CFRR – Nhờ vào đặc điểm sinh học cùng khả năng kháng bệnh và đạt năng suất cao, catimor đã được trồng rộng rãi tại Việt Nam
Việc phát hiện ra loại cây có thể tạo ra thức uống làm tăng khả năng tỉnh táo và tập trung cùng với sự phát triển rộng rãi trên toàn thế giới thì cũng là lúc các nhà khoa học tìm về nguồn gốc và di truyền của loại cây này.
Hiện nay người ta đã phát hiện có hơn 125 giống cà phê trên thế giới, chúng có trong tự nhiên hoặc được lai tạo nhân giống trong quá trình phát triển. Sau khi phân tích gene di truyền của cây cà phê thì có thể chia thành bốn loại chính là arabica, robusta, excelsa, liberica và cả bốn loại cà phê này đều có hương vị hoàn toàn khác nhau.
Di truyền giống cà phê catimor
Ở các sinh vật sinh sản hữu tính, là các loài bao gồm các cá thể có thể phối giống với nhau để tạo ra các cây con có thể sống được chẳng hạn như cà phê. Các biến thể được nuôi trồng của một loài có nguồn gốc thông qua ảnh hưởng của con người, chúng có thể được lựa chọn từ các quần thể hoang dã, hoặc nhân giống bằng các phương pháp thích hợp vẫn giữ được các đặc tính giống nhau.
Hãy cùng quay ngược về nguồn gốc di truyền để biết được vì sao catimor được coi là kết quả của sự lai giống giữa cây robusta và cây arabica.
- Timor hybrid là con lai của C.canephora và C.arabica đây là một dạng lai “arabusta” có thể cây robusta là mẹ có nguồn gốc từ đảo Timor. Vào năm 1950 timor hybrid trở nên phổ biến nhờ khả năng chống lại bệnh gỉ sắt trên lá, đến năm 1978 thì giống cây này mới được trồng trên đảo Flores và Sumatra. Từ thời điểm đó đến nay, các giống timor hybrid được sử dụng trong các chương trình lai tạo để tạo ra các đặc tính kháng bệnh gỉ sắt, các loại mới điển hình như Colombia, Catimor và Sarchimor.
- Caturra là một thể đột biến lùn dòng thuần chủng bourbon đỏ, nó được tìm thấy vào năm 1937 ở Brazil, và có năng suất cao, khả năng kháng bệnh cao hơn cây cà phê bourbon. Đặc điểm lá và quả của nó tương tự như các giống bourbon, và có thể tạo ra quả đỏ hoặc vàng. Trong khi đó, bourbon là một giống thuộc C.arabica được phát triển tự nhiên trên Ile Bourbon do người Pháp mang đến từ đảo Yemen.
Catimor là giống cây trồng được lai giữa caturra với timor hybrid. Nó đã được phân phối từ những năm 1980, được biết là có năng suất cao cho thấy khả năng chống bệnh gỉ sắt trên lá và bệnh hại quả cà phê (CBD). Catimor có các giống được phổ biến rộng rãi như catimor 129, catimor F6, và CR95 (tại Costa Rica).
Độ cao thích hợp để trồng loại cây này là thấp hơn 1650m so với mực nước biển, catimor vẫn còn mang nét di truyền của robusta nên trong cấu trúc hoá học chứa nhiều protein phù hợp với nơi có nhiều lượng mưa hơn, phát triển tốt ở khu vực Đông Nam Á. Là con lai nên catimor gần như giữ được những hương vị của bố/mẹ, có tính acid rõ ràng cùng với vị ngọt dễ chịu, mùi hương của quả mọng, hay hương vị phức tạp của đường nâu, vanilla…Ở Việt Nam, cây cà phê catimor được trồng phổ biến rộng rãi bởi đặc tính dễ trồng, khả năng kháng bệnh và sâu bệnh tốt, cho năng suất cao.
Đặc điểm của cà phê catimor
Cây cà phê catimor có chiều cao thấp và sống thành bụi nên có thể trồng với mật độ dày hơn, thân cây được phân nhánh và lá của cây cà phê có màu đỏ nhạt khi còn non, những quả cà phê nhanh chín và cho năng suất cao, hạt có kích thước nhỏ, hình dáng bầu tròn và hàm lượng caffeine khoảng 1-2%. Giống cà phê catimor khi dùng để lai tạo và nhân giống có khả năng chống được sâu bệnh tốt, kháng bệnh gỉ sắt, đạt năng suất cao, vì vậy mà catimor là một trong những giống cà phê có giá trị kinh tế cao tại Việt Nam.
Các dòng cà phê catimor trên thế giới
- Catimor T-8667: là giống cho năng suất cao, có khả năng chống gỉ sắt và thích nghi với các vùng đất chua, độ cao được khuyến nghị là từ 800-1400m, là một loại cây thân ngắn và có hạt to.
- Catimor T-5269: là giống cây thích nghi tốt ở độ cao thấp khoảng 700-1000m với lượng mưa lớn trên 3.000mm, phù hợp với nhiều vùng trồng cà phê tại Việt Nam.
- Catimor T-5175: là giống cây dễ chăm sóc, đạt năng suất cao, tuy nhiên T-5175 không đồng nhất, cây trồng không ổn định từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hương vị của cà phê catimor
Catimor sở hữu được các đặc điểm hương vị từ bố/mẹ, tuy nhiên thì timor hydrid là giống cà phê mang di truyền từ C.robusta nhưng robusta được biết đến với hàm lượng caffeine cao, cảm giác miệng đầy đặn, thường có mùi bắp nướng và vị đắng nổi bật. Ở độ cao thấp, cảm quan về hương vị của catimor gần giống với arabica bourbon, sự khác biệt về mùi vị phát sinh khi cây được trồng ở độ cao trên 1.200 mét so với mực nước biển, hạt catimor sẽ có được vị đắng nhẹ, có vị chua thanh và ngọt dịu giống với caturra.
Chất lượng hương vị trong cà phê sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi độ cao trồng cây, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như cách trồng trọt, chăm sóc. Đối với cây cà phê catimor độ cao lý tưởng để trồng là khoảng từ 700 đến dưới 1650 mét so với mực nước biển. Ưu điểm về năng suất cao và khả năng kháng bệnh của cà phê catimor nên giống cây này được trồng rộng rãi các khu vực ở Việt Nam như Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum…
Kết luận
Mặc dù là con lai mang được cả hai yếu tố từ bố/mẹ, tuy nhiên nhìn ở gốc độ di truyền thì catimor thể hiện được nhiều đặc tính của arabica hơn là robusta. Vì vậy, những người yêu thích hạt cà phê trên thế giới vẫn thường gọi catimor thuộc giống arabica.
Nguồn tham khảo
www.coffeehunter-com/knowledge-centre/catimor
www.hasbean-co-uk/blogs/varietals/catimor