CFRR- Những ai yêu mến văn hóa Pháp có lẽ không xa lạ với Café au lait. Và hơn cả, ai yêu mến Paris, ắt hẳn sẽ tìm về góc quán cà phê ở Paris như Hemingway từng tìm về…
Ernest Hemingway là người Mỹ, một nhà văn của “thế hệ bỏ đi”, cha đẻ của lý thuyết “tảng băng trôi”, và gì nữa? Ông có lẽ là một trong số những nhà văn viết về Paris hay nhất.
Hemingway đến Paris vào năm 1921 và “sống ở Paris trong tuổi thanh xuân”, có lẽ vì vậy, Paris của ông cũng sôi nổi và đẹp đẽ. Tất cả không gian và không khí ấy, Hemingway gói trọn trong Hội hè miên man (A Moveable Feast), cuốn hồi ký mà cũng có thể coi là tiểu thuyết của ông.
Nghĩ đến Paris, người ta thường nhắc đến điều gì? Tháp Eiffel, sông Seine, nhà thờ Đức Bà (Notre Dame De Paris), vườn Luxembourg, Champs-Elysées… Paris là kinh đô ánh sáng, là thành phố của sự hào hoa; tất cả những công trình biểu tượng ấy, làm nên bộ mặt của Paris; nhưng không chỉ vậy, Paris còn có những không gian khác. Không gian của chất sống, tiệc tùng và hội hè. Quầy rượu, tiệm sách, những con phố, đặc biệt là quán cà phê… ngự trị trong câu chuyện, trang viết về Paris.
Quán cà phê ven sông Seine, nơi giao lộ, hay trên con dốc ngoằn ngoèo ở Montmartre… Những Guerbois Café, Café de la Nouvelle Athènes, Femme au Café, Le Café du Rat-Mort, Le Café Momus… là nơi các danh họa hàng đầu của trường phái Ấn tượng lui tới thường xuyên. Tất nhiên, bấy giờ, họ có người chỉ mới là những họa sĩ nghèo mang ý hướng cách tân nghệ thuật. Cézane, Van Gogh, Gauguin, Picasso,… đều bước ra từ những tiệm cà phê của Paris.
Quay lại với Hemingway, ông bước vào quán cà phê “và gọi một tách café au lait” ngay từ những trang đầu của Hội hè miên man, “một quán rất được trên quảng trường S.t-Michel”. Rồi như làn khói mỏng, như hương vị của tách cà phê sữa kiểu Pháp ấy; những câu chuyện của Hemingway lan tỏa theo từng con phố, đi vào căn phòng thuê bé tí của vợ chồng ông ở 74 rue Cardinal Lemoine, qua vài ngóc ngách, địa chỉ quen, rồi lại trở vào một quán xá nào khác.
“Hội hè miên man” tựa tiếng Anh là “A Moveable Feast” nhưng tựa tiếng Pháp là “Paris est une fête” (Paris là một ngày hội).Vào ngày 13-11-2015, khi Paris bị khủng bố, “Paris est une fête” của Ernerst Hemingway một lần nữa sống lại ở Pháp. Rất nhiều người mua sách, đem đến đặt bên cạnh những ngọn nến và những bó hoa nơi khủng bố.
Hành động này mang tính biểu tượng bởi quyển sách viết về một Paris hội hè những năm 1920, thuở người Paris bình yên ngồi bên hiên nhà uống rượu, uống cà phê chuyện trò… nó như du khách đến Paris ngày nay. Và đó là một Paris đã mất như Paris đã mất sau trận khủng bố 2015.
Ernest Hemingway ở Paris năm1924.
Ảnh: John Fitzgerald Kennedy Library
Đó là những năm tháng mà Hemingway “muốn mua sách cũng không có tiền”; nhưng có lẽ cũng là khoảng thời gian vui vẻ nhất của ông. Ở giữa thành phố của hội hè miên man, ông sống một cuộc đời sôi nổi, quanh quẩn quán xá, gặp gỡ bạn bè, trao đổi vô số câu chuyện, ý tưởng nghệ thuật.
Hình như không gian của những người nghệ sĩ ở Paris luôn là quán xá. Hay nói cách khác, Paris là hỗn hợp của mới và cũ, tĩnh lặng quý tộc và náo nhiệt bình dân, hiện thực và ấn tượng… Quán xá của Paris đặc quánh sự ồn ào, là tập hợp của mùi cà phê, bánh mì, rượu và đồ ăn. Phải chăng cũng vì vậy, mà những người nghệ sĩ luôn tìm thấy cảm xúc ở trong không gian này, và nó luôn kích thích sức sống, sáng tạo trong họ?
Brasserie Lipp là quán cà phê Hemingway thường tìm đến mỗi khi đói, lạnh. Quán vẫn giữ góc bàn của Hemingway với món ăn quen thuộc là sausages với pommes à l’huile uống bia. Ảnh: Brasserie Lipp
Người đọc luôn tìm thấy sự vô tư của tuổi trẻ trong từng dòng chữ mà Hemingway trải ra trước mắt. Sống với hai cuộc đại chiến thế giới, ông cùng rất nhiều người đồng lứa được, hoặc tự xếp mình vào thế hệ bỏ đi. Thế hệ ấy, còn là thế hệ của Fitzgerald, Eliot, Remarque… của một nỗi buồn lạc lõng và đôi khi vô nghĩa. Tuy nhiên, ở chặng dừng chân nơi cuộc hội hè miên man Paris, Hemingway đã sống đủ những tháng năm “rất nghèo và hạnh phúc”…
Sau này, Hemingway còn đi nhiều nơi, sống qua rất nhiều địa danh khác, mang theo bệnh tật và ẩn ức cho đến khi lựa chọn tự kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 62. Dẫu vậy, nhiều người vẫn nhìn thấy, dường như những gì đẹp nhất trong đời Hemingway đều gói trọn ở Paris, gói trọn ở cuộc “hội hè miên man” khởi đầu bằng tách cà phê sữa trong quán “ấm áp, nhẹ nhàng, sạch sẽ và thân thiện”.
Les Deus Magots hay Caf é de Flore là những góc quán bao thế hệ nghệ sĩ đã từng ngồi viết, gặp gỡ, chuyện trò… Như Hemingway bên tách Café au lait. Ảnh: Gourmets and Co, Café de Flore
Trong cuốn hồi ký Con người, Năm tháng, Cuộc đời nhà văn Ilya Erenburg đã kể lại những chi tiết khá thú vị về Ernest Hemingway. Và cũng như những quán xá của Hemingway, đoạn hồi ức của Ilya Erenburg về Paris cũng quyện vị cà phê: “Hemingway trẻ hơn tôi 8 tuổi, và tôi đã sửng sốt khi nghe ông kể lại chuyện ông đã từng sống ở Paris vào đầu những năm 1920, hệt như tôi đã sống ở đó 8 năm trước, khi tôi ngồi tại quán cà phê Selekte – bên cạnh quán Rotonda để ước ao những mẩu bánh mì sớm mai thơm phưng phức. Tôi ngạc nhiên vì vào năm 1922, tôi có cảm tưởng những năm tháng anh hùng của Monpanas đã lùi về phía sau và tại quán Selekte đang nhâm nhi những tách cà phê nóng hổi là những khách du lịch giàu có người Mỹ. Hóa ra vào thời điểm ấy còn ngồi đó cả chàng trai Hemingway bụng đói mà vẫn cắm cúi làm thơ và nghĩ ngợi về cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình”.
Cũng không rõ tự căn nguyên nào, tập bản thảo Hội hè miên man lênh đênh theo hành trình của Ernest Hemingway, trong vai trò một thông tín viên nước ngoài, đi từ Cuba, đến Ketchum, Tây Ban Nha, rồi quay lại điểm xuất phát. Hành trình ấy ngót ba năm. Trong ba năm ấy, mỗi lúc nhớ về khoảng tuổi trẻ “rất nghèo và hạnh phúc”, Hemingway có nhớ đến hương vị một tách Café au lait ở Paris?!