiến thức, kỹ năng, tính kỹ luật, khả năng giao tiếp tốt với khách hàng và đồng nghiệp, đến thói quen hình thành trong quá trình làm việc…..