CFRR- Nhiều người nói Đà Lạt là xứ không nên thay đổi, cà phê Đà Lạt chỉ thú vị khi sương chưa tan và núi đồi vi vu thông reo.
Có lý khi nói rằng, chỉ cần hai thứ, cà phê và khí hậu, được bảo tồn, thì Đà Lạt thảy còn nguyên vẹn để quay về. Đó là câu kết ở chương Cà phê thời không “son phấn” trong cuốn du khảo Đà Lạt – Một thời hương xa của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Đà Lạt – Một thời hương từng là “hiện tượng” thú vị ở thời điểm nó được xuất bản. Câu kết ấy, với cá nhân người viết, có lẽ là một trong những đánh giá phần nào chuẩn xác khi nói về Đà Lạt, bởi với mỗi lần bước chân đến thành phố ngàn thông, gần như mọi hành trình của tôi đều loanh quanh với những quán cà phê.
Đi Đà Lạt, như thói quen tiết kiệm thời gian của rất nhiều thị dân khởi hành từ Sài Gòn, người viết thường chọn những chuyến xe lăn bánh lúc 12 giờ đêm, để sau một giấc ngủ, khi trời vừa tờ mờ sáng, Đà Lạt sẽ xuất hiện bên ngoài cửa kính xe. Vắng lặng trong màn sương phủ mờ, trong những ánh đèn đường vàng võ và cái tĩnh mịch của ngày chưa lên, thành phố như một niềm an ủi của những con người ít nhiều “quá tải” bởi vô số chộn rộn, huyên náo của đại đô thị dưới kia.
Sau chuyến viễn hành trong đêm, tôi luôn ngoặc vào cà phê Bà Năm, điểm dừng chân đầu tiên với Đà Lạt. Đó là một quán cà phê cóc trên đường Phan Bội Châu, sau lưng chợ, gần vị trí của những nhà xe lớn. Xuống xe, chỉ bước vài bước là đến. Khách của Bà Năm, đa phần là những người lao động, lớn tuổi hoặc trung niên, gắn bó với quán cà phê cóc này như phần thói quen sống mỗi ngày. Sau này, khách của quán, còn là những thanh niên – đám người mộng mơ vừa đặt chân đến thành phố sau chuyến xe năm tiếng.
Nếu lấy 1975 để làm cột mốc cho mọi biến đổi của đời sống đô thị miền Nam, thì cà phê Bà Năm như một thực thể bất biến và lặng lẽ của Đà Lạt sống “vắt” qua cái cột mốc ấy, cùng với không gian ít nhiều huyên náo của khu Hòa Bình, của những trạm xe ở đường Phan Bội Châu, sau lưng chợ mới Đà Lạt.
Trong bán kính trăm mét quanh không gian này, còn có một quán cà phê khác, đã trở thành “huyền thoại” của Đà Lạt: Cà phê Tùng. Có lẽ chẳng cần kể dông dài về lai lịch của Tùng, bởi chúng ta không khó để tìm thấy trên mạng. Một tụ điểm của giới văn nghệ, trí thức đến Đà Lạt, bất kể thời nào; nơi gặp gỡ của một trong những mối tình sử trong âm nhạc Việt Nam: Trịnh Công Sơn – Khánh Ly; hình mẫu “mô phỏng” của nhiều quán cà phê khác, kể cả ở Sài Gòn, khi muốn gợi nhắc về một không gian hưởng thụ tinh thần theo kiểu tinh tế của Đà Lạt ngày trước.
Cà phê Đà Lạt bây giờ rất nhiều quán mới của những người từ phương xa yêu mến Đà Lạt mà đến mở quán. Trong ảnh: Tiệm cà phê tháng Ba của những chủ nhân từ Sài Gòn lên mở ở Đà Lạt. Ảnh: Anna Đoàn
Tất nhiên, bây giờ, không phải ai đến với cà phê Tùng cũng với tâm thế tìm kiếm sự trầm mặc cũ kỹ của Đà Lạt nơi những hàng ghế bành, dưới những bức tranh ố màu thời gian và ám khói thuốc lá của Đinh Cường, trong âm giai tiền chiến, Trịnh hay Phạm Duy,… Khách đến quán giờ đây không chỉ những người thuộc lớp cũ mà có thể cả những du khách gen Z, đến có thể vì tò mò, vì theo “trend”, hay chỉ bởi “nghe nói” mà chẳng quan tâm mấy đến lai lịch của nó. Có lẽ cũng chẳng sao, khách quen của quán có thể an ủi nhau rằng Tùng vẫn vậy dẫu khí vị xưa có hao hụt ít nhiều vì chộn rộn, miễn vị cà phê và yagout không “xuống cấp”.
Những quán cà phê như Bà Năm, Tùng, 171,… đã sống qua đôi ba chục năm trong thành phố mù sương này là biểu trưng cho cà phê của thời không “son phấn”. Nhưng còn vô số cái tên khác, góp mặt cùng nhau để tạo nên một thời “hoàng kim” Đà Lạt nay đã “chìm trong phôi pha” mà có khi chẳng còn mấy người nhớ đến. Từ những không gian sang trọng đậm chất Pháp như Thủy Tạ, Café de la Poste, Dalat Palace,… hay Night Club của một thời âm hưởng Âu Mỹ, Lục Huyền Cầm của vợ chồng Lê Uyên-Phương,… rồi những quán có tên lẫn không tên nằm đây đó trong khắp thành phố, chồng lớp qua từng thời kỳ lịch sử để cùng tạo nên một “hệ sinh thái” cà phê Đà Lạt.
Lối lên xuống ngoằn ngoèo là “đặc sản” của những quán cà phê bên dốc đồi, thung lũng… của Đà Lạt. Ảnh: Anna Đoàn
Những quán cà phê như dư âm của một thời gian đã mất, cái khoảng thời gian như lời kể của nhạc sĩ Lê Uyên-Phương: “Biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong một quán cà phê, ở đó đôi lúc đã là nơi mà những khúc quanh của một đời người bỗng mở ra trước mắt.”
Dẫu vẫn là giấc mơ của phần lớn thị dân Sài Gòn, Đà Lạt bây giờ đã không như Đà Lạt của vài năm trước đây. Sự thay đổi đã diễn ra mạnh mẽ ở Đà Lạt trong một thời gian rất ngắn. Không ít người buồn vì điều đó. Nhưng dẫu đổi thay thế nào, thì hình như đặc điểm chung của đám khách đến với Đà Lạt bất phân thế hệ, đó là những quán cà phê điểm vẫn luôn là điểm đến không bao giờ thiếu ở thành phố này.
Những không gian cà phê mới mở tại Đà Lạt không còn quanh quẩn ở khu Hòa Bình, hay những tuyến phố trung tâm mà đã dịch chuyển đi xa hơn, nơi những cánh rừng thông, hay các khu vực mà người ta không thể nhàn tản đi bộ để tìm đến. Không gian cà phê của Đà Lạt bây giờ cũng đa dạng hơn, từ phong cách quán đến menu. Với du khách gen Y, gen Z, quán cà phê bây giờ, không đơn thuần chỉ là nơi để hưởng thú nhàn tản nữa, mà còn phải để “check-in”, làm những bộ hình kiểu cọ, và đó cũng được coi như “tiêu chí” cần phải có khi cho “ra đời” của những quán cà phê bây giờ. Nếu hỏi về cà phê Đà Lạt với lớp khách trẻ hôm nay, những cái tên kể đến sẽ là Tiệm cà phê tháng Ba, Túi Mơ To hay Đợi Một Người…
Uống cà phê Đà Lạt là uống… không khí của mảnh đất này, là sương cỏ, hương hoa, mùi đất ẩm… chứ không chỉ là ly cà phê đơn thuần như bao thành phố lạ khác mà ta đã băng qua. Ảnh: Anna Đoàn
Có một sự dịch chuyển lặng lẽ về văn hóa, nằm trong cuộc dịch chuyển về không gian đã và đang âm thầm (lẫn công khai) xảy ra ở thành phố này. Lạc quan mà nhìn nhận, sự ra đời của phong cách cà phê kiểu mới ở Đà Lạt cũng là một điều thú vị. Nó là biểu trưng cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ mà Đà lạt mang đến cho con người, nó làm cho thành phố trở nên phong phú hơn, tạo ra nhiều lựa chọn hơn, và có lẽ cũng nhờ đó cũng khiến sức hút của Đà Lạt mãi mãi còn nguyên vẹn, dẫu là ở thời điểm nào. Những quán cũ như Tùng hay Bà Năm vẫn còn đó, dẫu lớp người “giữ hồn” cho quán như bà Năm, bà Sáu đã không còn trên đời. Cuộc sống luôn có nhiều lựa chọn. Có là cũ hay mới, tôi tin Đà Lạt luôn có lựa chọn dành riêng cho mỗi người. Dù phong vị cà phê Đà Lạt đã thay đổi ra sao, ở thời điểm nào, nó vẫn có một nét riêng của mình mà không bất cứ đâu có được. và cũng lại bằng một sự lạc quan khác, tôi vẫn tin rằng sự thay đổi ấy, đôi khi lại là cách để không gian cà phê Đà Lạt được bảo tồn.
Dẫu thời gian đã mất, chúng ta vẫn sẽ có một Đà Lạt còn nguyên vẹn để quay về.