CFRR – Cà phê đắt nhất thế giới được sản xuất tại Panama
Giống cà phê gesha đã góp phần đưa Panama trở thành nước được công nhận là nơi sản xuất cà phê chất lượng cao được các nhà rang xay, người mua và các barista trên khắp thế giới săn đón.
Sự phát triển cà phê Panama
Cà phê lần đầu tiên đến với Panama lặng lẽ bởi những người nhập cư châu Âu vào thế kỷ 19. Lúc đầu, cà phê được trồng dọc theo bờ biển nhưng do sâu bệnh hại cây trồng, người dân địa phương đã mang nó đến cao nguyên Chiriqui ở chân núi lửa Volcán Barú, một tỉnh ở phía tây Panama để trồng.
Vào năm 1960, gesha đến tới Panama thông qua CATIE (Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới) và chúng được trồng ở độ cao lớn hơn trên đất núi lửa Boquete. Trên thực tế, nhiều nông dân thấy cây trồng khó phát triển và duy trì.
Mãi đến năm 1997, việc thành lập Hiệp hội Cà phê Đặc sản Panama (SCAP), các trang trại về cà phê đã lấy trọng tâm là chất lượng thay cho năng suất cao. Năm 1998, cuộc thi Best of Panama được phát động và năm 2001, cuộc đấu giá trực tuyến đầu tiên diễn ra, từ đó những người tiêu dùng từ khắp thế giới đều có thể đấu giá mua cà phê Panama.
Đáng chú ý là năm 2004 lần đầu tiên cà phê gesha rửa sạch được bán với mức 21USD/pound, có những lô được bán với giá 800USD/pound. Vào năm 2019, một pound (khoảng 453.5gam) hạt cà phê gesha, Panama đã thu về 1029USD trong một cuộc đấu giá, và năm 2020 một lần nữa giá cà phê gesha đạt mức kỷ lục thế giới với 1300.5USD/pound. Với những thành tích đạt được thì không nói quá khi nhắc đến cà phê Panama, người ta chỉ xoay quanh một loại duy nhất là gesha.
Vị trí địa lý tuyệt vời
Panama là quốc gia xích đạo nằm trong vành đai cà phê ‘The been bealt’ và vành đai núi lửa Thái Bình Dương ‘The Ring of Fire’. Với khoảng cách hẹp giữa các đại dương tạo ra môi trường lý tưởng để trồng cà phê. Những cơn gió từ phương bắc (Caribbean) và phương nam (Thái Bình Dương) tạo ra các kiểu khí hậu bình dị, rừng nguyên sinh cung cấp bóng mát và đóng vai trò như một chiếc áo gió tự nhiên để bảo vệ những cành mỏng manh của cây cà phê gesha. Những cơn gió hình thành trên những ngọn núi phía bắc tạo ra một màn sương gọi là bajareque, có khả năng làm giảm nhiệt độ trong các trang trại, điều này làm chậm quá trình chín của quả, tạo ra nồng độ đường cao hơn, từ đó tách cà phê pha có hương vị phức tạp, ngọt ngào và đặc biệt. Điều kiện khí hậu này cũng giúp kiểm soát sâu bệnh tốt hơn.
Vùng trồng cà phê ở Panama
Theo USDA (2013), giống cà phê được trồng ở Panama bao gồm arabica chiếm khoảng 82% và robusta là 18%. Cà phê arabica được trồng trong ba vùng thuộc tỉnh Chiriqui bao gồm Boquete, Tierras Altas (Volcan, Bambito, Cerro Punta) và Renacimiento nằm xung quanh ba ngọn núi lửa – Volcan Baru, El Valle và Le Yeguada dẫn đến đất đai màu mỡ, trù phú. Robusta được trồng chủ yếu ở các vùng có độ cao thấp bao gồm Cocle, Panama Oeste, Colon, Veraguas, Herrera, Los Santos, Bocas del Toro, Panama Este và Darien. Tuy nhiên, cà phê được trồng ở Chiriqui chủ yếu được xuất khẩu, còn cà phê robusta trồng ở các vùng đất thấp sẽ được tiêu thụ chủ yếu trong nước.
Volcan Baru là một núi lửa dạng tầng đang hoạt động, phun trào lần cuối vào thế kỷ 16. Vụ phun trào này được cho là đã xảy ra cách đây khoảng 450 năm, khiến đất ở khu vực xung quanh tràn ngập tephra (tro bụi núi lửa). Đây cũng là lý do mà đất ở xung quanh khu vực núi lửa rất giàu chất dinh dưỡng và màu mỡ, nơi có lượng mưa thường xuyên và mây che phủ, cùng với đất núi lửa giúp thoát nước một cách tự nhiên, nên được đánh giá rất lý tưởng để trồng cà phê.
Giống cây trồng ở Panama
Với những điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng độc đáo như vậy nghĩa là các giống không phát triển tốt ở nơi khác, lại có thể phát triển mạnh ở Panama. Trong số nhiều các giống bao gồm typica, caturra, pacamara, bourbon, catuai, novo mundo, maragogype và khi nhắc đến cà phê Panama thì được quan tâm nhiều nhất chính là gesha.
- Gesha: lần đầu tiên được phát hiện ở Ethiopia vào năm 1931, và được đưa đến Panama từ Costa Rica vào năm 1963. Đây là giống cây cực kỳ hiếm, nhưng ngày nay càng có nhiều nông dân bắt đầu trồng nó. Khi được trồng ở độ cao lớn, cà phê gesha sẽ cho thấy độ ngọt vượt trội và hương vị phức tạp đến từ quả mọng, cam quýt đến xoài, đu đủ hoặc đào.
- Typica là giống lâu đời nhất ở Panama, được trồng đầu tiên vào cuối những năm 1800, cà phê typica có sản lượng rất thấp nhưng chất lượng được đánh giá cao với độ axit đặc trưng bởi chanh, hương hoa và dư vị ngọt ngào.
- Caturra là một đột biến của giống bourbon được phát hiện ở Brazil cho năng suất cao và chất lượng tốt với độ axit rõ ràng và hương vị của chanh.
- Pacamara là con lai của Pacas và Maragogype, một loại cà phê cân bằng đặc biệt với một chút vị sô cô la và hương vị citric ngọt ngào, dư vị tròn trịa và cảm giác béo ngậy.
- Bourbon được coi là loại cây có năng suất thấp nhưng chất lượng hương vị riêng biệt và độ chua nhẹ với dư vị ngọt ngào.
- Novo mundo là con lai của giống typica và bourbon, giống này cho năng suất cao ở độ cao từ trung bình đến cao cũng như khả năng kháng bệnh tốt. Hương vị đặc trưng bởi một chút đắng và thiếu độ ngọt.
Các trang trại cà phê ở Panama
Finca Lerida, Boquete
Vào năm 1924, một kỹ sư người Na Uy Toleff Bache Monniche cùng vợ là Julia đã chuyển đến Finca Lerida sau khi nghỉ hưu, và bắt đầu trồng cà phê. Năm 1929, Monniche đã xuất khẩu sang Đức chuyến hàng cà phê Panama đầu tiên rời khỏi đất nước này.
Finca Cafe de Eleta, Renacimiento
Finca Cafe de Eleta được thành lập vào năm 1978 với tư cách là một trang trại trồng rau và cừu. Những cây cà phê đầu tiên thuộc giống catuai được trồng vào năm 1995. Hiện nay, trang trại đã có hơn 457 mẫu Anh ở độ cao từ 1200m đến 1500m, trồng đa dạng các giống cây phê như bourbon, gesha, typica, pacamara,…
Nằm cạnh Công viên Quốc tế La Amistad, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận đa dạng sinh học ở rìa phía tây bắc của Panama. Vì vậy, trang trại đã ký kết Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc đảm bảo tất cả nước thải của Finca Cafe de Eleta được xử lý hữu cơ và trả lại khu vực xung quanh, chất thải rắn được ủ và biến thành phân bón.
Gia đình Lamastus, Boquete
Điền trang gia đình Lamastus bao gồm ba trang trại Elida, El Burro và Luito. Trong đó Elida Estate là nơi có độ cao cao nhất trong ba nơi và là trang trại cà phê cao nhất ở Panama, độ cao từ 1585m đến 2590m so với mực nước biển. Tuy nhiên, do luật của Panama mà trồng cà phê dừng lại ở độ cao 1828m. Do độ cao lớn và môi trường rừng nhiệt đới nhiều mây, hạt cà phê đặc hơn với độ axit cao hơn hầu hết các loại cà phê. Người nông dân lựa chọn và sơ chế cẩn thận, điều này giúp chất lượng cà phê cao hơn và giá bán cà phê xanh có thể lên đến 1000USD/ pound.
Trang trại cà phê Janson, Tierras Altas
Vào năm 1941, nông dân Thụy Điển Carl Janson bắt đầu mở trang trại chăn nuôi gia sức. Khi đến thế hệ thư hai tiếp quản, họ đã mở Trang trại cà phê Janson. Trang trại cà phê Janson nằm dọc theo sườn núi lửa Tisingal và Baru ở độ cao khoảng 1500m, mục tiêu chính là sản xuất cà phê hài hòa với môi trường xung quanh.
Trang trại đã trồng các giống gesha, catuai, caturra và pacamara, họ dùng các vi sinh vật trong đất để duy trì mức dinh dưỡng lý tưởng, và không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ. Trang trại được cung cấp năng lượng bởi 400 tấm pin mặt trời và tất cả chất thải được xử lý để sử dụng làm nhiên liệu hoặc phân bón.
Don Pepe Estate Coffee, Boquete
Trang trại Don Pepe Estate Coffee ở chân đồi Volcan Baru mở cửa vào năm 1898, là trang trại lâu đời nhất trong vùng và là trang trại đầu tiển ở Panama chuyên về cà phê. Gia đình Vasquez, hiện thuộc thế hệ sở hữu thứ năm, chuyên về cà phê gesha, nhưng cũng có ba phong cách chế biến khác nhau: tự nhiên (natural), mật ong (honey) và rửa sạch (washed). Với quy trình tự nhiên, trái cà phê được sấy khô nguyên hạt khiến cà phê có vị đậm đà, độ chua thấp, quy trình mật ong sẽ loại bỏ một phần lớp cùi trước khi cà phê được sấy khô, để lại vị chua ngọt trong cà phê pha, và quy trình rửa sạch sẽ loại bỏ mọi thứ, chỉ để lại hạt cà phê để có vị nhẹ và hương trái cây
Xuất – nhập khẩu cà phê Panama
Vào năm 2020, Panama đã xuất khẩu 25.4 triệu đô la cà phê, trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 55 trên thế giới. Cùng năm đó, cà phê là sản phẩm được xuất khẩu nhiều thứ 21 ở Panama. Các quốc gia nhập cà phê từ Panama có thể kể đến như Hoa Kỳ (7.26 triệu USD), Đài Bắc Trung Hoa (4.15 triệu USD), Trung Quốc (2.38 triệu USD), Hàn Quốc (2.38 triệu USD) và Nhật Bản (1.78 triệu USD).
Năm 2020, Panama đã nhập khẩu cà phê trị giá 9.94 triệu USD, trở thành nước nhập khẩu cà phê lớn thứ 88 trên thế giới. Panama nhập khẩu cà phê chủ yếu từ: Colombia, Nicaragua, Hoa Kỳ, Ý và Thụy Sĩ. Năm 2023, khoảng giá gần đúng cho cà phê Panama là từ 8,66 USD đến 10,09 USD/kg hoặc từ 3,93 USD đến 4,58 USD/pound
Nguồn tham khảo