CFRR – Khi nghĩ đến cà phê Châu Phi chúng ta thường nghĩ đến Ethiopia hay Kenya nhưng nếu nhìn xa ra hơn ngoài hai cường quốc cà phê này còn có những quốc gia Châu Phi khác như cà phê Rwanda cũng đang cách mạng hóa ngành cà phê của họ.
Rwanda là một quốc gia nhỏ không giáp biển nằm gần vùng Hồ Lớn phía đông Châu Phi giáp với Congo bởi hồ Kivu và thung lũng sông Ruzizi, Uganda, Tanzania và Burundi với Thủ đô Kigali nằm ở trung tâm đất nước. Vùng nông thôn chủ yếu là những cánh đồng cỏ trải dài và bị ngăn cách bởi các dãy núi lửa chạy về phía đông nam từ một dãy ở tây bắc. Nhờ có độ cao tương đối lớn từ các dãy núi nên quốc gia nhiệt đới này có khí hậu ôn hòa và ở các vùng núi cao băng giá và tuyết có thể xảy ra. Mật độ dân số cao nhất Châu Phi, các mặt hàng xuất khẩu chính là khoáng sản, chè, cà phê. Sử dụng được cả ba ngôn ngữ là Kinyarwanda, Anh và Pháp.
Hầu hết khi nghĩ đến Rwanda mọi người thường nghĩ ngay đến thảm họa diệt chủng năm 1994 khiến hơn 1 triệu người thiệt mạng. Mặc dù cuộc diệt chủng là một phần trong lịch sử nhưng có lẽ nó vẫn lưu lại một vết thương rất lớn trong lòng người dân và là sự đáng tiếc cho ngành cà phê của Cộng hòa Rwanda.
Lịch sử Rwanda với nhiều biến động chính trị
Những người dân đầu tiên trên vùng đất Rwanda
Những cư dân đầu tiên của khu vực này được xác định là người Twa, họ đã ở đó ít nhất là 10.000 năm trong thời kỳ đồ đá mới và ngay sau kỷ băng hà. Họ là những người chuyên săn bắn hái lượm lương thực, làm đồ gốm sống trong rừng Pygmy, đến năm 600 TCN họ đã biết luyện sắt, chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ, và trồng trọt cao lương, cây dược liệu (kê chân vịt). Khoảng năm 400 – 1000 TCN những người di cư từ Trung Phi mang theo kiến thức sâu rộng về nông nghiệp và trồng trọt là người Hutu, họ chạy trốn nạn đói, hạn hán từ miền trung hoặc miền đông Châu Phi và đến định cư ở Rwanda từ năm 1400 – 1500 TCN. Nhóm cuối cùng là người Tutsi sau những năm 1600 họ đến từ vùng Sừng Châu Phi là một nhóm chuyên chăn gia súc đặc điểm nhận dạng của họ được người Bỉ ghi chép là “Bất kỳ người nào sở hữu hơn 10 con bò sẽ là người Tutsi (dấu hiệu của sự giàu có), mũi dài hơn, gò má cao,…”. Những cuộc di cư này chậm và ổn định không xảy ra các cuộc xâm lược hay chinh phục, họ đã sống hòa hợp với nhau, chấp nhận tương tác và kết hôn, đến những năm 1900 ba nhóm sắc tộc đã hòa nhập với nhau sâu sắc đến mức khó mà phân biệt được, các nhóm có ngôn ngữ, văn hóa chung, và tin vào cùng một tôn giáo. Bởi vì họ sử dụng các phương thức sản xuất khác nhau nên cũng sẽ có những sự khác biệt, người Twa sống trong rừng (săn bắn/ hái lượm) nên họ đã phản đối một cách tự nhiên với nền kinh tế mục vụ / nông nghiệp, vì điều này đòi hỏi phải phát quang rừng, mở rộng đất đai, dẫn đến việc ít kết hôn và hợp tác giữa dân tộc Twa và hai dân tộc còn lại.
Tranh vẽ miêu tả ba tộc người Tutsi, Hutu và Twa với những đặc điểm cơ thể khác nhau. Người Twa là dân bản địa, người Hutu gốc Congo, người Tutsi gốc Ethiopia (lý giải cho thân hình cao lớn của họ). Điều đáng ngạc nhiên là họ nói cùng một thứ tiếng (gọi là Kinyarwadan), cùng văn hóa và sống hòa hợp cùng nhau.
Người ta cho rằng các chính sách từ thời thuộc địa đã khiến họ đối đầu với nhau. Người Bỉ trao nhiều đặc quyền hơn cho người Tutsi vì họ cho rằng người Tutsi thông minh hơn và “giống người Châu Âu” hơn từ các đặc điểm như mũi cao, trán rộng, cao lớn, mắt to,…
Người Bỉ chọn cách thủ công là đo mắt mũi để xác định chủng tộc, mặc dù sẽ có những gia đình hòa huyết giữa hai sắc tộc thì người mắt to mũi cao hay thậm chí người có nhiều gia súc mặc nhiên được xem là người Tutsi
Hình thành Vương quốc Rwanda
Khoảng năm 1400 các thị tộc bắt đầu hình thành cấu trúc xung quanh các thủ lĩnh thị tộc, biến “cha đẻ của thị tộc” thành các vương quyền cha truyền con nối, khi quyền lực và sự giàu có gia tăng dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt các vương quyền tương tự gây ra tình trạng thiếu đất và làm gia tăng xung đột sự mất cân bằng kinh tế đã xảy ra và sự mất cân bằng chính trị nảy sinh khi người Tutsi tạo ra một tầng lớp chiến binh và một hệ thống phân cấp do Mwami (chúa tể/ vua) thống trị, dùng vũ lực chinh phục vô số vương quyền nhỏ hình thành Vương quốc Rwanda vào khoảng năm 1500. Mwami thiết lập một hệ thống phân cấp ubuhake là nơi những người làm nông (Hutu) sẽ cung cấp dịch vụ, cây trồng của họ cho những người chăn nuôi (Tutsi) để đổi lấy đất và gia súc. Vương quốc Rwanda tồn tại dưới sự quản lý tập trung của một vị vua, người dân Rwanda luôn có một nền văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ chung, họ chỉ khác nhau về mặt xã hội và phân chia giai cấp theo mức độ tài sản, thông thường tầng lớp Batutsi (tộc Tutsi) sống bằng chăn nuôi bò, Abahutu (tộc Hutu) sống bằng nông nghiệp và truyền bá kỹ thuật canh tác còn tầng lớp Batwa (tộc Twa) làm đồ gốm hoặc chuyên diễn trò giải trí trong hoàng cung. Tuy nhiên đến Vương triều thứ IV dưới sự cai trị khắc nghiệt của Mwami Rwabugiri những sự khác biệt tự nhiên giữa các sắc tộc dần trở nên căng thẳng hơn, thuế khóa nặng nề và các tầng lớp đều phải đóng góp công sức cho Mwami để đổi lấy sự bảo hộ và nhiều ân sủng khác. Từ Mwami đến các cấp bộ trưởng (thủ lĩnh gia súc, thủ lĩnh đất đai, thủ lĩnh quân đội) đều do người Tutsi thống trị, họ bắt đầu tự xem mình là sinh vật thượng đẳng bóc lột các nông dân Hutu và hệ thống công lý bắt đầu thiên vị hơn với người Hutu khi một Tutsi giết một Hutu, Mwami có thể ra lệnh giết một trong những người thân của Tutsi như một hình thức trả thù, khi một Hutu giết một Tutsi, Mwami sẽ ra lệnh giết không phải một mà là hai người Hutu có liên quan. Hệ thống xã hội không còn là những sắc tộc sống hòa hợp mà đã trở thành xã hội phân chia giai cấp dựa vào tải sản, người Tutsi bị mất hàng loạt gia súc do bệnh dịch sẽ trở thành người Hutu và ngược lại quá trình này gọi là Kwihutura được Mwami cho phép. Đến thế kỷ thứ XIX hình thức này bị chấm dứt đột ngột do sự khởi đầu của chính quyền thuộc địa.
Rwanda thời kỳ thuộc địa Đức, Bỉ
Vào năm 1884, các sự kiện ở Châu Âu đã thay đổi sâu sắc quỹ đạo lịch sử của Vương quốc Rwanda. Trong hội nghị Berlin không có bất kỳ sự tham vấn nào của Rwanda, người ta quyết định rằng Rwanda sẽ là một phần của Đế chế Đức. Năm 1890 khi chưa có một người Châu Âu nào đặt chân đến đất nước này nhưng Vương quốc vẫn được hợp nhất thành một quốc gia Đông Phi được bảo hộ bởi Đức, năm 1892 mới có người Châu Âu đầu tiên là một người Đức tên Oscar Bauman đến Rwanda. Năm 1894 Mwami Kigeri IV Rwabuguri gặp Bá tước Đức Gustav Adolf von Götzen, một năm sau vua của Rwanda băng hà, được kế vị bởi con trai nhỏ của ông Mibambwe IV Rut Mewa cùng năm đó ông cũng bị lật đổ trong cuộc đảo chính của Yuhi V Musinga. Quân đội Đức đã giúp Vương quốc bình định tất cả phe đối lập trong nước đặc biệt là các nông dân Hutu phía bắc, năm 1899 Rwanda chính thức sáp nhập vào Đông Phi thuộc Đức và cai trị gián tiếp thông qua chính phủ bù nhìn của vua Musinga. Nhà vua và các tầng lớp quý tộc vẫn còn nguyên vẹn nhưng lao động sẽ được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên mang lại lợi ích cho Đế quốc Đức. Mặc dù Đức chỉ chiếm đóng Rwanda trong một thời gian ngắn nhưng chế độ cai trị này gián tiếp chia rẽ tình cảm giữa các sắc tộc hình thành sự giận dữ của dân chúng với chính phủ đương thời là nguồn cơn của các cuộc xung đột nội bộ và bạo lực diệt chủng.
Hội nghị Berlin năm 1884 – 1885 có sự tham gia của các cường quốc Châu Âu đánh dấu cao trào cho cuộc tranh giành lãnh thổ Châu Phi để tìm kiếm tài nguyên cho các ngành công nghiệp đang phát triển của họ, đặc biệt là xung đột giữa Anh và Pháp ở Tây Phi.
ảnh: africadigitallibrary
Hội nghị chính thức hóa và lập bản đồ, Châu Phi trở thành thuộc địa của các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha,…Trong hội nghị các nhà lãnh đạo cũng cho phép thương mại hóa tự do giữa các thuộc địa, thiết lập các yêu sách ở Châu Phi trong tương lai. Tuy nhiên, bản thân Hội nghị Berlin đã không đề cập đến bất kỳ quyền lợi và tiếng nói nào cho các dân tộc Châu Phi trong việc phân chia quên hương của họ.
Sự sụp đổ của Đế quốc Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1918, Rwanda được chuyển giao cho Đế chế Bỉ theo sự ủy quyền của Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc). Sự chiếm đóng của Bỉ lâu dài hơn bổ sung thêm nhiều khía cạnh cai trị trực tiếp lẫn gián tiếp, trong nỗ lực kiểm soát người dân Rwanda Bỉ đã lập các thờ để truyền Công giáo cho mọi người đặc biệt là tầng lớp quý tộc. Đến năm 1930 các nhà truyền giáo tiếp quản tất cả trường tiểu học trong nước, trẻ em Tutsi được dạy rằng chúng giỏi hơn người Hutu và việc giáo dục trẻ em Hutu chỉ để chuẩn bị cho chúng lao động chân tay. Thực dân Bỉ tiếp tục chính sách nghiên cứu của Đế chế Đức về việc nhận dạng, xác định bản sắc Hutu và Tutsi trong khi trước đây đặc điểm nhận dạng sẽ linh hoạt dựa vào cách chuyển đến và rời đi tùy thuộc vào công việc họ làm và địa vị của họ trong xã hội. Trong cuộc cải cách thuộc địa năm 1926 – 1936 người Bỉ đã xây dựng Hutu và Tutsi thành hai chủng tộc riêng biệt, người Hutu gọi là người “Bantu” và người Tutsi là những kẻ xâm lược “Hamitic”, trong khi những người Tutsi được ưu ái cho những công việc danh giá và quyền lực khiến người Hutu sẽ bị cai trị bởi tầng lớp quý tộc và Nhà vua Tutsi. Sự chia rẽ này là chất xúc tác cho bạo lực ở Rwanda thời hậu thuộc địa.
Trong những năm 1950 người Hutu được chính quyền thuộc địa trao nhiều quyền hơn do Rwanda trở thành cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc đến năm 1954 Mwami Mutara III Rudaghiwa bãi bỏ hệ thống ubuhake sau áp lực từ cơ quan này và sự xuất hiện của tầng lớp tinh hoa Hutu chống lại Tutsi. Mãi đến năm 1962 sau khi đã trải qua nhiều cuộc nội chiến sắc tộc những hội đồng cố vấn chính phủ người Hutu (chiếm khoảng 6% số lượng) quyết định chống lại người dân Tutsi và ngày 01 tháng 07 năm 1962, Rwanda tuyên bố độc lập khỏi Bỉ.
Từ năm 1973 đến Rwanda tiếp tục chìm trong hỗn loạn chính trị, năm 1985 đất nước bị rung chuyển kinh tế bởi những vụ bê bối tham nhũng và trải qua cuộc khủng hoảng tài nguyên giá nông sản đặc biệt là cà phê lao dốc đột ngột và tàn khốc. Đến năm 1986 những người Tutsi tị nạn trong cuộc diệt chủng năm 1959 hiện đang ở Uganda bị chính phủ nước này đàn áp, phân biệt đối xử và gạt ra ngoài lề xã hội điều này thúc đẩy cho việc cực đoan hóa của người Tutsi và ý tưởng họ cần trở về Rwanda, năm 1990 được hỗ trợ vũ khí từ Uganda bắt đầu cuộc xâm lược vũ trang vào Rwanda.
Nội chiến và nạn diệt chủng kinh hoàng 1994
Cuộc xâm lược của những người tị nạn (RPF) đã chấm dứt nỗ lực hòa giải của chế độ tổng thống đương thời Habyarimana và nhà nước chuyển quyền lực chính trị từ một quốc gia thống nhất sang quyền lực của người Hutu. Năm 1992 lực lượng dân quân thanh niên thuộc Hutu gọi là Interahamwe được thành lập. Cả Interahamwe và quân đội chính phủ Rwanda đều được Pháp cung cấp vật liệu và vũ khí. Một số vụ thảm sát người Tutsi trong nước được thực hiện bởi chính phủ Rwanda như sự trả đũa chống lại RPF đang nhen nhóm, năm 1990 – 1993 ước tính có khoảng 3000 người Tutsi bị giết hại. Kết quả là nhà nước Rwanda (Hutu) thua trận, 15% dân số (khoảng 1 triệu người theo phái ôn hòa) phải di dời trong nước tạo ra những trại tị nạn khổng lồ. Sau thất bại này chính phủ Rwanda và RPF ký một thỏa thuận ở Arusha, Tanzania trong đó loại trừ những người ủng hộ quyền lực của Hutu, tổng thống Habyarimana phản đối và các đảng đối lập đã ký thỏa thuận bị cáo buộc là phản bội Rwanda mở đường cho quyền lực của Tutsi, sự việc trở nên căng thẳng hơn khi thủ tướng Rwanda bị giết cùng 10 binh sĩ bảo vệ bà, Liên Hiệp Quốc rút 270 binh lính về nước, đây là một sự thúc ép rằng chính phủ Rwanda phải thực hiện thỏa thuận Arusha nếu không Liên Hiệp Quốc sẽ để RPF tiếp quản Rwanda.
Vào ngày 06 tháng 04 năm 1994, máy bay của Tổng thống Habyarimana bị bắn rơi không rõ là phe nào những cuộc ám sát này đã khẳng định điều gì sẽ xảy ra với người Hutu nếu người Tutsi lên nắm quyền, đây là mồi lửa cho cuộc diệt chủng hoàn toàn người Tutsi ở Rwanda, từ tháng 04 đến tháng 07 năm 1994 đã có hơn 800.000 người Tutsi đã bị giết. Tháng 07 cùng năm hai triệu người Hutu và hàng nghìn người theo phái ôn hòa chạy sang Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) vốn đã có người những tị nạn ngay sau hậu quả của Mwami Kigeri IV Rwabugiri. Dòng tị nạn khổng lồ này tràn vào tỉnh Kivu của DRC và gây ra các cuộc bạo động bởi những kẻ diệt chủng Hutu những thường dân không tham gia bất kỳ bên nào đã bị cuốn vào gây ra một cuộc quân sự hóa trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến Chiến tranh Congo lần thứ nhất.
Rwanda đã biến đổi lớn bởi cuộc diệt chủng năm 1994 và RPF lên nắm quyền. Năm 2006 – 2007 có 1.242.121 nghi phạm bị buộc tội tham gia vào các vụ giết chóc tại tòa án Gacaca.
Đất nước Rwanda do chính phủ RPF lãnh đạo vẫn gây tranh cãi từ năm 2005 – 2015 do Quốc gia này tăng trưởng mạnh Sản phẩm Quốc nội (GDP) nhưng vẫn hạn chế về chương trình phát triển con người và xóa đói giảm nghèo. Sau 2015 tỷ lệ đói nghèo giảm xuống 12% không còn nghi ngờ gì về đời sống của người dân Rwanda nhưng Tổng thống Paul Kagame vẫn bị chỉ trích vì phong cách độc đoán tự đặt mình trở thành tổng thống suốt đời, ông cũng bị buộc tội ám sát các thành viên phe đối lập chính trị.
Hai triệu người Hutu bỏ chạy khỏi đất nước sau khi quân đội Tutsi của Paul Kagame giành được chính quyền
ảnh: spiderum
Ngành cà phê Rwanda
Những sự thay đổi từ chính phủ
Cà phê không có nguồn gốc từ Rwanda và nguồn gốc của việc trồng cà phê ở đây có thể xuất phát từ thời thuộc địa Đức do các nhà truyền giáo mang đến, khai hoang và bắt đầu trồng lần đầu tiên năm 1904. Thời thuộc địa Đức cà phê phát triển rất chậm và không đạt được khả năng thương mại do người Đức không chú trọng nhiều vào việc phát triển kinh tế Rwanda.
Cho đến những năm 1930 cây cà phê được khuyến khích bởi những người Bỉ, cà phê được trồng rộng rãi ở nhiều vùng trên đất nước, điều này dẫn đến một hệ thống sản xuất cà phê số lượng lớn, tuy nhiên cà phê chất lượng thấp vẫn ám ảnh Rwanda trong nhiều thập kỷ nguyên nhân từ việc thiếu thốn cơ sở hạ tầng thích hợp để rửa và chế biến. Bất ổn kinh tế những năm 1980 và xung đột chính trị năm 1990 mà đỉnh điểm là cuộc diệt chủng Rwanda năm 1994 đã tiêu diệt toàn bộ sản lượng cà phê nước này, dân số Rwanda thời điểm đó ước tính khoảng 11 triệu người và hậu quả của cuộc nội chiến này cướp đi mạng sống của 1/ 8 dân số trong 100 ngày, có thể nói rằng kể cả hạt cà phê ở Rwanda cũng không thể thoát khỏi cái bóng của nạn diệt chủng kinh hoàng. Tuy vết sẹo vẫn còn hằn sâu nhưng sau đó chính phủ và người dân đã cùng nhau xây dựng lại nền nông nghiệp từ đống tro tàn. Sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là cà phê và chè) là một yếu tố chính góp phần cho sự ổn định kinh tế Rwanda, hầu hết sản xuất cà phê trong các trang trại nhỏ và hoàn toàn không có điền trang lớn, tuy nhiên điều này có thể mang đến cho nhiều người cơ hội được đầu tư vào trồng cà phê như một cách để cải thiện kinh tế của họ. Chính phủ nhận ra tiềm năng trong ngành cà phê, bắt đầu hạ các rào cản thương mại, dỡ bỏ các hạn chế hướng nông dân tới sự đầu tư sản xuất tập trung, cải thiện chất lượng, duy trì tính toàn vẹn của giống cà phê Rwanda và cũng nhận ra rằng giá cà phê đặc sản thường khá ổn định ngay cả khi giá cà phê chất lượng thấp bị suy giảm, những người nông dân cũng không phải chuyển đổi nhiều lần hạt cà phê mà họ đang sản xuất. Bằng cách này những cộng đồng đã từng tan vỡ giờ đây họ tham gia vào làm việc bên cạnh nhau trong sự hòa hợp, song song đó thúc đẩy thu nhập và tiêu dùng của những hộ nông dân nhỏ tạo ra nhiều việc làm. Cà phê đã song hành và chứng kiến từng bước phát triển kinh tế của Cộng hòa Rwanda.
Một số thay đổi tích cực
Hiện tại Rwanda là một trong 30 nước sản xuất cà phê đặc sản hàng đầu thế giới cả nước có ¾ diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp và gần 500.000 trang trại cà phê quy mô nhỏ, mỗi trang trại chỉ có vài trăm cây cà phê nhưng chất lượng đã cao hơn với 95% cà phê được trồng là giống bourbon thuộc chi arabica. Tuy không có những đồn điền quy mô lớn thường thấy ở Nam Mỹ nhưng những đồi dốc nhỏ thuận lợi về mặt sinh thái này sản xuất khoảng 15 nghìn tấn cà phê mỗi năm, thậm chí người Pháp còn gọi nó là “Le pays des mille collines” (Vùng đất của một nghìn ngọn đồi).
Cuộc khủng hoảng cà phê thế giới những năm 1990 và thảm họa diệt chủng 1994 đất nước bị hủy hoại về nhiều mặt đặc biệt là kinh tế. Khi giá thành bị giảm mạnh đã khiến nhiều nông dân phải suy nghĩ lại về lập trường của mình, bước nào những năm 2000, chính phủ Rwanda bắt đầu hành động để đảo ngược tình trạng kinh tế khó khăn bằng cách nới lỏng các hạn chế đối với nông dân trồng cà phê, ưu tiên chất lượng và thương mại để đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Sau đó một số tổ chức phi chính phủ trên khắp thế giới đã hợp tác với Rwanda để xây dựng lại ngành cà phê. USAID đầu tư vào hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và hỗ trợ tài chính cho ngành cà phê thông qua các chương trình ACDI, VOCA, DCA và PEARL, dự án được biết đến nhiều nhất là ADAR tiêu chuẩn hóa, xây dựng các trạm chế biến cà phê và đào tạo nông dân các kỹ thuật sản xuất cà phê truyền thống, kiểm soát chất lượng và tiếp cận thị trường dựa vào các nước Đông Phi khác các nhà rang xay ở Hoa Kỳ đóng vai trò trực tiếp nâng cao chất lượng cà phê Rwanda, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với hợp tác xã. Những nỗ lực này đã giúp phát triển 46 trạm chế biến cà phê và đào tạo hàng trăm nông dân nông thôn Rwanda về sản xuất, chế biến, quản lý trạm và tiếp thị.
Đặc điểm cà phê Rwanda
Cà phê Rwanda được thiên nhiên ưu đãi với các điều kiện khí hậu trồng cà phê lý tưởng bao gồm độ cao, lượng mưa thường xuyên, đất núi lửa có cấu trúc hữu cơ tốt, thổ nhưỡng dồi dào dinh dưỡng. Trung bình mỗi gia đình sẽ trồng 180 cây cà phê và phân bố ở khắp nơi trên cả nước, tập trung lớn dọc theo hồ Kivu ở phía tây và phía nam của tỉnh, các nông hộ nhỏ Rwanda tự tổ chức thành các hợp tác xã và chia sẻ các dịch vụ của nhà máy chế biến cà phê. Cà phê sẽ ra hoa từ tháng 09 đến tháng 10 và vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 03 đến tháng 07 năm sau với các chuyến hàng bắt đầu từ cuối tháng 05 đến đầu tháng 06.
Các vùng trồng chính
Cà phê được trồng ở hầu hết các tỉnh của Cộng hòa Rwanda nhưng phần lớn đến từ các vùng ở miền nam và miền tây, nhiều trang trại được trồng ở độ cao từ 1700 – 2000m so với mực nước biển, được trồng dọc theo hồ Kivu từ khu vực phía bắc của Gisenyi đến các khu trung tâm của Kibuye và Nyamasheke, Cyangugu. Miền bắc trồng cà phê hạn chế hơn chỉ tập trung nhiều ở quận Rulindo phía bắc Thủ đô Kigali. Miền đông cũng sản xuất một khá lớn nhưng được trồng ở độ cao thấp hơn khoảng 1300m. Cà phê Rwanda là một trong những loại cà phê Châu Phi ngon nhất chỉ sau các nhà sản xuất hàng đầu như Ethiopia, Kenya nhưng lại đi trước các nước láng giềng như Zambia Zimbabwe.
Bourbon thuộc chi arabica của Rwanda đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới được trồng trên những vùng đất cao nguyên màu mỡ trù phú của đất nước. Chủ yếu được trồng ở 5 vùng: Virunga, Akagera, Kivu, Muhazi và Kizi Rift.
Virunga – Vùng núi Virunga phía tây bắc là nơi sinh sống của loài khỉ độ Silverback nổi tiếng nằm ở độ cao 1.500 – 2.100m so với mực nước biển với khí hậu mát mẻ và lượng mưa dồi dào trên đất núi lửa phong phú và nhiều muối khoáng, cho phép quả cà phê được chín chậm tạo nên vị ngọt hương mật ong, caramel, hương thơm từ hỗn hợp trái cây, vị chua đặc trưng từ đất andosols, hậu vị quả lý đen với độ chua sống động. Công ty cà phê Virunga được đặt theo tên của vùng này và là đại lý uy tín của cà phê Rwanda. Đây là vùng trồng cà phê có chất lượng cao hàng đầu cả nước.
Akagera – Nằm ở phía đông nam Rwanda giáp Tanzania đặc trưng bởi những ngọn núi thấp và đất đai màu mỡ, trù phú, độ cao khoảng 1.200 – 1.500m, lượng mưa hàng năm ít hơn vùng Virunga. Ngoài việc trồng cà phê nơi đây còn được biết đến là nơi có nhiều trạm chế biến cà phê, thực hiện loại bỏ lớp vỏ ngoài của hạt cà phê. Cà phê đến từ Akagera có độ chua thấp hơn một chút so với các khu vực cà phê khác, chủ yếu là các hương từ các loại hoa, hoa nhài và vị ngọt như kẹo hậu vị trái cây nhiệt đới.
Hồ Kivu – Vùng này có chung biên giới với Cộng hòa Dân chủ Congo, có công ty cà phê Kivu Noir đặt theo tên của vùng. Nơi đây sản xuất là loại cà phê có hương vị phức tạp bao gồm cả hương hoa nhài, hoa hồng trà, vỏ bưởi, vị ngọt của mật mía và hậu vị sô-cô-la mang đến cảm giác pha trộn thú vị, loại cà phê này được trồng trên các sườn núi lửa của khu vực có độ cao khoảng 1.800m với những ngọn đồi cỏ xanh mướt và đất núi lửa giàu nitơ.
Muhazi – Muhazi nằm cách Thủ đô Kigali của Rwanda vài km về phía đông. Giống bourbon cao phát triển mạnh ở vùng hồ Muhazi cũng là nơi cung cấp nước tốt cho cây tạo ra những hạt cà phê to, sáng màu, khí hậu ấm áp, đất đai dồi dào và phong phú góp phần đắc lực tạo ra cà phê với sự pha trộn đặc biệt giữa hương hoa, trà, quả chà là và hậu vị cacao.
Kizi Rift – Tọa lạc ở độ cao khoảng 1.800m – 2000m so với mực nước biển khu vực này trải dài từ vùng nhiệt đới Nyungwe đến dãy núi lửa Virunga ngay trung tâm Rwanda. Cà phê của Kizi Rift mang những nốt hương cam quýt đặc trưng của đất núi lửa, cân bằng, mịn màng và trong trẻo của hương quả hồ đào, dâu đen, hoa nhài.
Phương pháp chế biến cà phê ở Rwanda
Phương pháp chế biến truyền thống cà phê ở Rwanda là cà phê sẽ được chế biến riêng lẻ tại các trang trại nhỏ sau đó trộn với trang trại lân cận, chiếm phần lớn sản lượng thường được gọi là bán ướt vì hầu hết không được lên men hoàn toàn để loại bỏ tất cả các chất nhầy. Kiểu chế biến này vốn dĩ không tệ nhưng khi trộn tất cả lại với nhau những mẻ được chế biến tốt với những mẻ xử lý kém sẽ dẫn đến mẫu số chung thấp nhất cho chất lượng cà phê sau khi pha. Sau năm 1994 chính phủ bắt đầu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến cà phê, đặc biệt là cơ sở hướng tới phương pháp chế biến ướt hoàn toàn, hiện có khoảng 245 trạm chế biến trên khắp Rwanda, một bước tiến vượt bậc cho ngành cà phê nước này. Thông thường, cà phê sau khi hái sẽ được thả nổi vào trong nước để loại bỏ những quả hỏng, nhạt màu, không đạt chất lượng, việc tách vỏ thường được thực hiện tương tự như máy tách của Kenya, các hạt nhẹ hơn sẽ được đưa vào những máy tách thứ cấp riêng dành cho cà phê loại B và C, những hạt to và cấu trục đặc được chuyển đến thùng lên men để chọn lọc hạt loại A những hạt này cuối cùng sẽ đạt được chất lượng của các loại A1, A2, A3. Một trong những điều đặc biệt trong chế biến cà phê ở Rwanda là cà phê sau khi lên men và rửa sạch sẽ được đem lên giàn phơi có mái che, ở đây các nhân công sẽ loại các hạt không đạt tiêu chuẩn như hạt chưa chín, bị dập, khiếm khuyết hoặc hạt nhiễm khuẩn. Sau giai đoạn chọn lọc này cà phê sẽ được đem đến giàn phơi khô khác mất từ 15 – 20 ngày để đạt được độ ẩm 11%, trong những ngày nắng nóng nhân công phải che chắn để cà phê không bị khô quá nhanh dưới ánh sáng mặt trời. Kết quả là cà phê ở Rwanda lớp vỏ lụa hoàn toàn có màu trắng không có vết nứt do nhiệt độ quá cao trong công đoạn phơi, lớp vỏ lụa tuy nhỏ bé nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hạt cà phê được khô một cách an toàn dần dần từ bên ngoài, cho phép giảm độ ẩm chậm và đều, hạn chế việc mất đi các chất hữu cơ tốt cho hương thơm, cuối cùng là cà phê sẽ bảo quản được lâu hơn mà không bị biến chất.
Khiếm khuyết “khoai tây” ở Rwanda
Potato defect là một loại khiếm khuyết ở hạt cà phê nguyên nhân do antestia (antestiopsis orbitalis) và bọ cánh cứng (hypotenemus hampei) một loài côn trùng nhỏ hút máu tạo ra các vết rách nứt bên ngoài quả cà phê tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập đục khoét hạt bên trong hoặc do những trận mưa kéo dài thúc đẩy quá trình chín của quả khiến xuất hiện các vết nứt trên da quả
Về mặt hóa học lỗi này là do pyrazine hợp chất hữu cơ dị vòng thơm được gọi là isopropyl-2-methoxy-3 có trong nhiều loại thực phẩm như ớt chuông tươi, đậu hà lan, củ dền và rượu vang trắng làm từ nho sauvignon blanc, hợp chất này tạo nên hương thảo mộc thơm mát được rất nhiều người ưa thích, tuy nhiên không phải tất cả các loại thực phẩm có chứa pyrazine đều thơm ngon, ở hạt cà phê chúng mang đến khiếm khuyết khoai tây có nghĩa là cà phê sẽ có mùi giống như khoai tây sống cay và nồng.
Potato defect không liên quan đến lỗi trong phương pháp chế biến hoặc do thiếu sự giám sát từ nông dân, không giống như lỗi phenolic hoặc hạt bị quá chín khuyết tật này không thể ngăn ngừa được, chỉ có thể sử dụng các kỹ thuật phân loại để giảm tối đa tỷ lệ mắc khiếm khuyết, nâng cao kỹ thuật thu hoạch, phân loại hoặc chế biến tốt hơn.
Đọc thêm: Cà phê Kenya và những điều đặc biệt
Đặc trưng hương vị
Khi nghĩ đến cà phê Châu Phi thông thường người ta sẽ nhớ đến Kenya hoặc Ethiopia, ngành cà phê Rwanda có thể chỉ mới bắt đầu gần đây do nhiều bất ổn về chính trị nhưng họ đã dần dần tạo nên làn sóng trong lĩnh vực cà phê đặc sản, cho ra mắt các loại hạt đạt tiêu chuẩn chất lượng của những người sành cà phê. Nói chung, cà phê Rwanda thường được mô tả là có hương trái cây tươi sáng, vị chua mang lại cảm giác sôi động, có thể cảm nhận được hương hoa, cam quýt, body trung bình và hậu vị trong trẻo.
– Vùng Virunga thích hợp với những ai tìm kiếm hương vị hạt hồ đào, mịn như mật ong, cỏ ba lá. Cà phê vùng này tạo ra những tách espresso tuyệt vời.
– Hồ Kivu với hương vị tinh tế và phức tạp, nổi bật hơn một chút với hương cam ngọt, cacao, hậu vị chanh, anh đào, thích hợp cả espresso lẫn pour over.
– Khu vực Kizi êm dịu với hương hoa nhài, hạt nhục đậu khấu và hạt dẻ nướng trên nền caramel bơ, thích hợp với mọi phương pháp chiết xuất.
– Muhazi là vùng đất mềm và sâu, vị cà phê có một chút sô-cô-la đắng cùng với vị cay êm dịu của trà đen đậm đặc khiến cho cà phê Muhazi phù hợp với phương pháp pour over.
– Các loại cà phê ở Akagera thường được chú ý bởi độ chua sắc nét và hậu vị trong trẻo, chúng có body trung bình, hương vị của quả mâm xôi đen, trà đen và bạch đậu khấu cùng với các hương thơm nhẹ khác, lý tưởng với phương pháp pour over hoặc cold brew.
Những điểm nổi bật
Điểm nổi bật của cà phê Rwanda không thể không kể đến khả năng phục hồi của họ sau nỗi kinh hoàng của những năm 90, những người nông dân trồng cà phê vẫn kiên cường và quyết tâm thúc đẩy ngành công nghiệp tiến lên trong những thập kỷ đầu của thiên niên kỷ mới. Đầu những năm 2000 đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của hàng trăm các trạm chế biến, đây là bước tiến lớn nhất đối với các hộ nông dân nhỏ, giờ đây họ có thể canh tác cà phê và chế biến ở các trạm rửa tập trung này thu nhập của họ đã tăng gấp đôi. Thay vì canh tác số lượng lớn, hàng trăm hàng nghìn nông dân nhỏ đã chuyển sang tập trung vào việc tạo ra giá trị cao và chất lượng cao trong không gian hạn chế của họ. Nguồn vốn của chính phủ và tư nhân đã thay đổi cách thức giao dịch cà phê trước đây, trước đó nông dân sẽ bán cà phê của họ cho những người trung gian và độc quyền xuất khẩu. Giờ đây, nông dân tự chế biến cà phê và có một lượng lớn người mua hơn để cùng hợp tác, điều này đã giúp giá cà phê được nâng cao và tạo ra tính công bằng cải thiện cuộc sống của những người nông dân và cộng đồng của họ. Như một minh chứng cho sự vùng lên mạnh mẽ trong lĩnh vực cà phê đặc sản, Rwanda đã tổ chức cuộc thi Cup of Excellence đầu tiên vào năm 2008 để giới thiệu đến nhiều người hơn về loại cà phê bourbon nổi bật của họ.
Hệ thống phân loại
Trong thị trường cà phê, kích thước của hạt cà phê rất quan trọng, chúng có thể quyết định chất lượng và giá thành cà phê khi đưa ra thị trường. Cấp độ cà phê còn giúp người bán và người mua trên toàn cầu xác định được kỳ vọng của họ trước khi mua, không cần nhấp một ngụm cũng có thể cảm nhận sơ bộ về chất lượng bằng cách nhìn vào cấp độ.
Hệ thống phân loại kích thước cà phê Rwanda sử dụng các thuật ngữ A,B,C,D,… tương ứng với các kích thước lỗ sàng từ 18,5 đến 10mm, các hạt cà phê nếu to hơn 18,5 mm sẽ được gọi là A1, A2 và A3 tương ứng.
Những người phụ nữ phi thường
Hậu quả của cuộc diệt chủng năm 1994 là các vùng nông nghiệp bị tàn phá rất khó để trồng trọt cà phê, chế biến hay xuất khẩu. Theo truyền thống ở Rwanda, năm giới xới đất cho các cây trồng hoa màu bao gồm cà phê, còn phụ nữ sẽ xới đất cho cây lương thực, nhưng sau nạn diệt chủng hầu hết những người đàn ông đều đã chết, trong tù hoặc sống như những người tị nạn lưu vong, niềm tin bị phá vỡ, đất nước chìm trong loạn lạc. Những năm sau đó, cà phê đã hòa giải mọi người và hồi sinh đất nước từ tro tàn khói lửa, tuy nhiên sẽ không thể thực hiện được nếu như không có những người phụ nữ Rwanda mạnh mẽ, họ phải bắt đầu lại từ đầu với tất cả quá trình từ trồng trọt đến chế biến cà phê, họ xích lại gần và tin tưởng lẫn nhau, coi đói nghèo là một kẻ thù chung để vượt qua. “Nhiều người phụ nữ của chúng tôi đã trở thành góa phụ và do đó, cũng trở thành những người trụ cột gia đình. Điều này còn có nghĩa là chúng tôi phải đảm nhận công việc mà trước đây đàn ông luôn làm” Anasthase Minani – một nữ nông dân hiện đang đứng đầu ban điều hành hợp tác xã Musasa chia sẻ.
Kết luận
Rwanda là một quốc gia nhỏ ở phía đông Châu Phi với cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của họ, nơi có độ cao tốt, đất đai màu mỡ phong phú và nước ngọt là một trong những thành phần cấu tạo nên hạt cà phê Rwanda nổi tiếng với nhiều tầng hương vị khác nhau từ sô-cô-la ngọt, berry, hương hoa, cacao, … Nếu bạn đang muốn thử một loại cà phê mới lạ của Châu Phi thì Rwanda là một ứng cử viên sáng giá với hương hoa nhài tinh tế và body mềm mượt.
Tìm hiểu thêm: Cà phê Brazil khởi đầu từ một bó hoa oải hương
Nguồn tham khảo
- www.sahistory.org.za/place/rwanda#endnote-1
- Aimable Twagilimana, Historical Dictionary of Rwanda, (Metuchen, N.J.: Scarecrow Press, 2007).
- Mahmood Mamdani, When Victims Become Killers: Colonialism, Nativism, and the Genocide in Rwanda, (Princeton and Oxford: Princeton University Press, 2002)
- Aimable Twagilimana, Historical Dictionary of Rwanda, (Metuchen, N.J.)
- David Booth and Frederick Golooba-Mutebi, “Developmental patrimonialism? The case of
- Rwanda”, Afr Aff (Lond) (2012) 111 (444): 379-403. doi: 10.1093/afraf/ads026 First published online: May 16, 2012
- Catharine Newbury, “Ethnicity and the Politics of History in Rwanda”, Africa Today, Vol. 45, No. 1 (Jan. – Mar., 1998), pp. 7-24. Accessed June 26, 2016
- Peter Uvin, 1999, “Ethnicity and Power in Burundi and Rwanda: Different Paths to Mass Violence” in Comparative Politics, Vol. 31, No. 3 (Apr., 1999), pp. 253-271 Published by: Comparative Politics, Ph.D. Programs in Political Science, City University of New York.
- Mahmood Mamdani, When Victims Become Killers: Colonialism, Nativism, and the Genocide in Rwanda, (Princeton and Oxford: Princeton University Press, 2002).
- Jan Vansina, Antecedents to Modern Rwanda: The Nyiginya Kingdom, (Wisconsin: The University of Wisconsin Press, 2004).
- Jennifer Gaugler, “Selective Visibility: Governmental Policy and the Changing Cultural Landscape of Rwanda” in ARCC 2013 The Visibility of Research Policy: Educating Policymakers, Practitioners, and the Public
- Peter Uvin, 1999, “Ethnicity and Power in Burundi and Rwanda: Different Paths to Mass Violence” in Comparative Politics, Vol. 31, No. 3 (Apr., 1999), pp. 253-271 Published by: Comparative Politics, Ph.D. Programs in Political Science, City University of New York
- Peter Uvin, 1999, “Ethnicity and Power in Burundi and Rwanda: Different Paths to Mass Violence” in Comparative Politics, Vol. 31, No. 3 (Apr., 1999), pp. 253-271 Published by: Comparative Politics, Ph.D. Programs in Political Science, City University of New York.