Cà phê Tàu pha bằng siêu, vợt cho ‘gourmet Sài Gòn’

Thacker

Share:

17:57 21/06/2022

CFRR- Sáng sớm trong con hẻm khu Bàn Cờ – Nguyễn Thiện Thuật không hiếm những nhóm bạn trẻ lang thang từ bánh mì chảo sang cà phê vợt Cheo Leo. Những người trẻ đang bước đi như người Sài Gòn ngày trước, những người sành ăn (gourmet).

Những năm gần đây, người trẻ ở Sài Gòn thường rủ nhau đi cà phê vợt như một cái thú tìm về Sài Gòn ngày cũ. Đêm về khuya vẫn hàng dài những bạn trẻ ngồi trước con hẻm 330 Phan Đình Phùng vì ở đó có quán cà phê vợt Phú Nhuận; hay vào sáng sớm, dọc con hẻm Cao Thắng nối dài sang Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) là những nhóm bạn trẻ rủ nhau đi ăn bánh mì chảo Hoà Mã, lang thang cà phê Cheo Leo.

Chú Hai Tàu truyền nghề cho người Hoàng tộc

Cheo Leo có lẽ là một trong những quán cà phê vợt có tuổi đời lâu nhất ở Sài Gòn. Cheo Leo ra đời theo câu chuyện của một người dòng dõi Hoàng tộc ở Huế, vì giận cha mà bỏ xứ lưu lạc vào Sài Gòn. Từ năm 1938, quán Cheo Leo của ông Vĩnh Ngô đã mở tại hẻm Nguyễn Thiện Thuật sau khi ông lập gia đình cùng người con gái ở xứ Nha Mân (Đồng Tháp).

nel-drip-coffee

Bếp tự chế của ông Vĩnh Ngô, chủ quán Cheo Leo ngày xưa đến giờ vẫn được các con dùng để nấu nước nóng, nấu cà phê…

Ảnh: Huy Phạm – CFRR

Trong ký ức của ba cô con gái đang tiếp nối nghề cà phê của cha tại Cheo Leo thì thuở ông Vĩnh Ngô mở quán, ông tự mua cà phê về rang bằng bếp củi. Tuy nhiên, củi đôi khi mình canh không đều tay nên sau đó ông đã mua cà phê rang sẵn của ông chú Hai người Tàu ở hẻm Nguyễn Đình Chiểu. Cà phê pha bằng siêu, vợt chính là cách ông chú Hai bày cho ông Vĩnh Ngô.

Sau bao biến thiên của thời cuộc, từ cà phê với những quán kiểu Tây dọc trục Tự Do ngày cũ (hiện nay là Đồng Khởi), cà phê vợt hay còn gọi là cà phê Tàu cũng là một đặc trưng của văn hoá Sài Gòn. Cà phê Tàu theo dấu chân người Hoa sau phong trào phản Thanh phục Minh đã dừng lại ở Sài Gòn chọn làm nơi đặt đất cắm dùi.

Nhiều người nói cà phê Tàu bình dân hơn cà phê Tây, bụi bặm hơn cà phê Tây. Ban đầu người Hoa không có quán cà phê riêng mà cà phê là một thức uống như các loại thức uống khác và được bán chung trong các tiệm mì, hủ tiếu. Lâu dần, người uống cà phê nhiều mới hình thành các quán cà phê riêng. Cà phê Tàu đặc trưng được nấu bằng siêu và pha bằng vợt; chiếc vợt pha cà phê có hình thù giống giống chiếc vớ nên nhiều người gọi là cà phê vớ. 

Ông Vĩnh Ngô ngày xưa đã được chú Hai người Tàu “truyền nghề” và nghề đó được ba cô con gái giữ gìn tới ngày nay. 

Những món nóng với bơ Bretel

84 năm có mặt ở Sài Gòn, Cheo Leo vẫn giữ những thói quen từ ngày cũ. Cheo Leo đóng cửa nghỉ ngơi hai ngày mỗi tháng, vẫn không bán sau 19 giờ… Bởi trước 1975, khách uống Cheo Leo hầu hết là các thế hệ học trò trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), tối quán vắng khách; và cà phê cũng không phải thức uống hợp cho “bọn học trò” vào buổi tối.

Cheo Leo đặc sản vẫn còn những ly cà phê đen, cà phê sữa, bạc xỉu và nhất là những thức uống nóng kèm bơ. Trước 1975 ở Sài Gòn những món cà phê nóng thường uống kèm với một xíu bơ Bretel. Những ly cà phê nóng như: Cà phê đen nóng, cà phê sữa nóng, bạc xỉu nóng hay ca cao nóng sẽ được tặng kèm nửa muỗng nhỏ bơ Bretel để người uống có thể bỏ trực tiếp vào tách thưởng thức.

Sau nhiều năm, theo sự thay đổi khẩu vị của người uống, cà phê đá được yêu chuộng hơn nên món cà phê nóng với bơ Bretel dần rơi vào quên lãng. Từ 2018 đến nay, Cheo Leo lại bán lại những thức uống nóng kèm thêm loại bơ này; người đến uống tách cà phê nóng với hương vị của bơ như được gợi lại chút ký ức xưa cũ của Sài Gòn với cái khiếu rất sành về ẩm thực (gourmet). 

Để giữ ấm được thức uống nóng trong những ly, tách sạch sẽ, ông Vĩnh Ngô đã tự chế một cái bếp nấu được nhiều siêu một lúc, vừa có nước nóng để pha chế vừa có nước sôi trụng ly tách. Cái bếp được xây bằng một phần ba chiếc thùng phi với bê tông được đổ bên trong. Cái bếp trong không gian nhỏ là một góc vĩnh cửu dẫu năm tháng, bởi cho tới giờ, Cheo Leo vẫn nấu bằng cái bếp đó của ông Vĩnh Ngô cùng siêu và vợt của chú Hai người Tàu tặng ngày xưa.

Bao biến cố của thời cuộc đến và đi, vợ ông Vĩnh Ngô đã mất; chú Hai người Tàu bỏ cà phê cho nhà ông Vĩnh Ngô đã rời khỏi Sài Gòn nhường mối cà phê Cheo Leo lại cho chú Cao cũng người Tàu; chú Cao sau đó cũng bán nhà cửa ở Sài Gòn đi nước ngoài lại tiếp tục nhường mối cà phê cho chú Xây cũng người Tàu… Chú Xây bệnh, qua đời và bây giờ cà phê của Cheo Leo là anh Thành con chú Xây bỏ mối. Quán xưa, những gắn kết, tình nghĩa cũng xưa như vậy, làm sao tránh được vô tình là nơi gắn bó của bao người Sài Gòn.

Cùng với sự đổi thay của thành phố hôm nay, bao quán cà phê và thương hiệu mới đã mọc lên và rồi lại mất đi; Sài Gòn đã không còn nhiều những góc quán cà phê với tuổi đời hơn 80 năm, để ở đó bạn bè tứ tán bốn phương lại liêu xiêu về kể chuyện bâng quơ, miên man trong không gian quen thuộc với niềm vui của kỷ niệm và đâu đó thoáng buồn khi những khuôn mặt của ngày cũ dần vắng xa…

Bài viết liên quan

Những điểm đến cà phê hấp dẫn nhất trên thế giới

CFRR– Phong cách thưởng thức và nền văn hoá cà phê đặc biệt ở một số...

Bí ẩn nào làm nên sự khác biệt trong văn hoá cà phê ở Nhật Bản?

CFRR– Văn hoá cà phê ở Nhật Bản có nhiều điều khác biệt nhờ vào việc...

Những quy tắc thú vị trong văn hoá thưởng thức cà phê ở Ý

CFRR– Văn hoá thưởng thức cà phê ở Ý là những nghi thức luôn được giữ...

Sài Gòn, Huế hay Hà Nội, cứ uống cà phê và an hưởng phút giây này

Chọn nuốt những giọt đắng đậm để hồi nhớ quá khứ vàng son, chọn vị chát...