CFRR- Thử nhớ lại, lần đầu tiên trong đời bạn được nếm hương vị cà phê, bạn cảm thấy như thế nào? Phải chăng trong tâm thức của mỗi cá nhân, cà phê là những trải nghiệm riêng biệt, không thể trộn lẫn?
Với vài người, cà phê là trải nghiệm của lòng biết ơn “vì một khoảnh khắc thiêng liêng”, hoặc với vài người khác, là cảm giác tò mò lạ lẫm bởi sự đối lập giữa hương nồng nàn và vị đắng gắt. Bất kể ấn tượng về cà phê của bạn là gì, A Film about Coffee (tạm dịch: Câu chuyện cà phê) vẫn hứa hẹn mang đến cho bạn ít nhất một vài phút giây đồng cảm nếu bạn là một người yêu cà phê đúng nghĩa.
Thế nào là cà phê hảo hạng?
A Film about Coffee được bắt đầu với hai tiền đề: Những khó khăn của người sản xuất ra hạt cà phê, và sự khác biệt giữa cà phê hảo hạng với cà phê đại trà. Xuyên suốt bộ phim, bên cạnh những miêu tả chi tiết về quá trình sản xuất cà phê ở nhiều nơi khác nhau, nội dung phim luôn cố gắng đi tìm lời giải cho câu hỏi “thế nào là cà phê hảo hạng?”
Để định nghĩa, đơn giản nhất có lẽ là so sánh với một khái niệm đối lập. Các chuyên gia cà phê tin rằng, “hàng hoá bản chất là để trao đổi, khi ta biến thứ gì thành hàng hoá, cần phải sản xuất hàng loạt, và khi cà phê trở thành hàng hoá, dĩ nhiên tiêu chuẩn sẽ thấp hơn”. Như vậy, “cà phê ngon có phải là loại cà phê khó làm ra hơn?”. Hành trình của hạt cà phê từ khâu trồng, thu hoạch đến rang xay và pha chế chính là câu trả lời.
Ấn tượng Espresso
Hành trình cà phê được bắt đầu tại hồ Kivu (Rwanda), đến Portland (Oregon, Hoa Kỳ), Honduras và tạm kết tại quán cà phê độc đáo ở Tokyo (Nhật Bản) mang tên Daibo Coffee. Ở mỗi nơi, cà phê đều có những đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên, ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện về espresso qua lời kể của Katsu, chủ quán Bear Pond Espresso.
Katsu cho rằng cà phê không phải là thức uống mà là “chất gây nghiện”, đưa ta đến một thế giới khác. Tìm hiểu cà phê đối với Katsu giống như việc đi tìm bí mật của vũ trụ. Còn câu chuyện về espresso với Katsu như mọi thứ trên đời đều có thể nâng lên tầm triết lý trong tâm thức người Nhật Bản, gần như đã biến thành một thứ “đạo” tuyệt vời.
Với anh, cà phê chỉ nên tập trung vào sự quyến rũ (sexy) và espresso chính là biểu hiện của sự hấp dẫn đặc biệt đó. Quán cà phê của Katsu chỉ chuyên bán espresso, tưởng như thật đơn điệu nhưng thực chất, cách mà mỗi người, với những phông văn hoá khác nhau uống và cảm nhận từng giọt cà phê có thể mang lại hương vị và những cung bậc cảm xúc hoàn toàn khác biệt.
Kết nối cộng đồng với cà phê
Khi nhắc đến kết nối, ta thường nghĩ đến việc ngồi lại trò chuyện và chia sẻ. Cà phê có thể mang đến sự kết nối theo cách này, nhưng không hẳn chỉ giới hạn như thế. Thị trường sản xuất cà phê gặp nhiều khó khăn và biến động. Cà phê ngon thường được thu hoạch thủ công bằng tay nên để thu hoạch đủ số lượng cà phê cho một năm đòi hỏi công lao động rất nhiều.
Trong khi đó, chu trình sản xuất cần được đảm bảo một cách nghiêm ngặt bởi mọi yếu tố đều có thể tác động làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Theo khảo sát của nhóm làm phim, một tách cà phê hạng sang giá trung bình 7USD vẫn còn chưa xứng với công sức mà người ta tạo ra nó. Ngoài ra, ở một số khu vực, việc trồng cà phê còn bị hạn chế về nguồn nước như: Cách xa khu vực trồng trọt và sản xuất, hoặc ở một số nơi khác là vấn đề về việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với một mức giá tương xứng.
Sự kết nối mà chúng ta nhắc đến, chính là giải pháp cho những bài toán khó nhằn này. Những tổ chức về cà phê, các chuyên gia, và cả những người chế biến và kinh doanh cà phê đã cùng bắt tay xây dựng các dự án liên kết hỗ trợ mang nguồn nước đến cho người dân, sản xuất và chế biến ngay tại trang trại, thu mua sản phẩm của nông dân với mức giá hợp lý hoặc đơn giản là làm ra những tách cà phê ngon nhất để mang đến cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Như cách Darrin Daniel chia sẻ ở cuối bộ phim, “không phải một câu chuyện hoành tráng, mà đây chỉ là câu chuyện nhỏ nhoi nhưng với cốt truyện độc đáo về việc giúp đỡ người khác trong những ngôi làng hoặc cộng đồng của họ. Đó là cách chúng ta đến với nhau”.
Người ta cho rằng nếu bạn muốn những gì liên quan đến cái đẹp, hiếm, đặc biệt, cà phê sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Cách mà những nhân vật – có thật trong bộ phim đang kết nối với cà phê, và với nhau thể hiện rất rõ điều đó. Còn bạn – những “tín đồ” của cà phê, những người thưởng thức cà phê mỗi ngày, bạn kết nối với cà phê như thế nào? Khi lời bình cuối phim vang lên “Cà phê đại trà không phải là cà phê”, tôi tự hỏi liệu bạn có đồng ý với điều đó không?
Hành trình từ hạt đến tách cà phê
A Film about Coffee có ba phần, như hành trình từ hạt cà phê đến tách cà phê. Đầu tiên, trái cà phê ở nông trại được hái, xử lý, phơi khô để trở thành hạt cà phê. Tiếp đến là ở nhà rang, khi hạt cà phê nhân xanh được rang để phát triển hương vị bên trong nhờ quá trình nhiệt hoá các hợp chất tự nhiên tạo nên mùi vị hấp dẫn như: Trái cây nhiệt đới, hương hoa, quả mọng… Phần cuối là khi pha cà phê thành thức uống, công đoạn lấy sự tán thưởng của mọi người. Lúc đó, cà phê không chỉ là hương vị mà còn có tác động của thị giác, với cappucino, cà phê trở thành biểu hiện của sự lãng mạn. (Katie Carguiilo – chủ tiệm cà phê Counter Culture Coffee ở Brooklyn, New York, người chiến thắng cuộc thi về cà phê Batista)