Costa Rica cam kết sản xuất 100% cà phê arabica thượng hạng

CFRR - Kiến thức thường thức (Người viết: Nhật An)

Share:

10:45 15/11/2022

CFRR – Ở Costa Rica những ngọn núi lửa đã kiến tạo một vùng đất sản sinh ra những hạt arabica đặc biệt, hương thơm tươi sáng chạy dọc khắp cấu trúc hương vị.

Trồng cà phê là một di sản phong phú ở Costa Rica, được Nhà nước khuyến khích sau khi độc lập khỏi Tây Ban Nha năm 1821, nêu rõ bất kỳ nông dân nào trồng cà phê trên 5 năm sẽ được sở hữu mảnh đất đó. Cà phê Costa Rica đòi hỏi sự kết hợp của nhiều điều kiện để tạo ra hạt chất lượng cao. Độ cao, đất núi lửa giàu khoáng chất và khí hậu mát mẻ với lượng mưa ổn định giúp tạo ra những hạt cà phê thơm và ngon nhất trên thế giới.

Lịch sử du nhập cây cà phê vào Costa Rica

Cà phê đến Trung Mỹ

Lịch sử cà phê ở một số nước có liên quan đến người Pháp vì niềm đam mê của họ dành cho cà phê, có thể nói là gắn liền với sự phổ biến của cà phê trên toàn thế giới. Năm 1713 Thị trưởng Amsterdam tặng cho Vua Louis XIV hai cây cà phê, ông đặt nó trong Vườn bách thảo Hoàng gia ở Paris, mười năm sau khi cây đã trưởng thành một sĩ quan Hải quân người Pháp đến thăm tên là Gabriel Mathieu de Clieu xin những đoạn cây được cắt bớt để bắt đầu trồng tại thuộc địa Caribe nhưng đã bị từ chối. Do đó, viên sĩ quan này đã lấy trộm bằng cách leo qua tường của Vườn Bách thảo nắm lấy một đoạn cây trước khi rời đi trên tàu thủy trở về thuộc địa của Pháp – Martinique, Gabriel bất chấp mạng sống của mình để bảo vệ sự tồn tại của cây chống lại những người Hà Lan lừa đảo, cướp biển, một cơn bão suýt đánh chìm con tàu ròng rã suốt 20 tháng. Thậm chí ông còn chia khẩu phần nước ngọt ít ỏi của mình cho cây khiến các thủy thủ đi cùng sa sút tinh thần. Gabriel bí mật trồng cây cà phê giấu nó sau những cây bản địa khác, đến vụ thu hoạch nhỏ đầu tiên, ông phân phát nó cho các bác sĩ và những người tri thức trên đảo. Trong vòng ba năm, những đồn điền cà phê đã lan rộng khắp Martinique và các đảo lân cận là St. Dominique, Guadeloupe giống chính là typica thuộc loài coffea arabica. Thu hoạch cà phê lớn đến nỗi vua Louis XIV đã ân xá cho Gabriel về hành vi trộm cắp, bổ nhiệm ông làm Thống đốc Tây Ấn (vùng Antilles), những cây cà phê này sẽ trở thành tổ tiên của 19 triệu cây ở Martinique trong 50 năm tới và là nguồn gốc của cà phê trên khắp Caribe, Nam và Trung Mỹ, đây có thể được xem là vụ trộm lớn nhất từ trước đến nay nhưng đối với các quốc gia mà sinh kế của người dân dựa vào cây cà phê thì đó là một món quà lớn.

Costa Rica thời kỳ thuộc địa

Thương nhân Christopher Columbus sinh ra ở Genoa, Ý vào năm 1451 và sống ở Lisbon, ông ấy đã học cách tạo bản đồ, điều hướng một con tàu. Khi biết đến Con đường tơ lụa và sự giàu có ở Đông Ấn (Trung Quốc, Đông Nam Á), Columbus nghĩ rằng ông có thể đi thẳng đến Đông Ấn bằng cách băng qua Đại Tây Dương thay vì một tuyến đường biển quanh Châu Phi quá dài và nguy hiểm. Hóa ra Columbus đã lầm, trái đất to lớn hơn ông tưởng rất nhiều còn có một vùng đất khác là Châu Mỹ nằm giữa Châu Âu và Châu á. Columbus mất rất nhiều năm để thuyết phục ai đó tài trợ cho chuyến khám phá của mình, lần đầu tiên ông yêu cầu Vua John II (Bồ Đào Nha) nhưng Nhà vua không quan tâm, cuối cùng ông thuyết phục được Nữ hoàng Isabella và Vua Ferdinand (Tây Ban Nha). Trong chuyến thám hiểm này, Columbus khám phá và đặt chân đến nhiều nơi như Bahamas, Cuba, Hispaniola trong đó có Costa Rica tại Isla Uvita năm 1502. Khi trở về Columbus được đối xử như một anh hùng, Vua Tây Ban Nha rất hài lòng và tiếp tục tài trợ cho các chuyến thám hiểm trong tương lai.
Mặc dù được Christopher Columbus khám phá ra vào năm 1502 nhưng đến những năm 1519 – 1523 Trung Mỹ (Costa Rica nói riêng) mới bị chinh phục từ miền bắc Mexico và miền nam Panama. Đến năm 1524, lãnh thổ này thành được hợp nhất thành Vương quốc Guatemala như một tỉnh của Tây Ban Nha và trong 300 năm tiếp theo Costa Rica là thuộc địa của Tây Ban Nha, bắt đầu từ năm 1531 người Châu Âu mang thuốc lá đến các vùng thuộc địa Trung Mỹ trong đó có Costa Rica, trong thời kỳ này đất nước vẫn phát triển thưa thớt và nghèo đói với nền nông nghiệp tự cung tự cấp. Những khu định cư đầu tiên của người Châu Âu tập trung ở Thung lũng Trung tâm xung quanh Cartago (Thủ đô của Costa Rica từ năm 1574 đến năm 1824). Vào cuối thế kỷ XVI, Costa Rica tham gia vào giao thương các nước thuộc địa chủ yếu là các loại thực phẩm như ngô, đậu, mật ong, gà, con la, xuất khẩu da và mỡ lợn (do sự cạnh tranh từ Honduras, Nicaragua). Sau năm 1650 là sự bùng nổ cacao, mía và thuốc lá được trồng chủ yếu ở Caribe, chế độ nô lệ cũng đặc biệt tăng từ năm 1690 – 1730. Trong thế kỷ thứ XVIII, nông dân nông nghiệp mở rộng từ những khu định cư ban đầu (phía đông Thung lũng Trung tâm) về Heredia, San José, Alajuela (phía tây Thung lũng), nơi đây có nhiều trang trại nhỏ của các gia đình trồng trọt và chăn nuôi gia súc. 

Phát triển thương mại và bùng nổ cà phê thế kỷ XIX

Từ những năm 1719 một số nước Châu Âu đã cấm sử dụng thuốc lá vì các nguyên nhân chính trị, năm 1761 nghiên cứu đầu tiên về các tác hại của thuốc lá được của Tiến sĩ John Hill được báo cáo cảnh báo rằng họ sẽ dễ bị ung thư và hít phải khói thuốc làm tăng nguy cơ ung thư mũi. Đến cuối thế kỷ XVII việc trồng thuốc lá (một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Costa Rica thời điểm đó) đã xuất hiện những thăng trầm do các nước thực dân Châu Âu chuyển sang tiêu thụ cà phê thay cho tác dụng kích thích thần kinh của thuốc lá.
Năm 1779 người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã mang hạt cà phê từ Ethiopia và Ả Rập đến Thung lũng Trung tâm Costa Rica trồng lần đầu tiên, ban đầu chỉ đơn thuần là cây cảnh được trồng để trang trí hàng hiên và trong sân với lá xanh bóng, hoa trắng tỏa hương theo mùa và quả mọng đỏ. Vào thế kỷ XIX chính phủ khuyến khích mạnh mẽ việc sản xuất cà phê, thậm chí là bị ép buộc trồng để đất nước có thể có một loại cây xuất khẩu của quốc gia, theo luật mỗi gia đình phải có ít nhất một vài bụi cây trong sân, chính phủ cung cấp đất và cây miễn phí cho bất kỳ ai cam kết trồng và thu hoạch cà phê.  Hệ thống đồn điền cà phê ở nước này phát triển vào thế kỷ XIX phần lớn là do chính sách cởi mở từ chính phủ, về cơ bản đã biến một thuộc địa và chế độ kinh tế làng xã được xây dựng dựa trên sự bóc lột nô lệ theo hướng tổ chức sản xuất với quy mô lớn hơn. Các điền trang lớn nhanh chóng chiếm phần lớn diện tích đất ngoại trừ các thửa đất để chăn thả những con bò kéo những chiếc xe chở đầy cà phê, cà phê trở thành ngành kinh doanh lớn, được vận chuyển bằng xe bò xuyên núi đến cảng Thái Bình Dương ở Puntarenas, sau đó bằng tàu đến Chile và đến các nước Châu Âu. Con đường xuất khẩu qua biên giới sang Panama này không bị gián đoạn khi Costa Rica tham gia cùng các tỉnh Trung Mỹ giành độc lập, lật đổ quyền bá chủ của Tây Ban Nha ở Mexico năm 1821 và tự do thương mại bắt đầu mạnh mẽ. Năm 1832 Costa Rica lúc đó là một bang thuộc Cộng hòa Liên bang Trung Mỹ xuất khẩu cà phê sang Chile đóng bao và vận chuyển đến Anh với nhãn hiệu Café Chileno de Valparaíso, năm 1843 một chuyến hàng được gửi thẳng đến Vương quốc Anh bởi thuyền trưởng Guernseyman William Le Lacheur trên con tàu The Monarch, người đã nhìn thấy tiềm năng hợp tác trực tiếp với Costa Rica, người Anh sau đó đã quan tâm mạnh mẽ và đầu tư vào cà phê nước này trở  thành khách hàng xuất khẩu cà phê chính của Costa Rica. Điều này dẫn đến việc thành lập Ngân hàng Anglo – Costa Rican năm 1863, cung cấp tài chính cho phép ngành cà phê phát triển, những người trồng cà phê đã biến đổi nền kinh tế Costa Rica, đóng góp vào quá trình hiện đại hóa đất nước, cung cấp kinh phí cho những người trẻ có tham vọng sang Châu Âu học tập, doanh thu cà phê cũng tài trợ cho tuyến đường sắt đầu tiên nối đất nước với bờ biển Đại Tây Dương vào năm 1890 – Ferrocarril al Atlántico.

Điều kiện canh tác

Thổ nhưỡng và địa lý

Loài arabica là loại cà phê khó trồng vì chúng rất nhạy cảm với điều kiện môi trường nhưng loài thực vật mỏng manh đó phát triển mạnh ở Costa Rica vì đất núi lửa màu mỡ và khí hậu nhiệt đới, những ngọn núi và vị trí hấp dẫn tạo ra một loại cà phê hảo hạng đậm đà. 70% hạt được trồng ở các sườn núi, nơi được bồi đắp bởi tro bụi từ núi lửa, đất xốp giúp cung cấp oxy tốt hơn tạo ra hương vị thơm ngon.

Độ cao và khí hậu lý tưởng

Độ cao lớn ở Costa Rica hình thành một loạt các vi khí hậu và hệ sinh thái khác nhau của các vùng, lý tưởng cho ra các loại hạt với hương vị riêng biệt. Ở Tarrazú có những hạt cà phê nặng và có tính axit cao hơn, ở Thung lũng phía tây có những nốt hương mơ và đào nhẹ nhàng và ở Brunca cà phê cân bằng hơn. Có hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt và ổn định, từ 17 đến 28 độ C, kết hợp với độ cao lớn và lượng mưa tốt tạo nên một nơi hoàn hảo để trồng cà phê.  

Thu hoạch và chế biến

Hạt cà phê Costa Rica được hái bằng tay bởi những người nông dân lành nghề, những người biết khi nào hạt đã chín và sẵn sàng để chế biến. Điều này có nghĩa là việc thu hoạch không được vội vàng, hạt không bị hư hỏng và chỉ hái những quả đã chín. Đó là cách để cà phê Costa Rica luôn có hương thơm ngon nhất.
Chế biến ướt là phương pháp được sử dụng phổ biến ở Costa Rica, những quả cà phê chín đỏ được loại bỏ vỏ bằng nước và máy móc chỉ giữ lại hạt, rửa sạch, phơi khô ở hiên hoặc trên các giàn cao dưới ánh nắng mặt trời, có thể mất đến 6 tuần hoặc hơn để hạt cà phê đạt được độ ẩm 12%, đây được xem là phương pháp chế biến truyền thống của nước này.
Chế biến mật ong (chế biến bán ướt) là một phương pháp được phát minh bởi các nông dân Costa Rica và nó đại diện cho một phương pháp trung gian giữa chế biến ướt và chế biến tự nhiên. Cà phê sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch, xát bỏ vỏ giữ lại một lượng chất nhầy vừa phải sau đó phơi khô, phương pháp chế biến này khiến hạt cà phê có hương thơm giống chế biến ướt nhưng mùi vị gần giống với cách chế biến tự nhiên. Ở Costa Rica nhiều biến thể của phương pháp chế biến ướt được sử dụng bao gồm quy trình chế biến ít nước, lên men ướt và lên men khô. 

Cấu hình hương vị từ các phương pháp chế biến

Ảnh hưởng của phương pháp chế biến đến hương vị cà phê là rất nhiều, ở Costa Rica sẽ có bốn phương pháp được sử dụng như sau
Chế biến ướt các hạt cà phê thường đồng nhất với độ chua được cân bằng nhẹ nhàng hương của các loại hạt, hoa quả và sô-cô-la, như đào và mơ là các loại hương trái cây phổ biến.
Phương pháp tự nhiên đặc trưng bởi hương trái cây và các loại quả mọng nước ngon ngọt, tươi sáng.
Chế biến mật ong có xu hướng nhận được hương vị tích cực của cả hai phương pháp trên, cà phê sử dụng phương pháp này được làm khô nhanh chóng với một ít chất nhầy còn lại. Mang theo hương trái cây khô.
Lên men kỵ khí là một phương pháp chế biến tạo ra mùi hương rất khác thường với các hương của gia vị như quế, rượu và cồn. Những hương rất khó để xác định và cũng rất khó để có được sự cân bằng thích hợp.

Quê hương của phương pháp chế biến bán ướt (honey)

Mỗi quốc gia sản xuất cà phê đều được biết đến với một phương pháp chế biến đặc trưng, ví dụ như Brazil và Ethiopia là phương pháp chế biến tự nhiên còn Kenya có các trạm chế biến ướt rải rác khắp đất nước. Costa Rica được công nhận là quê hương của chế biến honey
Trong thế kỷ XX thiếu nước không phải là một vấn đề cấp bách ở Costa Rica, trong nửa sau của thế kỷ nước này được công nhận là một trong những quốc gia đầu tiên hiện đại hóa chế biến ướt nhờ tiên phong đẩy mạnh xây dựng các trạm chế biến nhưng vào năm 2008 Costa Rica đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận động đất dẫn đến tình trạng thiếu nước và các biện pháp bảo tồn nguồn nước nghiêm ngặt được chính phủ áp dụng. Các nhóm nông dân đã ứng phó với hạn hán bằng cách sử dụng phương pháp xử lý tiết kiệm nước, bỏ qua công đoạn rửa chất nhầy, cà phê sau khi xát vỏ sẽ giữ lại tỷ lệ chất nhầy theo nhu cầu sau đó được phơi khô, đối với các nhà sản xuất phương pháp này có thể tăng cường các đặc tính, cấu hình hương vị của cà phê tạo ra sự khác biệt và quan trọng là chúng tiết kiệm nước nhưng đối với một số nhà nhập khẩu họ từ chối chúng với lý do là chúng “không sạch sẽ”. 
Tuy nhiên, theo thời gian người mua cà phê bắt đầu nhận ra rằng mỗi phương pháp chế biến sẽ mang đến các loại cà phê với hương vị đặc trưng riêng của chúng và một ly cà phê honey không nhất thiết phải có nhiều hương trái cây nồng nàn nhưng nó sẽ có xu hướng có nhiều vị ngọt hơn, body dày hơn và có lẽ là độ chua phức tạp hơn. Do đó không có gì ngạc nhiên khi cà phê honey bắt đầu nổi tiếng một cách mạnh mẽ, các nhà rang xay trên khắp thế giới bắt đầu đưa loại cà phê chế biến mật ong của Costa Rica vào dòng sản phẩm của họ. Tại lễ trao giải Costa Rica Cup of Excellence năm 2013 một loại cà phê chế biến từ mật ong của Valle Occidental đã giành chiến thắng với số điểm 90,75.

8 khu vực chính và phân loại của ICAFE

Hiệp hội cà phê Quốc gia Costa Rica (ICAFE) thành lập 8 vùng cà phê trong nước và tất cả các vùng lãnh thổ này đã ký một thỏa thuận cải thiện chất lượng, theo đó các chủ sở hữu đã đồng ý sản xuất cà phê chất lượng cao, chỉ chấp nhận những quả chín hoàn toàn và đảm bảo rằng chỉ cà phê ngon nhất mới được chế biến.

Central Valley (Thung lũng Trung tâm)

Được thiên nhiên ưu đãi với đất núi lửa màu mỡ giàu khoáng chất, điều kiện thời tiết lý tưởng và độ cao khác nhau, cà phê ở Valle Central đã giành cho mình một vị trí trong số những vùng sản xuất cà phê ngon nhất thế giới. Do ở trên cao, hạt cà phê có quá trình chín chậm tạo ra hạt đặc và rắn dẫn đến nồng độ axit cao hơn, hạt có độ chua cao nổi tiếng với hương vị sô-cô-la, trái cây và mật ong.

central-valley-ca-phe-costa-rica
Central Valley – ảnh: tourismincostarica

Phân loại: SHB (hạt cứng). Hạt flat bean màu xanh lục, kích thước lớn.Hương vị chủ đạo: Sô-cô-la, trái cây và mật ong.
Độ cao: 900 – 1400 mét.
Giống cà phê: 100% arabica (caturra và catuai)
Thời gian thu hoạch: Tháng 12 đến tháng 2 năm sau (mùa khô)
Tính axit: Vị axit citric nhẹ nhàng (cam quýt)
Vị trí: Nằm ở phía nam San José (Thủ đô của Costa Rica) bao quanh bởi Heredia và Alajuela, Thung lũng nằm trên một cao nguyên, khu vực núi lửa Poas, Barva và Irazú

Western Valley (Thung lũng phía tây)

Thung lũng phía tây đã khai sinh ra những đồn điền cà phê đầu tiên trên cả nước, sản lượng chiếm khoảng 25% tổng sản lượng của Costa Rica, do có nhiều vùng vi khí hậu khác nhau trên khắp thung lũng cung cấp nhiều loại hương vị khác nhau. Vùng này đã giành nhiều chiến thắng trong cuộc thi Cup of Excellence, củng cố vị trí của nó trên thị trường thế giới.

western valley-ca-phe-costa-rica
Western Valley – ảnh: volcanazul

Phân loại: GHB/SHB. Hạt flat bean xanh lục, kích thước lớn, bề ngoài bóng và cứng.
Hương vị chủ đạo: Sô-cô-la, vani, đào, cam và mật ong.
Độ cao: 1.200 – 1.700 mét so với mực nước biển.
Giống cà phê: 100% arabica (caturra và catuai).
Thời gian thu hoạch: Tháng 12 đến tháng 2 năm sau (mùa khô).
Tính axit: Độ axit citric cân bằng
Vị trí: Nằm ở phía tây của các vùng trồng cà phê tại Costa Rica.

Tres Ríos

Tres Ríos cách Thủ đô San José vài kilomet về phía đông, có thổ nhưỡng rất phong phú và tươi tốt nhờ tro bụi từ núi lửa Irazu, có khả năng giữ ẩm tốt và được cung cấp oxy tốt. Hạt cà phê cứng hơn và có một vết nứt kín, chúng được gọi là Strictly Hard Bean, cà phê có một dư vị rất dễ chịu và cân bằng, độ axit tốt với một số vị ngọt từ cam, quýt và các loại hạt.

ca-phe-tres-rios-costa-rica
Tres Ríos – ảnh: cafedecostarica

Phân loại: SHB. Hạt flat bean màu hơi xanh, kích thước lớn, rất đặc.
Hương vị chủ đạo: Cam, quýt, trái cây và các loại hạt.
Độ cao: 1.200 – 1.650 mét
Giống cà phê: 100% arabica (caturra và catuai).
Thời gian thu hoạch: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
Tính axit: Độ axit tốt và cân bằng.
Vị trí: Nằm ở phía đông San José, độ chua tinh tế đã khiến khu vực này có biệt danh là “Bordeaux” của Costa Rica.

Turrialba

Là một trong những vùng sản xuất cà phê nổi tiếng của Costa Rica. Hạt cà phê ở đây được biết đến với kích thước lớn hơn do điều kiện đặc biệt trong thung lũng với việc chín sớm và nở nhiều, cà phê ở đây được lai sớm hơn các vùng khác, hương vị cà phê bị ảnh hưởng nhiều bởi núi lửa Turrialba đang hoạt động. Trồng cà phê là một phần quan trọng của nền kinh tế nơi đó và thường được trồng cùng với mía.

ca-phe-turrialba-costa-rica
Turrialba – ảnh: theprimadonnalife

Phân loại: MGA. Hạt flat bean rộng màu xanh lục, đặc.
Hương vị chủ đạo: Hương hoa, vani và cam quýt.
Độ cao: 500 – 1.400 mét.
Giống cà phê: 100% arabica (caturra và catuai).
Thời gian thu hoạch: Từ tháng 7 đến tháng 3 năm sau.
Tính axit: Độ chua ít.
Vị trí: Nằm ở tính Cartago của Costa Rica.

Brunca

Khí hậu nhiệt đới và ẩm ướt của vùng này tạo ra hạt cà phê có hương vị phức tạp, vùng Brunca bao gồm Perez Zeledon, Coto Brus và Buenos Aires. Ở Perez Zeledon có một loạt các vùng khí hậu và độ cao vi mô, những hạt cà phê trồng ở đây làm hài lòng cả những chuyên gia cà phê khó tính. Coto Brus nằm trong một thung lũng trên sườn của dãy núi Talamanca.

ca-phe-brunca-costa-rica
Brunca – ảnh: essenceofcoffee

Phân loại: MHB. Hạt flat bean màu xanh lục, hơi cứng.
Hương vị chủ đạo: Hương vị cam quýt ngọt ngào và phức tạp.
Độ cao: 600 – 1.700 mét.
Giống cà phê: 100% arabica (caturra và catuai).
Thời gian thu hoạch: Từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau.
Tính axit: Độ axit nhẹ.
Vị trí: Nằm ở phía nam của Costa Rica gần với biên giới Panama. 

Orosi

Các hạt cà phê ở vùng Orosi được biết đến là có kích thước đồng nhất từ màu xanh lục đến xanh lục đậm. Khí hậu ẩm ướt, đây là một vùng mưa nhiều, một trong những vùng lâu đời của Costa Rica có niên đại hơn 100 năm. Đời sống thực vật tươi tốt có nghĩa là cà phê được sản xuất có xu hướng có hương vị cacao cùng với hương thơm nồng nàn, đây là một loại cà phê rất cân bằng về độ chua và độ ngọt thấp. Do các phần núi cao và các khu rừng được bảo vệ nên các điều kiện tự nhiên của khu vực không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển quá mức.

ca-phe-orosi-costa-rica
Orosi – ảnh: ticotimes

Phân loại: HGA. Hạt flat bean dài màu xanh lục, kích thước rất lớn, đặc.
Hương vị chủ đạo: Cacao, sô-cô-la.
Độ cao: 1.000 – 1.400 mét so với mực nước biển.
Giống cà phê: 100% arabica (caturra và catuai).
Thời gian thu hoạch: Từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau.
Tính axit: Độ axit thấp
Vị trí: Nằm trong thung lũng cách Thủ đô San José 40km về phía đông nam, gần núi lửa Irazu.

Tarrazú

Tarrazú có từ thời bộ tộc da đỏ Huetar cổ đại, họ từng sinh sống nơi đây, sản xuất cà phê là hoạt động chính ở khu vực miền núi này cũng là điểm đến ưa thích của những người đam mê quan sát loài chim Resplendent Quetzal – Tarrazú là quê hương của chúng, các đỉnh núi được bao phủ bởi rừng mây sương mù. Đây được xem là nơi sản xuất cà phê ngon nhất Costa Rica cũng là khu vực trồng trọt lớn nhất cả nước luôn sản xuất ra cà phê trong danh sách chất lượng cao nhất thế giới, chiếm khoảng 35% tổng sản lượng cà phê cả nước, được tạo thành từ các trang trại nhỏ có diện tích 22.000 ha đất. Chất lượng của cà phê đến từ đất đai trù phú, độ cao canh tác lý tưởng, nhiệt độ hoàn hảo, khí hậu tốt và các phương pháp chế biến đặc biệt, so với các loại hạt khác cà phê Tarrazú có hàm lượng caffeine cao hơn.
 

ca-phe-tarrazu-costa-rica
Tarrazú – ảnh: jameskaise

Phân loại: SHB. Hạt flat bean màu hơi xanh, kích thước lớn, đặc.
Hương vị chủ đạo: Sô-cô-la, trái cây, vani.
Độ cao: 1.200 – 1.900 mét so với mực nước biển.
Giống cà phê: 100% arabica (caturra và catuai).
Thời gian thu hoạch: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau (mùa khô)
Tính axit: Độ axit cao và tinh tế.
Vị trí: Nằm ở phía tây của trung tâm Costa Rica và phía nam San José, Tarrazú nằm trong một thung lũng cao nguyên.

Guanacaste

Cuối cùng, và không kém phần quan trọng là tỉnh Guanacaste được biết đến nhiều với những bãi biển cát trắng, các trảng cỏ trải dài của vùng thực vật nhiệt đới và văn hóa cao bồi. Hạt cà phê nơi đây được trồng ở độ cao thấp hơn, các đồn điền nằm rải rác trên các khu vực rộng lớn và nhiệt độ cao hơn, lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.100 – 3.500 milimet.

ca-phe-guanacaste-costa-rica
Guanacaste – ảnh: pasaportesindestino

Phân loại: MHB. Hạt kích thước nhỏ, khe hở, cứng.
Hương vị chủ đạo: Vị rất dịu và hương trái cây, có một chút vị mặn đặc trưng.
Độ cao: 600 – 1.300 mét.
Giống cà phê: 100% arabica (caturra và catuai).
Thời gian thu hoạch: Từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau
Tính axit: Độ chua nhẹ.
Vị trí: Nằm phía tây bắc Costa Rica, cách xa lộ Liên Mỹ khoảng 4 giờ lái xe.

Sản xuất và xuất khẩu cà phê

Do đất có nhiều núi lửa, độ cao và khí hậu tốt nên Costa Rica có thể trồng thành công những hạt cà phê thơm và có hương vị tốt nhất ở đó. Mặc dù chỉ chịu trách nhiệm cho 1% sản lượng cà phê trên toàn thế giới nhưng 1% đó hoàn toàn tập trung vào chất lượng, họ thậm chí còn đưa ra luật để các trang trại chỉ có thể trồng hạt arabica chất lượng cao. Vào năm 1989, Chính phủ Costa Rica đã thông qua luật cầm trồng hạt robusta chất lượng thấp, mục tiêu là đưa quốc gia này trở thành quốc gia dẫn đầu về cà phê arabica thượng hạng với chất lượng cao nhất. Cà phê từ Costa Rica khác nhau về hương vị, body và cường độ chua do đến từ các vùng khác nhau nhưng nói chung đều có xu hướng mạnh mẽ về hương thơm và ngọt ngào trong hương vị, điều thú vị là cà phê ở đây cũng có xu hướng có hàm lượng caffeine cao hơn những nơi khác.

  • Costa Rica cung cấp trung bình 1% sản lượng cà phê thế giới, khoảng 1,5 triệu bao mỗi năm (bao 60kg). 
  • Costa Rica là nước sản xuất cà phê lớn thứ 8 ở Mỹ Latinh và lớn thứ 15 thế giới.
  • Hơn 30% lực lượng lao động ở Costa Rica làm việc trong ngành cà phê.
  • Các khu vực trồng trọt lớn nhất là Cartago, San José, Puntarenas, Heredia và Alajuela.
  • Các giống được sản xuất và xuất khẩu bao gồm: Caturra, Typica, Gesha, Villa Sarchi và Bourbon. 
  • Cà phê lần đầu được xuất khẩu sang Anh năm 1843 và trong 47 năm là đối tác xuất khẩu duy nhất của nước này.
  • Cả nước có khoảng 50.000 nông dân trồng cà phê (gần 10% dân số) và 90% trong số họ làm việc trong các trang trại rộng dưới 5 ha, chiếm 90% sản lượng cà phê cả nước.

So với nhiều khu vực đang phát triển trên toàn thế giới, ngành cà phê của Costa Rica khá tiên tiến, phần lớn điều này là do Instituto del Café de Costa Rica (ICAFE), Hiệp hội được tài trợ bởi thuế xuất khẩu cà phê, cho phép họ tiến hành nghiên cứu khoa học về sản xuất cà phê với mục tiêu là:

  • Thúc đẩy một mô hình sản xuất công bằng và độc đáo giữa các Nhà sản xuất, Nhà máy, Nhà rang xay và Nhà xuất khẩu Quốc gia.
  • Hỗ trợ sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiếp thị cà phê Costa Rica.
  • Thúc đẩy tiêu thụ cà phê trong nước và quốc tế.
  • Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông nghiệp và công nghiệp.
  • Phê duyệt một mức giá tối thiểu hợp lý mà nhà máy cà phê phải trả cho nhà sản xuất của mình.

Lý do nên sử dụng cà phê Costa Rica

Cà phê kém chất lượng là trái pháp luật
Costa Rica là quốc gia đầu tiên trên thế giới không sản xuất bất kỳ loại cà phê nào khác ngoài arabic. Một đạo luật được thông qua vào năm 1989 cầm trồng các loại cà phê kém chất lượng, khuyến khích nông dân Costa Rica theo đuổi sự xuất sắc thực sự.
Cà phê được lựa chọn bằng tay
Những hạt cà phê của Costa Rica được lựa chọn bằng tay, những người nông dân cho biết để có được tách cà phê ngon nhất là không nên quá vội vàng, vì vậy chỉ những hạt cà phê chín nhất mới được hái.
Cà phê hữu cơ bảo vệ môi trường
Khi đến thăm đất nước Costa Rica hoặc thưởng thức cà phê tại đây khách hàng sẽ được yên tâm rằng họ không đóng góp vào chất thải hoặc các hoạt động canh tác có hại. Costa Rica có luật bảo vệ 21% đất đai của mình, là một cách mà Nhà nước cam kết bảo tồn sự trong xanh của hành tinh.

Văn hóa uống cà phê chorreador

Ngoài việc sản xuất cà phê thượng hạng, Costa Rica còn có một nền văn hóa tiêu thụ cà phê phong phú và độc đáo, pha cà phê bằng bộ lọc chorreador là một ví dụ, thiết bị pha đơn giản gồm hai bộ phận chính là một giá đỡ và một bolsita (túi vải nhỏ) được giữ cố định bằng sợi dây tròn hoặc vành gỗ giữ miệng túi mở để có thể đổ nước vào, phần chân đế đặt cốc để hứng cà phê . Pha cà phê bằng vải hoàn toàn không phải là duy nhất ở Costa Rica chúng cũng phổ biến ở các nước sản xuất như Nam Mỹ và Châu Á nơi chorreador thường được làm bằng gỗ trang trí và sơn, trong khi bolsita là một bộ lọc vải thường được làm từ bông. Sử dụng chorreador tốn nhiều công sức hơn vì bolsita cần được làm sạch sau mỗi lần sử dụng, thông thường sẽ được giặt sạch, ngâm trong nước sôi và cất trong tủ lạnh để hạn chế vi khuẩn phát triển. Tỷ lệ nước trên cà phê từ 1:15 đến 1:16 và cỡ xay trung bình, tương tự như cách rót cà phê thủ công cả hai đều sử dụng nhiệt độ nước dao động từ 97 – 96 độ C.

chorreador-ca-phe-costa-rica
ảnh: etsystatic
chorreador-ca-phe-costa-rica
ảnh: 1888coffee
chorreador-costa-rica
ảnh: okrehome

Kết luận

Cà phê Costa Rica có danh tiếng lâu đời về chất lượng và có giá cao trên thị trường hàng hóa nhờ vào những đổi mới không mệt mỏi, kiến thức kỹ thuật sâu rộng và sự quan tâm của Chính phủ, đưa Costa Rica trở thành một trong những quốc gia sản xuất cà phê tiên tiến nhất ở Trung Mỹ. Ngày nay, cà phê của người Costa Rica nổi tiếng với nhiều loại hương thơm và mùi vị đặc trưng cho từng địa điểm và phương pháp chế biến.

so-luoc-ca-phe-costa-rica
Sơ lược cà phê ở Costa Rica – ảnh CFRR

Cà phê Brazil khởi đầu từ một bó hoa oải hương

Nguồn tham khảo

Informe de Encuestas IV Trimestre 2006. Aeropuerto Internacional Juan Santamaria” (in Spanish). Instituto Costarricense de Turismo. 2006. Archived from the original on 2008-10-03. Retrieved 2008-06-06. See Tables 44 and 45 for export ranking.

Coffee and the Environment:Coffee Exports from Costa Rica (1997), TED Case Studies, Retrieved on June 23, 2008.

“OEC : Costa Rica (CRI) Exports, Imports, and Trade Partners”. Atlas.media.mit.edu. Retrieved 28 August 2017.

“2017 GAIN Report” (PDF). Gain.fas.usda.gov. Retrieved 28 August 2017.

The History of Costa Rican coffee Archived 2008-05-09 at the Wayback Machine, Retrieved on June 23, 2008.

Hoffmann, James (2018). The World Atlas of Coffee 2nd Edition. Great Britain: Mitchell Beazley. p. 210. ISBN 978-1-78472-429-0.

Tee Marek (2011-09-14). “Costa Rica Coffee Winner”. Costaricacloseup.com. Archived from the original on 2011-10-11. Retrieved 2011-09-14.

Revista VEJA (2008-07-31). “Os melhores grãos do mundo” (in Portuguese). Editora Abril. Archived from the original on 2008-08-05. Retrieved 2008-07-29. Edition 2071. Print edition pp. 140

“Región Cafetalera Valle Occidental”. Instituto del Café de Costa Rica (in Spanish). Retrieved 9 December 2020.

“Región Cafetalera Tarrazú”. Instituto del Café de Costa Rica (in Spanish). Retrieved 9 December 2020.

“Región Cafetalera Tres Ríos”. Instituto del Café de Costa Rica (in Spanish). Retrieved 9 December 2020.

“Región Cafetalera Orosi”. Instituto del Café de Costa Rica (in Spanish). Retrieved 9 December 2020.

“Región Cafetalera Turrialba”. Instituto del Café de Costa Rica (in Spanish). Retrieved 9 December 2020.

“Región Cafetalera Valle Central”. Instituto del Café de Costa Rica (in Spanish). Retrieved 9 December 2020.

“Región Cafetalera Guanacaste”. Instituto del Café de Costa Rica (in Spanish). Retrieved 9 December 2020.

“Región Cafetalera Brunca”. Instituto del Café de Costa Rica (in Spanish). Retrieved 9 December 2020.

Bài viết liên quan

Liệu rằng vị ngọt có tồn tại trong tách cà phê? 

Mục lục bài viếtLịch sử du nhập cây cà phê vào Costa RicaCà phê đến Trung...

Sự kỳ diệu của hóa học đằng sau tách cà phê

Mục lục bài viếtLịch sử du nhập cây cà phê vào Costa RicaCà phê đến Trung...

Tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê

Mục lục bài viếtLịch sử du nhập cây cà phê vào Costa RicaCà phê đến Trung...

Sự khác biệt khi rang hạt cà phê robusta và arabica

Mục lục bài viếtLịch sử du nhập cây cà phê vào Costa RicaCà phê đến Trung...