CFRR – Ở trường học bọn trẻ của chúng ta đã từng được đi tham quan, đi thực tế, dã ngoại và trải nghiệm nhiều cùng thầy cô và bạn học. Tuy nhiên, tạo điều kiện để con có cơ hội cọ xát với thực tế bằng những chuyến trekking thật sự là một bài toán khó đối với các bậc phụ huynh. Thách thức ở đây là làm sao để đưa con cùng leo núi và dạy con hiểu rằng chinh phục một cung đường không phải là hoàn thành một đích đến mà đó chỉ là cách các con đang tự bước vào hành trình cuộc sống.
Chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ và cho cả phụ huynh
- Giữa rất nhiều các loại hình hoạt động ngoại khóa, vì sao chúng ta chọn trekking cùng con. Câu trả lời là: vì trekking có nhiều khác biệt với các hoạt động ngoài trời mà trẻ đã từng được tham gia. Đây là loại hình hoạt động toàn diện, tổng hợp nhiều kỹ năng và kiến thức. Trekking là một thử thách hấp dẫn và có thể đóng một vai trò quan trọng trong những năm tháng hình thành nhân cách của các con.
- Sẽ có những thách thức khi bạn leo núi cùng trẻ. Đừng kỳ vọng trẻ luôn vui vẻ mọi lúc mọi nơi và cũng đừng đưa ra mục đích quá sức của trẻ nên mục đích chuyến đi phải thực tế và nên tạo cho trẻ một vài thú vui hoặc trò chơi giải trí giữa các chặng dừng nghỉ chân, vì con trẻ sống cho từng khoảnh khắc nên con vui thú, cười đùa, thư giãn, và tận hưởng từng giây từng phút ngoài thiên nhiên.
- Hẳn là không có câu trả lời đúng sai cho việc khi nào nên cho bé bắt đầu đi trek, mặc dù có nhiều lời khuyên cho rằng “nên bắt đầu càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, bạn phải hiểu tính cách và khả năng của con trẻ.
Quan trọng nhất là tôn trọng cảm xúc và chọn lựa của trẻ
Hãy hỏi xem con có muốn tham gia với chúng ta không, cũng có khi trẻ có cá tính hướng nội, không có hứng thú tham gia những hoạt động ngoại khóa, khi đó nếu muốn con thay đổi cá tính kém hoạt bát này, một số phụ huynh sẽ thuyết phục con cùng tham gia trekking. Tuy nhiên, cách giáo dục tiên tiến nhất là không nên ép buộc trẻ làm theo ý thích và suy luận của người lớn. Hãy lắng nghe con bạn bằng nhiều cách trước khi quyết định.
Các bước huấn luyện thích hợp
Các bước này phải có sự nghiên cứu, tham khảo mang tính khoa học và phù hợp tâm lý của từng độ tuổi cụ thể. Trong khuôn khổ trao đổi này, xin phép chia ra một vài nhóm độ tuổi dựa theo kinh nghiệm nuôi dạy con và kinh nghiệm thực tế của một nữ hướng dẫn viên dã ngoại nội địa:
Nhóm 1: Trẻ từ 6 đến 12 tuổi
Nhóm 2: trẻ từ 13 đến 16 tuổi
Nhóm 3: trẻ từ 17 đến 18 tuổi
Chọn cung đường thích hợp nhóm tuổi của con
Dựa vào nhóm độ tuổi của con, nhờ hỗ trợ tư vấn hoặc cha mẹ phải nghiên cứu kỹ cung đường và độ khó của hành trình để chọn cung đường thích hợp cho con hoặc chọn những hành trình ở mức độ trung bình giữa độ tuổi, thể lực và tính cách cho nhóm nhiều bé.
Làm gương và hướng dẫn con thiết lập kỹ năng và rèn luyện thể lực
Thành lập tinh thần thể thao chủ động và thói quen rèn luyện thể lực cho mọi thành viên trong gia đình.
Tạo cho con trẻ ý thức sống hướng ngoại bền vững
Tạo cho con đam mê hoạt động ngoại khóa
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thiên nhiên có thể làm dịu tâm trí, ví như gánh nặng của bài tập về nhà hoặc việc thi cử sẽ được trút bỏ khỏi vai của bọn trẻ khi chúng được hòa mình vào thiên nhiên.
Hỗ trợ con trở thành những cá nhân mạnh mẽ và sống thực tế
Giải thích cho con rằng đây không phải một chuyến tham quan, đến khu nghỉ dưỡng hay một phòng chơi game mà các bé phải chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình.
Giúp con biến những tưởng tượng thành trải nghiệm thực tế. Vì trẻ con có bản tính tò mò, chúng muốn khám phá và trải nghiệm những gì chúng đã đọc trong sách.
Hành trình kết nối kiến tạo sức mạnh gia đình
Mục tiêu kết nối là rất quan trọng, kết nối để tạo được một gia đình hạnh phúc của hiện tại và kí ức tốt đẹp cho con cái chúng ta về sau là nhiệm vụ quan trọng nhất của các bậc phụ huynh. Ký ức này sẽ là hành trang cho trẻ bước vào đời, là một cách gắn kết tình cảm giữa những các thành viên và sẽ trở thành một phần giá trị tinh thần của văn hóa gia đình
Cảm giác gắn kết sâu sắc với anh chị em và bạn bè cùng chuyến đi sẽ là kỷ niệm lưu mãi đến ngày con lớn khôn.
Lưu ý gì khi đưa trẻ cùng trekking
- Nguyên tắc “sống còn” khi leo núi cùng con là phải chuẩn bị thể lực và tâm lý khoảng 1 tháng trước khi bắt đầu chuyến đi.
- Trò chuyện với trẻ khi leo núi sẽ là cơ hội tốt, không bị vướng bận với ti vi hay bài tập, đủ gần gũi để chia sẻ thêm nhiều điều mà ngày thường chưa khai thác hết, cố gắng tạo chủ đề cho trẻ nói và lắng nghe.
- Với những bé đã từng leo núi với bạn vài năm, nguyên tắc có thể thay đổi theo kiểu con hãy leo trước một đoạn ngắn sau đó dừng lại và đợi cho đến khi thấy người lớn.
- Nên kiểm tra thời tiết cẩn thận trước khi đi và liên tục theo dõi thời tiết vì khi điều kiện thời tiết xấu có thể khiến mọi việc trở nên bất tiện, đáng sợ hoặc thậm chí là nguy hiểm cho trẻ.
- Nếu mua tour du lịch từ các đại lý lữ hành, trước khi đi vài ngày, bạn nên liên hệ với đại lý hay tour guide để xác nhận lại toàn bộ thông tin.
- Ngay cả khi hành trình tới đích đúng dự kiến đến đâu nhưng những nhu cầu cơ bản nhất của trẻ không được đáp ứng thì hành trình cũng trở nên tồi tệ vì đơn giản trẻ không có khả năng chịu đựng như người lớn
- Giữ cho trẻ luôn khô, ấm, no bụng và cung cấp đủ nước cho trẻ và giữ trẻ mát mẻ.
- Phải tuân thủ nguyên tắc: “luôn trong tầm mắt phụ huynh. Nếu bạn tổ chức cho một nhóm trẻ đi leo núi, hãy luôn dặn trẻ phải luôn đi cùng nhau mỗi đứa trẻ được chia nhóm với bạn cùng độ tuổi, như vậy bọn trẻ sẽ thấy vui hơn và chúng luôn phải nhớ rõ các bạn được chia nhóm với mình. Người lớn chúng ta quan sát, theo dõi và nhắc nhở các con.
- Dạy trẻ phải luôn ghi nhớ nguyên tắc “Không bao giờ leo quá biển báo hiệu hướng dẫn của cung đường”.
- Dạy trẻ ý thức yêu và biết bảo vệ môi trường.
- Nếu mục tiêu của của người lớn là lên đỉnh núi chụp hình ‘’check in’’ hay ngắm cảnh, hãy nghĩ về các địa điểm mà trẻ có thể thấy vui: nơi nào trẻ có thể nhảy qua các tảng đá, thò chân xuống suối, hoặc nơi nào phải bám vào các rễ cây, leo qua các tảng đá cuội, nhặt quả thông, hạt dẻ…
- Nếu có thể, hãy tổ chức theo hướng có nhiều bạn của bé hay cùng độ tuổi bé cùng đi, có bạn bè các bé sẽ được truyền thêm năng lượng, không than vãn, và sẽ thích chứng tỏ mình mạnh mẽ.
- Hướng cho các con biết cách tận hưởng cuộc hành trình, ví dụ trên đường đi khi thấy điều gì mới lạ, các con sẽ dừng lại quan sát, cổ vũ tinh thần cho các con đặt câu hỏi và tìm hiểu.
- Dạy trẻ về cách đọc bản đồ: Bắt đầu từ những bản đồ đơn giản như bản đồ cung đường leo tự nhiên, và nâng cấp độ khó bản đồ theo lứa tuổi để các con có thể giúp đỡ người lớn hay bạn bè khi cùng làm việc nhóm để tìm kiếm đường đi hoặc quan trọng nhất là trẻ có thể tìm lối thoát khi nhỡ không may bị lạc trong rừng.
- Có 2 vật dụng rất quan trọng mà bạn phải chuẩn bị cho bé đó là: còi báo hiệu và áo khoác gió có màu nổi bật. Đây là yếu tố hỗ trợ rất nhiều nếu không may người lớn và các bé lạc nhau. Các con sẽ thổi còi báo hiệu khi bị mất phương hướng, áo có màu nổi bật hay phản quang sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm kiếm cứu hộ.
Trekking cùng con cũng vậy, không quan trọng chuyện chinh phục được bao nhiêu đỉnh núi, đi bộ được bao nhiêu km, mà quan trọng hơn cả là gia đình đã có những kỷ niệm đẹp, cùng nhau tận hưởng bầu không khí trong lành của hiện tại.
Trekking cùng trẻ nghĩa là hướng con tự lập và chinh phục
Bạn đừng gửi con mình cho ai khác khi quyết định cho bé trải nghiệm, đừng vì lý do quá bận bịu hoặc không đủ sức trekking cùng bé nhé. Ba hoặc Mẹ hay tốt hơn là cả gia đình, bởi đây là hành trình gắn kết gia đình và trưởng thành cùng con. Nếu con bạn đã là thiếu niên từ 16 tuổi trở lên, nếu không đi cùng con bạn phải hướng cho bé cách nghĩ tham gia trek là hoạt động tự lập và đi cùng đoàn như một cá thể trưởng thành. Trên hành trình khám phá bộ môn Trekking này không chỉ trẻ em mà người lớn cũng không được cho phép mình có ý nghĩ dựa dẫm và cậy nhờ.
Hãy để trẻ em được tự do phát triển, khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài cùng bạn để có những kỉ niệm tuổi thơ đẹp nhất.
Những đứa trẻ đón nhận chất lượng sống cao cùng cha mẹ sẽ là những đứa trẻ có kí ức tuổi thơ hạnh phúc.
Một vài hành trình tham khảo (10. 2022)
- Hãy cho bé đi trải nghiệm cùng thiên nhiên như leo núi, cắm trại trong rừng, vào bản làng người đồng bào để cùng nhau gặt lúa… Ở đó các cô chú hướng dẫn viên du lịch còn dạy các con tìm hiểu về các loài thực vật, động vật và biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
- Bạn có thể tham khảo tour Cùng con trải nghiệm phù hợp gia đình có bé từ 6-12 tuổi tour thiết kế riêng để phù hợp sức khỏe các bé đồng thời khám phá và trải nghiệm nhiều thứ nhất có thể của một đơn vị lữ hành tỉnh Lâm Đồng, với chi phí khá mềm: Giá Tour: tầm khoảng 750.000/khách (nhóm 3-5 khách) Chính sách Tour: Trẻ em chèo chung SUP với người lớn – Chương trình có xe đưa đón, HDV, vé tham quan, vé vào cổng, bả hiểm, nước uống, trang thiết bị, ăn trưa BBQ, chụp ảnh miễn phí.
- Nếu bạn ở gần Sài Gòn, có rất nhiều tour trải nghiệm ở khu vực Cần Giờ dành cho trẻ. Các bạn nhỏ sẽ được về với thiên nhiên, khám phá rừng ngập mặn và rèn luyện các kỹ năng sống như kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước, biết tự chăm sóc bản thân, gấp chăn mền, rửa chén, pha nước uống, học cách nói lời cảm ơn, xin lỗi…
- Nếu bạn ở khu vực gần Hà Nội, thì cho con cùng trek Núi Hàm Lợn, nóc nhà thủ đô.