CFRR- Năm 2021, Việt Nam đứng vị trí thứ hai về sản lượng trên bản đồ cà phê thế giới, nhưng mấy ai rõ về hành trình 165 năm kể từ khi hạt giống cà phê đầu tiên được gieo xuống ở Việt Nam…
Cây cà phê đầu tiên du nhập vào Việt Nam nhờ những nhà truyền giáo người Pháp vào năm 1857 ở những tỉnh phía Bắc. Từ những hạt giống đầu tiên, cà phê đã phát triển với hệ thống các đồn điền như: Chi Nê (huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình), Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội), Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội)… lớn nhất nhì khu vực Đông Dương ngày đó.
Khởi nguồn của arabica ở miền Bắc
Cây cà phê đã trải qua những chặng đường dài tại Việt Nam suốt 165 năm qua và được chọn là một trong những cây công nghiệp chủ lực có giá trị xuất khẩu cao nhì sau lúa gạo. Một con số khá thú vị, năm 2021, giữa đại dịch COVID-19, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đạt 1,52 triệu tấn (trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD) và đưa Việt Nam trở thành quốc gia xếp thứ hai về mặt sản lượng trên bản đồ cà phê thế giới.
Việt Nam là đất nước có những đồn điền cà phê lớn và đầu tiên ở khu vực Đông Dương.
Trong ảnh: Đồn điền cà phê ở miền Bắc những năm 1930
Ảnh: ManhHai – Flickr; L’Indochine, par Henri Gourdon (1876-1943) – Galilica
Arabica (coffea arabica) là giống cà phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam. Arabica đã được trồng xung quanh các nhà thờ Công giáo ở các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… và sau đó tiếp tục được trồng ở một số tỉnh miền Trung: Quảng Trị, Quảng Bình…
Giai đoạn này, cà phê được chế biến dưới thương hiệu “Arabica du Tonkin” và được người Pháp nhập khẩu về đất nước của họ. Tuy nhiên, lúc này cà phê vẫn được canh tác theo kiểu du canh du cư nên năng suất không ổn định và giảm mạnh từ khoảng 400-500kg/ha những năm đầu còn 100-150kg/ha vào thời gian sau.
Năm 1908, người Pháp đã tiếp tục mang hai giống cà phê khác đến Việt Nam là cà phê vối robusta (coffea canephora) và cà phê mít (coffea excelsa). Từ đó, những đồn điền cà phê mới lại tiếp tục được gieo trồng tại các khu vực khác tại Hà Tĩnh (1910), Yên Mỹ (Thanh Hóa, 1911), Nghĩa Đàn (Nghệ An, 1915).
Bước ngoặt của mảnh đất cà phê Tây Nguyên
Vào khoảng năm 1925, cà phê bắt đầu được trồng ở Tây Nguyên. Đây chính là một bước ngoặt của hành trình cà phê tại Việt Nam. Tây Nguyên trở thành địa danh nổi tiếng về cà phê với diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam từ đó cho tới nay.
Sở dĩ Tây Nguyên được chọn để phát triển cà phê bởi vùng đất này đủ lớn và ở độ cao so với mực nước biển từ 500-1000m. Khí hậu Tây Nguyên nằm trong vùng Nhiệt đới Xavan, cận xích đạo gió mùa, khí hậu mát mẻ quanh năm, với hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, trong đó tháng 3 và tháng 4 là hai tháng nóng và khô nhất.
Cùng đó, thổ nhưỡng Tây Nguyên có ưu điểm với năm cao nguyên đất bazan, một loại thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng cho cà phê. Bazan là loại đất phát triển trong điều kiện khí hậu ấm, ẩm, ôn đới và được tạo ra từ quá trình phong hóa đá biến chất; với những ưu điểm là có khả năng thoát nước tốt hơn các loại đất khác, tơi xốp, hạt mịn, hàm lượng vôi cao, sắt nhôm và cũng có tính acid cao.
Sau Tây Nguyên, cà phê tiếp tục được trồng tại các tỉnh miền Đông Nam bộ từ Bình Phước cho tới Đồng Nai.
“Việt hoá” tên gọi những giống cà phê
Thập niên 1930, tổng diện tích cà phê cả nước khoảng 5,900 ha với sản lượng 1,500 tấn cà phê nhân. Lúc này đã có ba loại giống chính của cà phê được trồng tại các nông trại trên khắp các vùng: Cà phê arabica (giống typica), cà phê canephora (giống robusta) và cà phê liberia (giống excelsa). Người Việt dần quen với các giống cà phê qua hình thái cây, lá của nó và khéo léo Việt hoá tên gọi các giống cà phê: Cà phê chè (arabica), cà phê vối (robusta) và cà phê mít (excelsa).
Cho tới đầu những năm 1960 miền Bắc trồng được khoảng 10.000 ha cà phê tại các nông trường quốc doanh. Cà phê trồng tại đây chủ yếu là cà phê chè với năng suất khoảng 400-600kg/ha và những vùng đất màu mỡ có thể đạt được 1 tấn/ha.
Hạn chế lớn nhất đối với việc trồng cà phê chè ở miền Bắc là tác hại của sâu bệnh gồm sâu đục thân (xylotrechus quadripes) và bệnh rỉ sắt cà phê (hemileia vastatrix). Ngoài ra, điều kiện khí hậu phía Bắc tương đối khắc nghiệt với mùa đông, lạnh kéo dài từ 4-5 tháng, điều này làm cho cây cà phê vối khó phát triển ở khu vực này. Nhiều vùng đã thử nghiệm trồng cà phê vối nhưng sau đó đã phải hủy bỏ do quá nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả; chỉ có cà phê mít sinh trưởng khỏe, cho năng suất khá, song giá trị thương phẩm lại thấp.
Năm 1975, diện tích cà phê tại phía Nam khoảng 10.000ha trong đó lớn nhất là ở Đắk Lắk (7.000ha), Lâm Đồng (1.700ha), Đồng Nai (1.300ha). Giống cà phê được trồng chủ yếu tại các khu vực này là cà phê vối, còn cà phê chè chủ yếu được trồng tại Lâm Đồng với độ cao với mực nước biển từ 700m tới 1.500m. Từ thời gian này cho tới năm 1986, nhiều nông trại cà phê đã mọc lên tuy nhiên sản lượng không cao. Năm 1986, tổng diện tích trồng cà phê khoảng 50.000 ha với khối lượng sản xuất là 18.400 tấn.
Thành công của kết hợp công – tư trong thập niên 1980-1990
Năm 1980, chương trình phát triển cà phê ở Việt Nam do công ty cà phê ca cao thuộc Bộ nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm xây dựng được Thường trực Hội đồng Bộ trưởng cho phép thực hiện. Tiếp đó là một loạt các hiệp định hợp tác sản xuất cà phê được ký kết giữa Việt Nam và các nước: Liên Xô (trồng mới 20.000ha cà phê), CHDC Đức (10.000ha), Bungary (5.000ha), Tiệp Khắc (5.000ha) và Ba Lan (5.000 ha).
Năm 1982 Liên hiệp các Xí nghiệp Cà phê Việt Nam (LH-XN-CPVN) được thành lập với sự tham gia của ba sư đoàn quân đội và một số công ty thuộc Bộ Nông nghiệp, các địa phương: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Chương trình phát triển cà phê được mở rộng trên các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Loại cà phê được chọn để mở rộng diện tích là cà phê robusta, một giống cà phê ưa điều kiện khí hậu nóng ẩm và nhất là ít bị tác hại của bệnh gỉ sắt.
Xí nghiệp cà phê Việt Đức xây dựng vào những năm cuối của thập niên 1970 tại huyện Cư Kuin, Đăk Lăk bằng nguồn vốn hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Xí nghiệp quản lý phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn và một số vùng lân cận. Đến năm 1984 xí nghiệp này tách thành sáu nông trường rồi chuyển thành Công ty TNHH MTV trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.
Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Năm 1986 LH-XN-CPVN được sự hỗ trợ của các bộ: Nông nghiệp, kế hoạch, tài chính, ngoại thương… đã tổ chức Hội nghị phát triển cà phê trong các hộ gia đình nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ; hay còn gọi là Hội nghị cà phê nhân dân lần thứ nhất. Hội nghị đưa ra những chính sách mới; cùng lúc đó giá cà phê trên thị trường quốc tế đang lên cao đã giúp ngành cà phê Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Cho đến những năm cuối thập niên 1980, Việt Nam mới đưa giống cà phê catimor của loài cà phê arabica vào trồng trọt ở các nông trại. Đây là giống cây chống chịu được bệnh rỉ sắt, từ đó đã tăng năng suất arabica lên đáng kể. Đó cũng là cơ sở để Tổng công ty Cà phê Việt Nam xây dựng chương trình phát triển dài hạn cho cà phê arabica ở Việt Nam.
Sản lượng cà phê đều đặn gia tăng 20% đến 30%/năm từ những năm 1990. Vào cuối những năm 1990 Việt Nam trở thành nhà sản xuất cà phê hàng đầu ở Đông Nam Á, xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê nhân xanh (sau Brazil). Khoảng 500.000 vườn cà phê nhỏ từ hai đến ba mẫu trải dài khắp các vùng đất khí hậu phù hợp cho cà phê ở Việt Nam. Những điều này đã góp phần vào việc xoay chuyển mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới vào thập niên 1980-1990, ngành cà phê đã được quốc hữu hóa, phát triển mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên; doanh nghiệp tư nhân cũng được hỗ trợ phát triển, nhân rộng. Sự hợp tác giữa người trồng, sản xuất và nhà nước đã đem đến kết quả trong việc xây dựng thương hiệu cà phê thành phẩm cũng như xuất khẩu sản phẩm bán lẻ. Nổi bật trong đó là các thương hiệu như: Trung Nguyên (1996), Highlands Coffee (1998)…
Dấu ấn robusta trên đất Việt
Trong 30 năm (từ 1986 đến năm 2016) sản lượng cà phê tại Việt Nam đã tăng gần 100 lần. Từ 18.400 tấn năm 1986 đã lên 900.000 tấn vào năm 2000 và đạt 1,76 triệu tấn trong năm 2016. Trong đó có từ 90% đến 95% sản lượng cà phê được xuất khẩu hàng năm.
Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD. Tuy giảm 2,7% về số lượng so với năm 2020, nhưng tăng 9,4% về giá trị. Giá trị cà phê tăng bởi giá cà phê thế giới tăng. Đáng chú ý, tháng 12-2021, giá cà phê xuất khẩu đạt mức cao nhất kể từ tháng 6-2017.
Năng suất cà phê Việt Nam trung bình khoảng 2,3 tấn/ha/năm, cao hơn đáng kể so với nhiều quốc gia sản xuất cà phê khác trên thế giới, thậm chí Việt Nam còn là quốc gia có sản lượng cà phê robusta cao nhất thế giới. Sở dĩ có con số ấn tượng này bởi Việt Nam đã chọn cách canh tác robusta cường độ cao, cho năng suất hạt nhiều hơn arabica. Điều này thúc đẩy lợi nhuận cho nông dân trồng cà phê, vì nhiều nông trại cà phê, nông dân Việt thu hoạch hơn 3,5 tấn/ha.
Dẫu cà phê đầu tiên du nhập vào Việt Nam là arabica thì chìa khóa thành công của cà phê Việt Nam thời gian qua vẫn là robusta. Robusta có mức giá thấp hơn so với người anh em của nó, arabica. Tuy nhiên, robusta dễ trồng hơn, chi phí sản xuất thấp hơn và khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh. Ngoài ra, với robusta, dù phân bón và nước đầu vào thay đổi có thể ảnh hưởng đến năng suất nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sức khỏe của cây, trong khi sức khỏe của cây arabica có thể bị tổn hại đáng kể nếu có những thay đổi này.
Sự trở lại của arabica
Các con số thống kê hàng triệu tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam liệu đã thật sự ghi dấu Việt Nam trên bản đồ cà phê chất lượng của thế giới hay không lại là một câu chuyện khác.
Hiện giống robusta chiếm 92,9% tổng diện tích trồng cà phê, các giống arabica chỉ đóng góp không quá 5% tổng sản lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, robusta chủ yếu xuất khẩu như dưới dạng cà phê nhân thô, chưa qua chế biến, điều này không giúp cho việc ghi dấu Việt Nam như một vùng cà phê specialty có giống, hạt… tốt của thế giới. Robusta chỉ cho ấn tượng về số lượng chứ chưa ấn tượng về chất lượng như arabica.
Trong những năm gần đây từ chính sách đến các nghiên cứu, Việt Nam đã tìm cách nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, trong đó chú trọng việc mở rộng các vùng sản xuất cà phê arabica. Song song đó, trong xu thế phát triển cà phê specialty trên thế giới, cách thưởng thức, thú chơi… cà phê từ đó cũng đã mở rộng không giới hạn biên giới quốc gia. Du khách khi Việt Nam cũng đã bắt đầu tìm cà phê specialty; và cũng rất nhiều người dùng nội địa chọn cà phê specialty để sử dụng.
Từ đó, arabica thay vì chủ yếu được trồng ở các tỉnh: Quảng Trị, Sơn La… thì đã có xu hướng mở rộng ra các vùng: Đà Lạt (Lâm Đồng), A Lưới (Thừa Thiên Huế), Măng Đen (Kon Tum)…
Nhiều rẫy cà phê với chất lượng hạt arabica tốt đang hình thành tại nhiều vùng ở Việt Nam.
Trong ảnh: Rẫy cà phê xen canh với nhiều giống cây ăn trái khác ở độ cao 1.600m tại Lâm Đồng. Ảnh: CFRR
Thay vì duy trì những hạt giống arabica được đem đến từ những ngày đầu tiên vào năm 1857; nhiều nông trại cà phê đã tìm tòi và chuyển sang nhiều giống arabica chất lượng cao để mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, tất cả những bước chuyển này chỉ mới là sự khởi đầu. Bởi thời gian thu hoạch được cà phê arabica ít nhất phải sau ba năm, vì thế việc chuyển đổi giống chủ yếu phải từ những công ty, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế sẵn chứ nông dân đơn thuần sẽ khó chuyển đổi. Bên cạnh đó, arabica thường có hai loại bệnh sâu đục thân (xylotrechus quadripes) và bệnh gỉ sắt cà phê (hemileia vastatrix)… chính vì điều đó làm giảm sản lượng arabica. Bất cứ ai muốn chuyển đổi từ robusta sang arabica ngoài tiềm lực kinh tế còn phải có những kiến thức khoa học để có thể hiểu biết những “bệnh” mà arabica mắc phải và chữa trị.
Thói quen hướng đến thưởng thức nhiều hương vị hơn của người tiêu dùng, cùng những cách thức pha cà phê khác nhau giúp arabica có thị phần lớn dần tại Việt Nam.
Cà phê arabica Khe Sanh pha bằng pour over. Ảnh: CFRR
Sau 165 năm, từ những hạt cà phê đầu tiên, đến nay Việt Nam đã là một quốc gia có định danh trên bản đồ cà phê thế giới. Sao không thể hy vọng về một tương lai không xa, Việt Nam sẽ có những vùng cà phê specialty với cà phê chất lượng hơn…
Tham khảo:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Country coffee profile Vietnam 2019; International Coffee Organization
- Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)
- https://baodautu.vn/xuat-khau-gao-can-dich-thanh-cong-d159669.html#:~:text=S%E1%BA%A3n%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20l%C3%BAa%20n%C4%83m%202021,526%2C8%20USD%2Ft%E1%BA%A5n.
- https://congthuong.vn/xuat-khau-ca-phe-dat-muc-tieu-kim-ngach-dat-6-ty-usd-vao-nam-2030-170354.html
- https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/xuat-khau-ca-phe-huong-den-muc-tieu-kim-ngach-dat-6-ty-usd-601829.html
- https://lamdong.gov.vn/sites/book/Caphe/Index.htm