Hà Nội nâu nóng, Sài Gòn sữa đá, và… còn gì nữa không?

Cường Nguyễn

Share:

19:48 20/08/2022

CFRR- Hà Nội nâu nóng, Sài Gòn sữa đá… là tên gọi món cà phê rất đặc trưng vùng miền. Có lẽ hiếm đất nước nào cà phê lại có những ‘biến hình’ lạ lùng như vậy…

Đối với nhiều người nước ngoài, Việt Nam là một đất nước kỳ lạ, và đôi khi, người Việt Nam cũng là những con người hết sức kỳ lạ, thậm chí, là kỳ quặc.

Rất nhiều người đã viết, đã nói, đã nhận xét về Việt Nam. Một trong những nhận định chung nhất đó là sự khác biệt về văn hóa trong cùng một đất nước, một dân tộc, đặc biệt là giữa miền Bắc và miền Nam. Sự khác biệt đó là hiển nhiên và đôi khi cũng lại thật đặc biệt, khi nó kể cho chúng ta nghe rất nhiều điều mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày nhưng lại chẳng mảy may để ý. Như mọi khi, có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện của mình từ một bàn cà phê.

cafe dinh2
Một góc cà phê Đinh trong mùa hoa loa kèn. Ảnh: Đinh Cafe

Hãy mường tượng về hành trình của những con tàu đến Sài Gòn vào đầu thế kỷ trước.

Những con tàu còn lưu lại trong ký ức của nhiều người. Những con tàu ấy, cũng như bao nhiêu con tàu khác đã và sẽ mang những người Pháp đến Đông Dương và mang họ rời khỏi đó trở về cố quốc, luôn bắt đầu – kết thúc ở hai địa điểm Marseille – Sài Gòn và ngược lại.

Từ cảng Sài Gòn, đi theo Boulevard de la Citadelle – đại lộ men theo bờ sông Sài Gòn, rẽ trái vào Rue de Catinat, người ta sẽ bắt gặp một cảnh tượng huyên náo, sôi nổi của những quán xá nằm hai bên đường. Nhiều nhất là những tiệm cà phê, có lẽ vậy. Không phải hiển nhiên mà con đường Catinat từng được mệnh danh là “đại lộ cà phê”.

Những tiệm cà phê theo kiểu Pháp, với những monsieur và madame tóc vàng, những người bản xứ giàu có, những sĩ quan quân đội với những câu chuyện bốc trời về một xứ sở ma thiêng nước độc nào đó trên dải đất mà họ từng đặt chân qua. Chúng ta không khó để tìm được những tấm ảnh xưa còn được lưu lại trên internet để mường tượng về không khí sôi nổi của những quán cà phê thuở ban đầu như La Fontaine, La Pagode, Brodard,… đã trở thành huyền thoại của con đường Catinat.

SG6
Cà phê trên con đường Catinat nay là Đồng Khởi và nay Catinat là tên của nhiều thương hiệu xuất hiện trên con đường đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn ấy. Ảnh: Anna Đoàn

Từ những “quán Tây” đầu tiên ấy, về sau, những quán xá được nối tiếp mở ra, không chỉ dọc đường Catinat – Tự Do – Đồng Khởi, mà còn trên nhiều trục đường khác nữa. Những quán xá được tạo lập hay biến mất theo thời gian, rồi thay tên, đổi chủ,… Lớp chồng lớp, tạo nên một “hệ sinh thái” cà phê kiểu Sài Gòn, với không gian rộng rãi, lựa chọn đa dạng, phong phú, lúc nào cũng huyên náo và sôi nổi. Và tất nhiên, lúc nào cũng đông khách ra vô, bất kể thời gian nào trong ngày.

Chẳng riêng gì quán xá trung lưu, thượng lưu mà cà phê quán cóc bình dân, vỉa hè cũng tương tự như vậy, luôn đông đúc kẻ đến người đi cả ngày. “Cà phê không?” Hay “Bữa nào cà phê nha!” gần như là một dạng câu chào hỏi cửa miệng của người dân ở đại đô thị miền Nam này, bất kể trẻ già. Và điểm chung của hầu hết quán cà phê ở Sài Gòn là phải rộng và thoáng. Đủ rộng để thoải mái đưa chuyện, đủ rộng để không phải chịu đựng cảnh hầm hập hơi người trong cái nóng miền Nam.

Hà Nội có nhà thờ Lớn, Sài Gòn có nhà thờ Đức Bà. Cả hai ngôi nhà thờ đều được người Pháp xây dựng, một ngôi khởi công vào năm 1888 và một ngôi khởi công vào năm 1877, cách nhau 22 năm, cách nhau 11 năm. Phía trước hai ngôi nhà thờ đều là một quảng trường, luôn đông nghịt người vào những dịp lễ trọng, và cũng tấp nập, sôi nổi vào những ngày thường.

Nhưng hai không gian ấy lại không giống nhau.

cafe saigon
Cà phê sữa đá Sài Gòn. Ảnh: Anna Đoàn
Sg5 edited
Tách nâu nóng Hà Nội. Ảnh: Anna Đoàn

Ngồi ở một tiệm cà phê bất kỳ quanh khu quảng trường nhà thờ Lớn Hà Nội, chúng ta có cảm giác như đang ngồi trong một không gian có phần nào kín đáo, ấm cúng mà dường như gần giống với một sân đình, sân chùa nào đấy mà ta không khó để tìm thấy trên khắp vùng châu thổ sông Hồng. Điều đó, ta không thể có được khi ngồi ở tiệm cà phê nhìn ra nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nó quá rộng và quá mở.

Hà Nội rất nhỏ. Mặc dù cuộc mở rộng vào năm 2008 đã khiến Hà Nội sau một đêm trở thành thủ đô rộng nhất thế giới, thì rốt cuộc, Hà Nội vẫn nhỏ. Người nơi khác nhớ tới Hà Nội, loanh quanh chỉ có mấy cái tên quẩn quanh ở khu trung tâm, quanh Bờ Hồ, quanh khu nhà thờ Lớn, quanh khu Ba Đình,… Một cuộc hẹn tụ tập vào dịp cuối tuần để cà phê, ăn uống tán dóc, chơi dạo loanh quanh đều được xác định quanh những khu trung tâm của thành phố. Đấy là Hà Nội, của 36 phố phường xưa, rộng ra thêm những gì mà người Pháp đã tạo dựng thuở thành phố còn là thủ phủ của Đông Dương.

Có lẽ cà phê đến với Hà Nội sau Sài Gòn. Dường như trước đây, nhắc đến đặc trưng văn hóa của Hà Nội, tôi ít nghe ai nhắc đến cà phê. Cà phê cũng có, cũng tác động ít nhiều đến đời sống thị dân thành phố này, nhưng hình như để trở thành một cái gì biểu trưng cho văn hóa của nơi đây, so với những món ăn thời trân được gìn giữ từ đời ông bà để lại, so với những thứ hoa được vun trồng trên mảnh đất loanh quanh hồ Tây như Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân,… thì cà phê có phần “lép vế” hơn.

ha noi
Những quán cà phê mới mở Hà Nội những năm gần đây không gian vẫn nhỏ nhắn vừa phải. Trong ảnh: Một góc quán Blackbird Chân Cầm, Hà Nội. Ảnh: Anna Đoàn

Những quán nổi tiếng của Hà Nội mà người ta có thể kể đến, cũng mới loanh quanh độ vài chục năm trở lại đây thôi. Chúng nhỏ, hẹp, ấm cúng và trầm lặng. Không hiểu sao bước vào không gian của những tiệm cà phê Hà Nội, tôi luôn có cảm giác chúng trầm lặng hơn mấy mươi phần trăm so với những tiệm cà phê Sài Gòn. Nó khiêm tốn và nhàn tản. Nó như một cõi riêng để chiêm nghiệm, để ghi dấu ấn bằng những bàn khách quen, những cái tên hôm nay không ghé, tháng này chẳng thấy mặt đâu. Những cái tên Lâm, Giảng, Mai, Nhân, Thọ,… rất gọn gàng, đơn giản.

Những người ở tuổi trung niên trở lên, những người còn mang đậm căn tính Hà Nội hơn cả, hầu hết đến cà phê vào buổi sáng sớm, ngồi thật lâu ở đấy, rồi đi. Chỉ vậy thôi. Chẳng ai bước vào tiệm cà phê một ngày hai ba lượt, như “kiểu Sài Gòn”.

SG2 edited
Cà phê ở Sài Gòn được pha chế với nhiều cách khác nhau.
Ảnh: Anna Đoàn
SG
Và ẩm khách Sài Gòn cũng có thể một ngày hai ba cữ cà phê khác loại.
Ảnh: Anna Đoàn

Ngay như những quán cà phê quanh khu quảng trường nhà thờ Lớn, nó lặng lẽ đến lạ kỳ. Đôi khi, có những buổi sáng hay chiều mùa đông, từ ban công của tiệm La Place nhìn xuống, tôi cứ tưởng đang ngồi trong một khoảng sân nhà nào đấy, dù nó rộng nhưng vẫn rất kín đáo và có chút riêng tư. Nó làm tôi mường tượng đến tính cách của xứ sở này, những gì sôi động nhất, cuồng nhiệt nhất lại được ẩn giấu sau một lớp bọc khép kín.

Nhưng những quán cà phê nhỏ bé, bàn ghế đơn sơ, kiểu cách mộc mạc ấy của Hà Nội lại chứa đựng một cái “chất” rất riêng. Dù thành phố phát triển hơn, vô số quán xá mọc lên theo kiểu hiện đại, rộng rãi, thì những quán nhỏ của thập niên trước vẫn đủ đất sống, vẫn giữ được cá tính ấy khó gọi thành tên của mình. Nó bất cần, kiêu hãnh giữ một chất riêng theo kiểu rất… Hà Nội. Hình như thời gian đã cho thấy, dù đi sau, nhưng Hà Nội luôn vươn đến trước. Sài Gòn “Tây hóa” trước nhưng Hà Nội lại là nơi định hình văn hóa cho cả một thời với tranh Đông Dương, Thơ Mới, phong cách kiến trúc Á – Âu,… Cái áo dài năm xưa cách tân cũng “táo bạo” hơn khi ở Hà Nội. Đến bây giờ, âm nhạc underground, indie cũng được định hình bởi Hà Nội. Và cà phê “kiểu Hà Nội” với kiểu quán xá nhỏ hẹp, trầm tối đang dần định danh ở Sài Gòn.

Nếu một ngày, ở Sài Gòn, bước vào một tiệm cà phê nào đó với cái tên chỉ độc một chữ, với bàn ghế gỗ giản đơn, gam màu trầm tối, với không khí phần nào bớt sôi nổi so với những quán khác, nghe nhân viên đứng quầy đọc lại món đã chọn là “nâu đá” hay “nâu nóng”, đích thị chủ quán là người Hà Nội, người Bắc. Đơn giản vì ở Sài Gòn, người ta chỉ gọi hai món đó là “phê sữa đá” hay “sữa nóng” thôi.

Bài viết liên quan

Những điểm đến cà phê hấp dẫn nhất trên thế giới

CFRR– Phong cách thưởng thức và nền văn hoá cà phê đặc biệt ở một số...

Bí ẩn nào làm nên sự khác biệt trong văn hoá cà phê ở Nhật Bản?

CFRR– Văn hoá cà phê ở Nhật Bản có nhiều điều khác biệt nhờ vào việc...

Những quy tắc thú vị trong văn hoá thưởng thức cà phê ở Ý

CFRR– Văn hoá thưởng thức cà phê ở Ý là những nghi thức luôn được giữ...

Sài Gòn, Huế hay Hà Nội, cứ uống cà phê và an hưởng phút giây này

Chọn nuốt những giọt đắng đậm để hồi nhớ quá khứ vàng son, chọn vị chát...