CFRR- Giữa vô vàn những quán cà phê mới mọc lên ở Hà Nội, những quán cà phê tên một chữ kiểu Đinh, Giảng, Lâm, Nhân… là đặc trưng riêng có của mảnh đất này. Và những cái tên một chữ không chỉ quanh quẩn Hà Nội mà rộng ra là văn hóa vùng miền đất Bắc.
Người Hà Nội có một sự kiêu hãnh rất đặc biệt. Kiêu hãnh về gốc gác, vùng đất của mình với nghìn năm văn hiến, 36 phố phường, chốn khởi phát của Thơ mới, Tân nhạc, hội họa Đông Dương…
Cụ Hoàng Đạo Thúy, một người Hà Nội “chính tông”, viết không nhiều nhưng vừa đủ về Hà Nội, trong cuốn sách nổi tiếng với nhan đề như một sự khẳng định Hà Nội thanh lịch đã định nghĩa rõ cho cái cốt cách kinh kỳ rằng “người ta tóm cả cái thanh, cái cao, cái lịch sự, ẩn ý vào hai chữ “thanh lịch”…”
Đời sống đích thực của con người luôn luôn có sự hướng thượng. Muốn được định danh là người Hà Nội – con người của một vùng đất thanh lịch, âu cũng là một sự hướng thượng. Và do vậy, hẳn người Hà Nội cũng phải tự khẳng định mình xứng đáng với cái vị thế của bản thân. Cái tôi của người Hà Nội không nhỏ, nhưng cái tôi đó không hẳn là ngông nghênh, khinh bạc. Nó chỉ là sự định danh về cái “của mình”, mình có được.
Nói dông dài, cũng chỉ để tìm một sự tự cắt nghĩa về mấy cái tiệm cà phê độc một chữ. Ai là người biết uống cà phê, sành sõi Hà Nội hẳn không khó để kể tên những quán xá đã yên vị mấy chục năm qua giữa lòng phố phường thủ đô: Giảng, Lâm, Thái, Đinh, Nhân, Thọ,… Thậm chí có một thời, người ta còn xếp nên những bộ tứ cà phê trứ danh Hà Nội thế kỷ trước như: Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng.
Tại sao cà phê Hà Nội chỉ độc tên một chữ? Có lẽ đây là chuyện người ta sẽ còn phải tranh luận với nhau dài dài. Bảo kể tên thì được, còn có lẽ chả ai cắt nghĩa cho tỏ tường được rằng cách đặt tên một chữ như thế xuất hiện từ bao giờ và tại sao.
Như sự nối tiếp dông dài kể trên, những tên tiệm cà phê thuở ban sơ ấy, đa phần là tên chủ tiệm. Một cách định danh cái cơ ngơi “của mình” rất gọn, dễ nhớ và rất Hà Nội.
Cà phê Giảng được cụ Nguyễn Văn Giảng, một nhân viên pha chế tại khách sạn Metropole mở vào năm 1946. Năm 1949, ông Nguyễn Văn Lâm bắt đầu kinh doanh cà phê và sau đó mở tiệm cà phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân, nơi trở thành “tụ điểm” của những họa sĩ tài danh thuở còn hàn vi phải “gá tranh uống cà phê chịu”.
Cái cách định danh gọn lỏn như vậy, ở nước ta, chẳng phải chỉ Hà Nội mới có. Ở Huế, một thời, người ta cũng nhắc tới mụ Rớt, như một tay nấu bún bò “thần sầu quỷ khốc”, nói tới “đi mụ Rớt”, mặc nhiên là biết đi ăn bún bò. Hay nhắc bà Buội ở Hội An, mặc nhiên người ta nhớ tới món cơm gà “ngon nhứt xứ”. Dẫu vậy, xứ Huế, xứ Quảng, người ta còn phải kèm theo cái nhân xưng những mụ, o, bà, ông,… còn Hà Nội thì thôi khỏi, chỉ một cái tên là đủ biết ai, món gì, không cần ông này bà nọ.
Những quán cà phê một chữ bỗng làm nhiều người nhớ đến cách gọi thế hệ họa sĩ tài danh sản sinh từ trường Mỹ thuật Đông Dương thuở ấy; người ta cũng thường nhắc đến những bộ tứ “Thứ-Phổ-Lựu-Đàm”, “Nghiêm-Liên-Sáng-Phái”, “Trí-Lân-Vân-Cẩn”… Cách đặt tên theo bộ tứ ấy, làm người ta liên tưởng đến những bộ tứ quý, tứ bình mà các cụ ta xưa đặt để như một thứ mực thước tiêu biểu cho cái đẹp, cái nhàn như “mai-lan-cúc-trúc”, “tùng-trúc-cúc-mai”,…
Những thực thể ấy đứng cạnh nhau làm nên một chỉnh thể tiêu biểu cho cái đẹp, nhưng nếu tách ra đơn lẻ thì nó vẫn ngạo nghễ làm biểu tượng cho một đức tính riêng có, như tùng, như trúc, như mai thì là người quân tử,…
Đến bây giờ, nhắc tới “phố Phái”, người sành tranh lại nhớ tới những bức tranh khắc họa lại phố phường Hà Nội với gam màu rất riêng của ông. Và “phố Phái” cũng trở thành một “thương hiệu” riêng trong nền mỹ thuật Việt. Cũng bằng cách ấy, nhắc đến Giảng, Lâm, Nhân,… người ta mặc nhiên nhớ đến cà phê Hà Nội và chỉ cà phê trước hết.
Từ trong lịch sử, làng mạc ven đô Hà Nội, hay xa hơn là xứ Đoài, xứ Bắc,… những tên làng, tên đất, tên đình chùa theo cách gọi dân gian cũng độc chữ, có chăng kèm theo đó là tên sách vở Hán tự văn vẻ mà chỉ có những cụ cao niên mới nhớ.
Giả như, những làng giấy Nghĩa Đô, Bái Ân, Yên Thái,… gom chung lại thành một vùng kẻ Bưởi. Người ta nhớ tới làng Chèm với cái đình cùng tên thờ Lý Ông Trọng chứ ít ai nhớ cái tên Thụy Phương thanh cảnh của nó. Cái chùa Láng được nhớ nhiều hơn cái Chiêu Thiền tự. Hỏi làng Mọc may chăng dễ biết hơn Nhân Mục. Còn một lô lốc dài những cái tên độc một chữ ấy trên khắp vùng châu thổ sông Hồng đã ăn sâu vào tiềm thức của dân chúng nơi đây.
Theo một cách phóng chiếu có phần thi vị hóa, có lẽ chăng cái cách đặt tên độc một chữ của những tiệm cà phê “sống” qua hơn nửa thế kỷ ở Hà Nội cũng có liên hệ đến kiểu định danh đặc biệt từ trong quá khứ ấy? Những the La, bưởi Lĩnh, chồi Phùng, nón Chuông… mỗi địa danh nôm na kèm một đặc sản đã đi vào ca dao, tục ngữ,… đi vào trí nhớ của những thế hệ con dân miền Bắc, nhắc là nhớ.
Và có lẽ với những cái tên độc một chữ như Giảng, Lâm, Đinh, Nhân, Thọ,… nhắc là nhớ ấy, cũng kể lại cho chúng ta biết bao nhiêu điều, tất nhiên xoay quanh những cốc cà phê rất chi Hà Nội; để ngày nay, giữa tập hợp vô vàn những hỗn độn, sôi nổi lần suy tư làm nên đời sống Hà Nội, thì ở đâu đó, có những tiệm cà phê vẫn giữ một nhịp điệu riêng của mình, qua năm tháng…