CFRR- Một chủ tiệm cà phê ở Brooklyn nói rằng “cappuccino là biểu hiện của sự lãng mạn”, với một số người khác, cappuccino đơn giản là tình yêu…
Cà phê sữa được biết đến ở châu Âu từ khoảng thế kỷ XVII. Trong khi đó, theo nhiều nguồn tư liệu, cappuccino (ban đầu được gọi là “Kapuziner”) lần đầu tiên xuất hiện tại các quán cà phê ở Vienna (Áo) vào những năm 1700 với công thức cà phê pha với kem sữa béo và đường.
Nhiều nguồn tư liệu cũng giải thích tên gọi cappuccino xuất phát từ các tu sĩ dòng Capuchin, bởi màu áo thụng của họ là màu nâu tương tự với màu sắc đặc trưng của loại cà phê này.
Tuy nhiên, phiên bản cappuccino mà chúng ta biết đến ngày nay lại xuất hiện lần đầu tại miền Bắc nước Ý trong những năm 1930. Ban đầu, người ta vẫn pha chế theo phong cách Áo với lớp kem sữa béo ở trên và rắc một ít bột quế hoặc chocolate. Sau đó, sữa đun nóng bắt đầu được sử dụng phổ biến trong quá trình pha chế. Đến những năm 1950, cappuccino được chế biến từ espresso thay vì cà phê thông thường. Từ đây, cái tên cappuccino bắt đầu ghi dấu ấn với tín đồ cà phê trên thế giới.
Khi gọi tên cappucino là tình yêu
Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt của Cappuccino đó là chú trọng đặc biệt đến tính thẩm mỹ. Nhiều chuyên gia cà phê tin rằng những hình ảnh trái tim, cành dương xỉ… trên phần foam của ly cappucino thể hiện đẳng cấp, trình độ của các barista.
Với những barista đích thực, đó có lẽ là một thử thách khó khăn nhưng không kém phần thú vị. Như cảm giác lần đầu chạm vào ánh mắt người yêu, nét đẹp của những hoạ tiết trang trí, của tách cà phê, hay màu sắc hoà quyện giữa lớp kem và bột chocolate hoặc bột quế nhanh chóng kết nối và chạm vào cảm xúc – nửa phần xúc động, nửa phần đam mê.
Hơn thế nữa, với thành phần chính được cân chỉnh hài hoà, gồm ba phần xấp xỉ bằng nhau: Một phần cà phê espresso, một phần sữa nóng và một phần kem sữa sủi bọt, cappuccino có độ bồng bềnh hơn hẳn so với loại thức uống cùng thành phần là latte – với lượng bọt sữa chỉ xấp xỉ một nửa lượng sữa.
Thưởng thức lớp kem bồng bềnh ấm áp, ngay cái chạm môi đầu tiên, có thể khiến người ta liên tưởng ngay đến nụ hôn đầu – e ấp, bỡ ngỡ nhưng không kém phần bay bổng, đắm say. Lớp bọt sữa với độ dày tầm hai đến ba centimet không những giúp ly cà phê cappuccino đẹp và lãng mạn hơn, tăng độ béo và hương thơm cũng như giảm độ chua, đắng của cà phê, mà còn có tác dụng giúp giữ sữa và cà phê phía dưới nóng và thơm lâu hơn.
Và như thế, tưởng tượng trong một chiều mưa lạnh, uống một tách cappuccino nóng ấm, với hương vị hoàn hảo kết hợp giữa sự trầm đắng nhẹ của cà phê, vị béo nhẹ của sữa và sự ngọt ngào của kem, người ta sẽ gợi nhớ điều gì? Là những kỷ niệm êm đềm dịu dàng của mối tình đầu hay là những nỗi buồn đắng chát?
Người trẻ gần đây hay nhắc đến: “Thanh xuân như một cơn mưa rào”; và đâu đó, Katie Carguiilo, chủ tiệm cà phê Counter Culture Coffee (Brooklyn, New York) đã viết rằng: “Cappuccino là biểu hiện của sự lãng mạn”…. Tình yêu, dù là chút tình thoáng qua hay ở lại, với cả vui, buồn, lạnh lùng hay ấm áp; khi đã gọi tên tình yêu, có lẽ không dư vị nào mô tả về nó đúng hơn một tách cappuccino mang lại. Có lẽ vậy mà với một số người, cappuccino đơn giản là tình yêu.
Đi tìm công thức hoàn hảo cho tình yêu
Gọi cappucino là tình yêu, ắt hẳn bất cứ ai cũng mong muốn một công thức hoàn hảo cho cuộc tình của mình. Nên hành trình đi tìm công thức hoàn hảo cho tình yêu dù khá lạ lùng nhưng ai đã lỡ rơi vào một mối tình có lẽ đều muốn tìm câu trả lời.
Nhiều chuyên gia về tư vấn hôn nhân, về tâm lý học, và cả các triết gia đều đã cố gắng đi tìm một “mô hình” lý tưởng hay một dạng công thức đặc biệt để hướng dẫn người ta yêu nhau một cách… hiệu quả hơn! Nhưng cuộc sống vốn dĩ không có công thức nào bày biện đủ để áp dụng cho thật đúng với tình yêu…
Tương tự như tình yêu, cappuccino, dù có công thức chung về thành phần, nhưng ở mỗi vùng đất, nó lại được biến tấu theo những cách khác biệt. Ở Hy Lạp và một số vùng ở Ý, xuất hiện cappuccino Freddo – được xem là phiên bản lạnh của cappuccino, bởi được thực hiện bằng cách thêm một lượng nhỏ sữa bọt lạnh phía trên cùng.
Một số nơi ở Ý còn có Gelato da Bere với sự pha trộn của gelato, kem Ý, espresso. Ở Canada, trong chuỗi cà phê Tim Hurtons còn có cappuccino đá với thành phần là sự pha trộn giữa cà phê lạnh với siro đen đặc, trộn với nước, rồi pha chế với kem, sữa hoặc sữa chocolate, tuỳ theo mong muốn của khách hàng.
Cappuccino ở những đất nước khác nhau vừa là cappuccino đó, mà cũng không phải là cappuccino nữa. Qua những vùng văn hoá khác nhau, với những đặc trưng về bản sắc và gu ẩm thực đa dạng, sự biến thiên làm cho cappuccino trở nên vừa thân thuộc, mà cũng vừa xa lạ.
Lần nữa, giống như tình yêu, phải chăng vì chính cảm giác vừa quen vừa lạ ấy khiến cho người ta luôn cảm thấy bí ẩn, day dứt đến mức không cưỡng lại được? Và thế là, con người tiếp tục sống, tiếp tục yêu, tiếp tục đau khổ và một ngày kia lại vui vẻ “ngã vào tình yêu”…