CFRR- Là người trẻ, có bao giờ bạn thu mình nơi góc quán, nơi bạn chơi vơi trước những chọn lựa, vô định trong nghĩ suy?
Ký ức, không gian và sự lạc lõng của cá nhân giữa xã hội hiện đại là những đề tài chủ đạo trong tác phẩm của Patrick Modiano. Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (Café of Lost Youth) cũng là một câu chuyện được bao trùm bởi bầu không khí cô đơn và nỗi lo sợ mất kết nối giữa các cá thể lẫn giữa con người với không gian và thời gian.
Tuổi trẻ lạc lối…
Tuổi trẻ là một trong những chủ đề ưa thích và có vẻ như đã trở thành một xu hướng thường xuyên được nhắc đến trong xã hội hiện đại. Những diễn ngôn về tuổi trẻ hay tuổi thanh xuân được nhắc đến ngày càng nhiều hơn, và được đề cao hơn gấp bội trên sách vở, mạng xã hội và cả các câu châm ngôn nổi tiếng của giới trẻ.
Người ta ví von tuổi trẻ như cơn mưa rào và chẳng thể bao giờ thắm lại. Vậy nên, con người được khuyên nhủ cần phải sống gấp, sống hạnh phúc và vui vẻ tận hưởng từng khoảnh khắc của thuở thiếu thời.
Trong khi đó, dường như ngược lại, Patrick Modiano viết về những tuổi trẻ lạc lối. Những cá nhân trong câu chuyện đều còn rất trẻ với câu chuyện riêng và những nỗi niềm riêng. Điểm chung duy nhất có lẽ là sự lạc lối trong chính cuộc đời của họ.
Từ anh sinh viên trường Mỏ lạc lối trong chính sự lựa chọn và ngôi trường mình theo học, đến người thám tử và cảm giác hoang mang cực độ trong chính công việc của mình. Từ sự lạc lối đến cô đơn cùng cực của Louki (Jacqueline) đến sự lạc lối của Roland trong những cuộc lang thang u ám suốt cả đời.
Câu chuyện kết thúc với cái chết của Louki, như một quyết định để sự lạc lối, bồng bềnh, vô định của tuổi trẻ dừng lại. Thanh xuân của Patrick Modiano không phải là tuổi trẻ sôi nổi mà ai cũng mong muốn một lần quay trở lại. Đó là tuổi trẻ mà mỗi người lạc trôi trong thế giới của chính mình và mãi bơ vơ lạc lõng giữa những vùng không gian bất định.
Nỗi ám ảnh về ký ức bị lãng quên
Hầu hết các nhân vật xuất hiện trong quyển sách đều là vô danh. Ngay cả cái tên đầu tiên xuất hiện trong truyện – Louki cũng không phải một cái tên thật, mà chỉ là một cái tên mà mọi người trong quán đặt cho nàng.
Những nhân vật xuất hiện trong quán cà phê nhỏ ấy đều không được định danh một cách rõ ràng, mà chỉ được miêu tả qua dáng vẻ, cử chỉ, trang phục và câu chuyện mà người đó đang mang.
Ngay cả quyển sổ về những điểm cố định được nhân vật Bowing – Thuyền trưởng ghi chú về thời gian và các vị khách đến quán như một nỗ lực để đánh dấu một sự tồn tại nào đó đã diễn ra trong hiện tại – như một cách cứu khỏi quên lãng những con bướm bay thoáng chốc quanh một ngọn đèn cũng chỉ là những dấu mốc thời gian và những cuộc đến – tưởng như chính xác và cụ thể, nhưng cuối cùng cũng chỉ là những ghi chép về những cuộc gặp gỡ giữa những nhân vật bí ẩn, mơ hồ không rõ nét.
Nỗi ám ảnh và lo sợ về những ký ức bị lãng quên cứ thế, lặp đi lặp lại, phủ tràn trong bầu không khí chung của toàn câu chuyện. Càng cố gắng đi tìm sự cố định giữa chốn phồn hoa đô hội, người ta càng nhận rõ sự bất định của nhân sinh và chính mình.
Cảm thức bất định về những sự vật, sự việc và con người đến và đi giữa cuộc đời mà không có những mối dây ràng buộc và liên kết, cũng chẳng có gì ghi dấu lại về chính sự tồn tại ấy giữa cuộc đời, kết hợp với nỗi bơ vơ, lạc lõng đến bất an của từng cá nhân trong câu chuyện tạo thành một cảm giác mơ hồ, mong manh đến ám ảnh.
Nỗi buồn không thê thiết, cũng không khiến người ta rơi nước mắt ngay từ những lần đọc đầu tiên, nhưng tạo nên nỗi ám ảnh thẳm sâu – bởi ai trong chúng ta chưa từng đi qua tuổi trẻ với những xúc cảm chông chênh ấy.
Quán cà phê – không gian hoàn hảo cho những tâm hồn lạc lối?
Bối cảnh toàn bộ câu chuyện xảy ra là ở quán cà phê Le Condé ở thủ đô Paris. Người ta không nhắc nhiều đến hương vị cà phê, đến những diễn biến xoay quanh ly cà phê mà chủ yếu đọng lại sau cùng, là những cuộc gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ của những phận người – dẫu xa lạ nhưng vẫn có thể ngồi lại bên nhau, cùng trò chuyện.
Ở đó, Louki là Louki, không còn là Jacqueline Delanque của quá khứ mà cô muốn trốn chạy. Ở đó, anh sinh viên trường Mỏ không cần phải giới thiệu về thân phận thật của mình, và tay thám tử có thể đến rồi đi không dấu vết trong thân phận một chuyên gia làm sách ảnh. Cuối cùng, nhân vật Roland luôn chỉ tồn tại trong một câu miêu tả ngắn gọn người đàn ông tóc nâu vận áo vest da hoẵng.
Quán cà phê ấy luôn hiện lên trong trí tưởng tượng của độc giả với thiết kế cổ điển, ánh sáng vàng nhập nhoạng và những đoạn nhạc jazz dìu dặt.
Ở đó, người ta có thể ngồi lại bên nhau, chia sẻ chút hơi ấm, tạo nên những kết nối để bản thân mỗi người vơi bớt sự cô đơn, và cũng để cảm nhận được sự tồn tại hiện hữu của chính mình giữa cuộc đời.
Ảnh: Huy Phạm – CFRR
Quán cà phê ấy còn là nơi giúp người ta có thể trốn thoát hoàn toàn khỏi thực tại mà họ đang lạc lối và muốn chối bỏ. Bước vào trong Le Condé, những con người ấy bắt đầu sống một đời sống khác, cười nói với nhau trong những thân phận khác. Điều mà chỉ không gian của một quán cà phê làm được, đó là sự tập trung vừa đủ, và sự riêng tư – cũng vừa đủ.
Không ồn ào náo nhiệt như bar, không quá sang trọng như những nhà hàng xa hoa, đắt đỏ, một quán cà phê nhỏ là vừa đủ để người ta náu mình mà vẫn kết nối được với người khác, và có lẽ với cả nỗi cô đơn của chính mình.
Cứ thế, sách của Patrick Modiano luôn mang đến nỗi buồn mênh mông nhưng không nặng trĩu, vừa đủ dày để người ta muốn đọc tiếp xem hành trình của nhân vật sẽ đi về đâu, vừa đủ mỏng cho những ngày mưa ngồi trong quán cà phê yêu thích, gặm nhấm hay suy tư về tuổi trẻ của chính mình.