Ghế nhựa và cà phê vỉa hè Sài Gòn

Cường Nguyễn

Share:

15:46 13/08/2022

CFRR- Cà phê vỉa hè Sài Gòn dù vỉa hè đó là đường lớn hay bên những bức tường trong con hẻm nhỏ đều là dấu ấn rất riêng của Sài Gòn. Len lỏi giữa những con phố là ghế nhựa xanh đỏ…


Một buổi sáng, ở trung tâm Sài Gòn, nếu muốn biết cuộc sống nơi đây vận hành ra sao, hãy bước ra phố, tìm một chỗ nào đó có mấy cái ghế nhựa xanh đỏ bày dọc một góc tường, tấp vào ngồi xuống, gọi một ly cà phê, vỉa hè Sài Gòn sẽ kể cho bạn nghe tất cả.

Người viết biết đến cà phê 47 đầu tiên là nhờ cuốn sách Sài Gòn cà phê 47 và đủ chuyện quàng xiên của ông anh bạn đồng hương, nhà báo Lý Đợi. Dân làm báo, văn nghệ sĩ Sài Gòn, ở độ tuổi 8X đổ lên, hầu như ai cũng biết cà phê 47.

Là một đứa 9X ngoại tỉnh lên thành phố học đại học vào năm 2011 – thời điểm internet đã bắt đầu thống trị, nếu không theo nghề báo, không lê la với mấy ông anh bà chị tiền bối trong nghề, không ngồi chầu rìa những câu chuyện phiếm kể lại ký ức hồi đó và không vô tình nhìn thấy cuốn sách của anh Lý Đợi để rồi nảy nòi ra sự tò mò, có lẽ tôi cũng không biết đến cà phê 47.

Ghế nhựa, cà phê đá, đọc tờ báo hay lướt mạng… là những cảnh chỉ cần bước ra khỏi cửa nhà bạn có thể thấy ngay ở Sài Gòn. Ảnh: CFRR

Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu lý do vì sao cà phê 47 lại thu hút cánh báo chí, văn nghệ nhiều đến vậy. Phải chăng vì ngày xưa, con đường Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Đình Chiểu là nơi ngự của những tòa soạn báo lớn và mỗi buổi sáng, ở cái thuở thịnh đạt của báo giấy, quanh khu vực đó là vô thiên lủng những sạp báo lớn nhỏ, chốn khởi đầu của tin tức túa đi quanh trung tâm thành phố?

Hay bởi 47 là địa chỉ con hẻm dẫn vào nhà Trịnh Công Sơn, ngồi ở đó với ly cà phê kẹp bên, những tâm hồn được nuôi nấng với chữ nghĩa, kèn cọ tha hồ phiêu hốt, lãng đãng với “con đường nằm nghe nắng mưa” trứ danh của đại đô thị bậc nhất miền Nam? Nhiều người còn gọi cà phê 47 với cái tên cà phê hẻm Trịnh.

Tôi không biết. Hỏi một vòng quanh những “yếu nhân” của cà phê 47, cũng không ai biết. Chỉ biết rằng ba, bốn lớp phóng viên, nhà báo, văn nghệ từng nối nhau ngồi đó, dưới tán cây xoài rợp mát đầu con hẻm dẫn vào nhà họ Trịnh mà thôi.

Cà phê 47 là quán nhưng không phải quán, có tên mà như không có. Gọi cà phê 47, đó là cách gọi của đám khách quen ngồi ở đó theo địa chỉ mà cái xe đẩy của ông bà chủ quán nép mình vào. Trên cái xe đẩy nhỏ đó, chất lỉnh kỉnh những chai, hũ, lọ phục vụ cho việc pha chế, được đẩy ra vào buổi sáng; cộng thêm mấy cái ghế nhựa xanh, đỏ vừa làm ghế, vừa làm bàn rải dọc theo hai bên con hẻm, hoặc tràn ra mặt tiền phía trước đường.

Vậy là ra đời một cái quán, và quán cũng chỉ có chừng đó mà thôi. Từ cái quán đó, bao nhiêu câu chuyện, tin tức được chuyền tai nhau, bao nhiêu ý tưởng được nảy nòi, bao nhiêu tình bạn được phôi thai, gìn giữ. Cà phê 47 mặc nhiên sống, mặc nhiên dung dưỡng cho những câu chuyện đời, chuyện người giữa lòng thành phố luôn tất bật.

Cũng cần kể vào đây rằng kiểu quán xá như cà phê 47 gần như xuất hiện dày đặc khắp thành phố, từ khu trung tâm sang trọng như quận 1 cho đến tận những hẻm hóc xa xôi như Hóc Môn, Bình Chánh.

IMG 4373
Đời sống vỉa hè Sài Gòn không chỉ có ly cà phê mà có cả những trái dừa tươi trên hè phố với một bản đồ tường thuật người bán hàng đường phố. Ảnh: CFRR

Đó là một đời sống khác của cà phê Sài Gòn. Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý với nhau rằng phong vị cà phê Sài Gòn chịu ảnh hưởng rõ nét của quán xá phong lưu kiểu Pháp, bên cạnh cà phê siêu đất “chém to kho mặn” kiểu Hoa. Thì đúng là vậy. Nhưng ngoài ra, còn một đời sống khác của cà phê Sài Gòn, đó là cái kiểu quán xá như cà phê 47.

Một cái xe đẩy hay đôi khi gọn hơn nữa, chỉ là một cái thùng xốp, giỏ nhựa của một anh A chị B bà C nào đó xách ra một góc vỉa hè mỗi sáng, rải thêm 2, 3 cái ghế nhựa ra vỉa hè, vậy là thành một quán cà phê. Quy mô một quán cà phê vỉa hè phình to hoặc thu nhỏ tùy lượng khách đông hay vắng, phụ thuộc liệu chủ nhân những ngôi nhà mặt tiền hay cư dân trong những con hẻm mà nó “ở đậu” ngày hôm đó vui vẻ rộng rãi hoặc cáu bẳn càu nhàu. Tế nhị hơn nữa, tùy độ “làm lơ” của những anh trật tự đô thị, công an khu vực…

Nếu “may mắn”, một hôm nào đó, chúng ta thể bắt gặp khung cảnh có phần hài hước trên vỉa hè: Một chị phụ nữ mập mạp đội nón lá, ôm thùng xốp, xách đồ đạc chạy trước, một đám nhân viên văn phòng sơn vin gọn ghẽ, tóc tai láng mượt tay cầm cái ghế nhựa, tay cầm ly cà phê tất tả chạy sau, ngoặc vào một con hẻm nào đó. 5 phút sau, khi chiếc xe trật tự đi qua, mọi thứ lại quay về vị trí cũ, ghế nhựa bày ra, đám đông vừa tất tả chạy đia kia lại tụ năm tụ ba chuyện phiếm…

Ở Sài Gòn, từ những quán cà phê tạo lập trên một “không gian vừa năng động vừa lười biếng”, những mối quan hệ mới có thể được nảy sinh quanh những cái ghế nhựa, những cuộc buôn bán được diễn ra trên những cái ghế nhựa, thậm chí có những hợp đồng được ký kết ngay chính trên những cái “bàn” ghế nhựa lau vội cho ráo mớ hơi nước đọng lại từ ly cà phê được đặt tạm xuống mặt đá vỉa hè.

Mà chẳng riêng gì cà phê, trong thành phố, có hàng trăm quán ăn sáng, ăn trưa, ăn vặt, bán đồ chạp phô,… cũng tồn tại theo cách ấy, cộng hưởng với nhau thành một “hệ công nghiệp không khói” lẫn không tên độc đáo nuôi sống cho hàng triệu di dân tỉnh lẻ vào thành phố tìm cơ hội đổi đời.

Trong cuốn sách Đời sống vỉa hè Sài Gòn, giáo sư người Mỹ Annette M.Kim đã ghi nhận lại tính độc đáo của không gian vỉa hè Sài Gòn với tính “vận dụng” và cộng sinh độc đáo. Annette M.Kim nhận xét rằng cái ngoại lệ của vỉa hè Sài Gòn biểu hiện qua lối sống hòa quyện đùm bọc, tình cảm tương thân tương ái giữa người dân với nhau, ngay cả khi lối sống ấy phải chịu áp lực ngày càng gia tăng do những thay đổi ở đô thị và mật độ dân số ngày càng đông.

IMG 4379

“Trên phương diện xã hội, chúng tôi thấy những người vi phạm quy định và những người thực thi quy định không quá cách xa nhau. Họ cùng nhau tìm ra cách này hay cách kia để dàn xếp, những phương cách ấy gợi lên ý tưởng rằng mỗi người dân là một phần của câu chuyện rộng lớn hơn. Nam, nữ, già, trẻ, các tầng lớp khác nhau, tất cả đều tham dự một phần vào đời sống vỉa hè: xả hơi, chuyện phiếm, buôn bán, ăn uống, la cà. Rõ ràng, vỉa hè không chỉ được dùng cho giao thông, giúp cho thành phố này vận hành hiệu quả. Nó còn là nền móng cho đời sống văn hóa và dân sự Sài Gòn”.

Còn nhớ, một dạo nọ, khi nghe tin đồn cà phê 47 “nghỉ việc”, trên Facebook tôi bỗng hiện lên vô số lời “ai điếu” của những “khách ruột” đã mòn đũng trên những chiếc ghế nhựa đầu hẻm nhà Trịnh. May sao đó cũng chỉ là tin đồn. Rồi đến một ngày khác, cũng nhờ đọc được những lời “ai oán” của đám “lữ khách 47”, tôi mới biết việc cây xoài che mát cho quán bị đốn hạ mất. Tôi bỗng chạnh nghĩ, liệu có phải đám văn nhân của cà phê 47 ấy có nhạy cảm quá hay không trước những thay đổi nhỏ tí ấy. Cho đến một ngày, có việc quay lại trường cũ, cái quán cà phê trước cổng trường đại học mà đám chúng tôi lê la uống chịu suốt thời sinh viên biến mất. Hỏi ra mới biết, bà cụ bán cà phê đã qua đời. Tôi bỗng thấy hụt hẫng đôi phần, và nghĩ lại, chợt đồng cảm với những “lữ khách 47” khi hay tin quán ruột “có biến”.

Rồi khi cả thành phố giãn cách trong dịch COVID-19, đi giữa phố phường với những vỉa hè im lìm, vắng ngắt, không quán vỉa hè cũng chẳng hàng rong đi lại, tôi nhận ra sinh khí của thành phố đột ngột lịm tắt trước hết từ đây. Hóa ra, dẫu vô hình vô ảnh, nhưng những quán xá “di động” ấy lại trở thành một phần đời chẳng kém quan trọng hơn so với những cái tên Girval, Eden, Tax… đầy sang cả.

Và hóa ra, những quán cà phê vỉa hè vô hình vô danh, bằng cách nào đó, đã trở nên phần hồn cốt chẳng thể thiếu của Sài Gòn.

Bài viết liên quan

Những điểm đến cà phê hấp dẫn nhất trên thế giới

CFRR– Phong cách thưởng thức và nền văn hoá cà phê đặc biệt ở một số...

Bí ẩn nào làm nên sự khác biệt trong văn hoá cà phê ở Nhật Bản?

CFRR– Văn hoá cà phê ở Nhật Bản có nhiều điều khác biệt nhờ vào việc...

Những quy tắc thú vị trong văn hoá thưởng thức cà phê ở Ý

CFRR– Văn hoá thưởng thức cà phê ở Ý là những nghi thức luôn được giữ...

Sài Gòn, Huế hay Hà Nội, cứ uống cà phê và an hưởng phút giây này

Chọn nuốt những giọt đắng đậm để hồi nhớ quá khứ vàng son, chọn vị chát...