Một số hệ thống phân loại cà phê nhân xanh trên thế giới

CFRR - Kiến thức thường thức (Người viết: Nhật An)

Share:

10:46 03/11/2022

CFRR – Giống như bất kỳ một sản phẩm nông nghiệp nào khác cà phê cũng có một số tiêu chuẩn phân loại để xác định chất lượng và khiếm khuyết. Việc thiết lập hệ thống này rất quan trọng đối với mọi người trong tất cả giai đoạn từ sản xuất đến thu mua, người mua nhận được những thông tin minh bạch về sản phẩm và biết cách sử dụng thích hợp.

Phân loại cà phê xuất khẩu nhằm mục đích sản xuất cà phê chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo giá cả hợp lý, ngoài ra phân loại còn hỗ trợ cho quá trình truyền nhiệt đồng đều trong công đoạn rang. Mặc dù phân loại cà phê mang đến cảm giác tốt về chất lượng nhưng các hệ thống phân loại cà phê trên thế giới rất rời rạc, không có hệ thống và điểm chấm chung, mỗi quốc gia tự quản lý hệ thống của mình. Hầu hết đều dựa trên ba yếu tố chính để có thể có tiếng nói chung giữa các nhà xuất-nhập khẩu: Phân loại theo kích thước, theo khiếm khuyết và thử nếm.

Phân loại theo kích thước và hình dạng

Hình dạng hạt cà phê có thể được mô tả như hình bầu dục với một nửa mặt phẳng hoặc như một nửa hình ellipsoid (flat bean); một số loại cà phê còn được gọi là peaberry chúng không có hình dạng với một nửa bằng phẳng do chúng đến từ một quả cà phê chỉ mang một hạt và thường nhỏ hơn các loại hạt khác. Kích thước hạt cà phê thường được đánh giá để đảm bảo tính đồng nhất và khi một thuật ngữ được chỉ định cho một mẫu (hoặc một lô) cà phê nhất định có nghĩa là chúng phải đạt trên 85% hạt có cùng kích cỡ với nhau. Đối với cà phê thương mại kích thước và hình dạng hạt được xác định bằng cách rây các hạt cà phê trên các tấm lưới được gọi là sàng định cỡ. Khẩu độ sàng định cỡ sẽ là hình tròn đối với hạt flat bean và hình thuôn đối với peaberry; đường kính thay đổi từ 12/64 inch đến 18/64 inch đối với hạt flat bean và từ 8/64 inch đến 13/64 inch đối với peaberry. 

sang-phan-loai-ca-phe-flat-bean
sàng phân loại cà phê flat bean – ảnh: amazon
sang-phan-loai-ca-phe-nhan-xanh-peaberry
sàng phân loại cà phê peaberry – ảnh: amazon
hat-ca-phe-flatbean-va-peaberry
Hạt flat bean có một mặt phẳng và peaberry kích thước nhỏ hơn – ảnh: coldbrewhub

Khi sử dụng đơn vị inch để đo, những số đo nhỏ hơn một inch sẽ được nêu bằng cách sử dụng phân số như 1/ 2, 1/ 4, 1/ 8, 1/16, 1/32, 1/64 và kích thước lỗ sàng cà phê nhân xanh sử dụng tỷ lệ 1/64 inch. Ví dụ, khi rây một nắm cà phê được giữ lại ở lỗ sàng 20 ghi nhận 20/64 inch, có nghĩa lỗ sàng đó sẽ có đường kính 20/64=0,3125 inch quy đổi thành 7,9375 milimet làm tròn 8 milimet, phân loại very large là một loại hạt rất lớn ở Châu Phi và Ấn Độ gọi là AA, Colombia gọi là supremo. Một ví dụ khác cà phê được giữ lại ở lỗ sàng 15 ghi nhận 15/64 inch, có nghĩa đường kính lỗ sàng là 15/64=0,234375 inch quy đổi thành 5,953125 làm tròn 6 milimet phân loại medium một cỡ hạt trung bình Châu Phi gọi là B, Colombia sẽ gọi là excelso. Trong hệ thống phân loại chính thức của SCA cho phép phương sai 5% do việc phân loại rất khó đạt được độ chính xác 100%, phương sai này có thể do mật độ hạt dày khiến các hạt nhỏ không thể rơi xuống dưới. Người tiêu dùng cà phê thường tin rằng hạt cà phê lớn có nghĩa là ngon hơn nhưng đó không phải là mục đích chính, sở dĩ phân loại kích cỡ hạt cà phê quan trọng do các hạt lớn nhỏ khác nhau sẽ có sự truyền nhiệt khác nhau trong quá trình rang.

bang-phan-loai-ca-phe-nhan-xanh-theo-kich-thuoc
Bảng phân loại cà phê nhân xanh – ảnh CFRR

Phân loại khiếm khuyết theo tiêu chuẩn của SCA

Dựa trên nguyên tắc chấm điểm của SCA sẽ chia thành hai nhóm lỗi gồm primary defect (lỗi sơ cấp) và secondary defect (lỗi thứ cấp). Full defect có thể bao gồm từ 1 đến 5 primary defect hoặc 3 đến 10 secondary defect. Ví dụ, 1 hạt full black (primary defect) được xem là 1 full defect nhưng 3 hạt partial black (secondary defect) mới được tính là 1 full defect.

Nguyên tắc chấm điểm

  • Số lượng defect được tính dựa trên 350gr cà phê
  • Một mẫu specialty grade (cà phê đặc sản) không được có primary defect và không có nhiều hơn 5 secondary.
  • Một full defect không tính dưới dạng số thập phân và luôn làm tròn xuống, dưới dạng một số nguyên.
    – Ví dụ: 3 partial black tính là 1 full defect nhưng 2 hạt partial black tính là 0 full defect chứ không phải là 0,75.
  • Trong tường hợp có nhiều hơn một loại khiếm khuyết xuất hiện trên một hạt cà phê thì loại defect được tính là loại có ảnh hưởng nặng nhất đến chất lượng cà phê.
    – Ví dụ: 1 hạt severe insect damage và partial black thì hạt này chỉ tính vào lỗi của severe insect damage (primary defect).
  • Hạt được xem là full sour hoặc partial sour nếu phần màu nâu đỏ/ vàng đã thấm vào hạt chứ không chỉ xuất hiện trên vỏ lụa.
  • Hạt được xem là chưa chín khi lớp vỏ lụa dính chặt lên bề mặt hạt, để xác định người ta thường cạo nhẹ lớp vỏ ngoài hạt.

Khuyết tật sơ cấp (primary defect)

ca-phe-full-black

Full black

– Hạt cà phê bị đen hoàn toàn, bị teo, nứt. Nhìn rõ hơn khi bỏ lớp vỏ trấu, chúng thường nhỏ và ít đặc.
– Nguyên nhân do thu hoạch cà phê quá chín hoặc chưa chín, hạt bị lên men quá mức trong quá trình chế biến, sự tấn công của sâu bệnh hoặc cây bị thiếu nước trong quá trình sinh trưởng.
– Hoàn toàn bị biến đổi chất lượng, có mùi hôi, mốc, chua và vị phenolic.

ca-phe-full-sour

Full sour

– Khiếm khuyết được nhận biết từ màu sắc ngả vàng của hạt hoặc màu nâu đỏ và phôi ở giữa có màu đen
– Hạt có thể bị nhiễm bẩn trong quy trình thu hoạch và chế biến, hạt bị úng nước, hạt quá chín.
– Cà phê có vị chua như dấm do lên men hoặc thậm chí có mùi hôi thối tùy thuộc vào mức độ lên men của quả.

ca-phe-dried-cherry

Dried cherry

– Phần vỏ khô bao phủ hạt đôi khi có đốm trắng là bào tử nấm mốc ảnh hưởng đến chất lượng của cả mẻ cà phê.
– Trong phương pháp chế biến ướt quả khô là kết quả của quá trình phân loại không triệt để trong bể chứa nước do quả khô không nổi lên hoặc do máy móc bỏ qua lỗi này. Trong chế biến tự nhiên, còn sót quả khô có nghĩa là quá trình xát vỏ và phân loại không đúng cách.
– Hạt sẽ bị lên men, mốc hoặc có vị phenolic. 

ca-phe-stone-stick

Large stones và medium stones: Dị vật là các viên đá, đối với đá lớn xuất hiện 2 lần sẽ được tính là một lỗi sơ cấp, đá nhỏ hơn là 5 lần.

Large sticks và medium sticks: Các dị vật là dăm gỗ hoặc cành gỗ khô, xuất hiện 2 lần được tính là một lỗi sơ cấp, 5 lần xuất hiện đối với que gỗ nhỏ.

Khiếm khuyết thứ cấp (Secondary defect)

ca-phe-partial-black
partial black

Partial black và partial sour

Hai khiếm khuyết này lần lượt là một nửa tính chất và nguyên nhân của lỗi full black, full sour. Tần suất xuất hiện 3 lần được tính là một lỗi thứ cấp.

ca-phe-partial-sour
partial sour
ca-phe-stone-sticks

Small stones và small sticks
Những viên đá và mảnh gỗ nhỏ khoảng vài milimet ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và hương vị của cà phê vì vậy xuất hiện một lần được tính là một lỗi thứ cấp. 

stick
ca-phe-parchment

Parchment
Lớp vỏ trấu không được xử lý triệt để nguyên nhân lỗi do máy xát vỏ hoặc công đoạn phân loại kém. 5 hạt còn vỏ trấu sẽ được tính là một lỗi thứ cấp.

Hull or husk
Hạt còn nguyên vỏ xuất hiện trong phương pháp chế biến tự nhiên do máy xát vỏ sau phơi khô bị lỗi quy trình xử lý gió, đối với phương pháp chế biến ướt do hiệu chỉnh chưa chính xác. Thường có mùi đất và mốc trong cà phê nếu bị dính lỗi này, xuất hiện 5 vỏ sẽ được tính là một lỗi thứ cấp.

ca-phe-hull-husk
ca-phe-broken-chipped-cut

Broken/chipped/cut
Hạt bị vỡ do máy tách vỏ hoặc trong công đoạn làm khô, thường có màu đỏ do quá trình oxy hóa, rất dễ nhận thấy. Hạt đã bị hỏng vì vậy thường có mùi chua và lên men. Xuất hiện 5 lần sẽ được xem là một lỗi thứ cấp.

Severe insect damage/ slight insect damage
Hạt bị đào khoét bởi côn trùng là bọ cánh cứng hypothenemus hampei, chúng chui vào quả khi quả vẫn còn trên cây, đào sâu vào trong tạo ra một lỗ phía đối diện khoảng 0,3 – 1,5 milimet khiến hạt bị nhiễm khuẩn. Thiệt hại nghiêm trọng (hạt bị khoét 3 lỗ hoặc hơn) xuất hiện 5 lần được tính là một lỗi sơ cấp, thiệt hại nhẹ (hạt bị khoét ít hơn 3 lỗ) xuất hiện 10 lần được tính là một lỗi thứ cấp.

ca-phe-severe-slight-insect-damage
ca-phe-floater

Floater
Hạt cà phê sẽ có màu trắng và độ mờ nhạt rõ rệt, cấu trúc không đặc, nhẹ, nổi trong nước. Lỗi này do bảo quản hoặc làm khô không đúng cách và bị bỏ qua bởi máy phân loại tỷ trọng. Có mùi giống cỏ dại, rơm rạ xuất hiện 5 lần được tính là một lỗi thứ cấp.

Shell
Cấu trúc cà phê bị dị dạng chúng không phải là một thể thống nhất mà lớp ngoài như một vỏ sò lõi bên trong là hình nón hoặc hình trụ. Đây là một hiện tượng tự nhiên do di truyền có thể bị loại bỏ bởi máy phân loại tỷ trọng. Chúng có mùi khói và cháy xuất hiện 5 lần sẽ được tính là một lỗi thứ cấp.

ca-phe-shell

SCA hiện tại chỉ xác định hai loại chất lượng là cà phê đặc sản và cà phê hảo hạng

Specialty grade coffee beans (cà phê đặc sản)

Trong ngành cà phê thuật ngữ “cà phê đặc sản” được sử dụng để mô tả cà phê hạng nhất với số điểm thử nếm từ 80 trở lên, cà phê hạng một sẽ:
– Không có các khuyết tật sơ cấp
– Dưới 5 khuyết tật thứ cấp
– Kích thước sàng phương sai tối đa 5%
– Khi thử nếm những hạt cà phê này cần có một đặc tính riêng biệt ở một trong các vị trí như: độ chua, hương thơm và không bị lỗi, không dập nát, không được phép sử dụng hạt chưa chín độ ẩm phải từ 9 đến dưới 13%.
Cà phê trên 80 điểm thể hiện những đặc điểm hương thơm và mùi vị nổi trội hoặc dễ chịu như cảm giác ngon miệng, mượt mà hoặc sống động. Điểm số và hương vị cụ thể của mỗi loại cà phê sẽ khác nhau tùy thuộc vào hồ sơ rang và khu vực canh tác.

Premium grade coffee beans (cà phê hảo hạng)

Theo định nghĩa cà phê hảo hạng là những hạt nhận được hạng hai trong phân loại nhân xanh chúng có các tiêu chuẩn tương tự như cà phê đặc sản ngoại trừ được phép có tối đa 3 hạt chưa chín và 0-8 khuyết tật. Cà phê hảo hạng được phép chứa một ít khuyết tật có ảnh hưởng đến hương vị cà phê, thường nhận được điểm thử nếm từ 70-79. Cà phê hảo hạng khi được rang bởi những người có chuyên môn vẫn có thể ngon.

Một số tiêu chí khác

Khiếm khuyết

Fungus damage
– Hạt bị hư hỏng do nấm ký sinh xuất hiện các đốm vàng giống như “bột” màu nâu đỏ (là bào tử nấm), chúng sẽ dần bao phủ toàn bộ hạt.
– Nấm aspergillus, penecillium và fusarium có thể bị lây nhiễm ở bất cứ thời điểm nào từ thu hoạch đến bảo quản ở nơi có nhiệt độ và độ ẩm vượt mức từ các vật trung gian như đất hay các bao tải chứa nhân xanh.
– Có mùi lên men, mốc, mùi đất và phenolic.

Foreign matter
– Dị vật bao gồm tất cả các thành phần không phải là cà phê có thể lẫn vào từ bất kỳ công đoạn nào trong quá trình sản xuất hoặc bảo quản. Bao gồm đá, dăm gỗ, đinh, lá cây,…
– Ảnh hưởng đến ngoại quan, gây hỏng thiết bị máu móc pha cà phê hoặc các vấn đề về sức khỏe tiêu dùng.

Immature bean
Cà phê chưa chín hoặc chưa trưởng thành được phân biệt bằng được phân biệt bằng màu xanh nhạt hoặc vàng lục, vỏ lụa dính chặt vào hạt, chúng thường cong và lõm với các cạnh sắc nét. Nguyên nhân do hái không đúng các hoặc quá trình chế biến phân loại không triệt để.

Withered bean
Hạt héo chủ yếu là do thiếu nước (khô hạn) trong quá trình phát triển của cây, hạt héo thường nhỏ và dị dạng hơn với các nếp nhăn như nho khô.

Phân loại theo độ cao

Những hạt cà phê được trồng ở độ cao lớn hơn ghi nhận điểm số đánh giá cảm quan về hương thơm, cảm giác miệng, độ chua, độ cân bằng hương vị và nhận được sự ưa thích cao hơn đáng kể so với hạt được trồng ở độ cao thấp. Ngoài cảm quan thì các nhà khoa học còn ghi nhận được trọng lượng và kích thước hạt cũng tăng theo độ cao, cụ thể là trọng lượng hạt trồng ở độ cao 2.100m nặng hơn khoảng 24% và kích thước trung bình của hạt lớn hơn khoảng 3-7% so với hạt trồng ở độ cao thấp 1.200m so với mực nước biển.
Soft bean (SB), strictly soft bean (SSB) – thuật ngữ được dùng để xác định các loại cà phê trồng ở độ cao dưới 1.200m. Ở những vùng này nhiệt độ kém ổn định và lượng oxy cao hơn đồng nghĩa với quả cà phê sẽ nhanh chín hơn, do đó hạt ít đặc, mềm hơn có xu hướng chua hơn, ít ngọt.
Hard bean (HB), high grown (HG) – là loại cà phê được trồng ở độ cao từ 1.200m đến dưới 1.370m, ở độ cao này không khí với lượng oxy và nhiệt độ thấp quả cà phê sẽ chín chậm hơn, dẫn đến những hạt cà phê cứng, đặc hơn với hương vị phức tạp.
Strictly hard bean(SHB), strictly high grown (SHG) – Là tên gọi cho các loại cà phê được trồng ở độ cao trên 1.370m. 

Phân loại theo phương pháp chế biến

Có rất nhiều công đoạn phải trải qua trước khi có thể thưởng thức được một tách cà phê thơm ngon, bắt đầu từ việc trồng trọt, thu hoạch, chế biến, phơi khô, rang,… Công đoạn chế biến cần được quan tâm và chú ý đến rất nhiều điều bởi vì hạt cà phê rất nhạy cảm, có thể nhanh chóng bị ô nhiễm nếu không được chế biến đúng cách. Chất lượng của cà phê bị ảnh hưởng rất nhiều từ phương pháp chế biến, vì vậy có thể phân loại cà phê theo phương pháp chế biến hỗ trợ người tiêu dùng xác định phương pháp họ yêu thích.
Có ba phương pháp cơ bản được sử dụng phổ biến ở các quốc gia trồng cà phê là chế biến tự nhiên, chế biến ướt và bán ướt.
Chế biến tự nhiên
Đúng như tên gọi của nó, phương pháp này theo truyền thống không sử dụng đến máy móc là phương pháp chế biến lâu đời nhất. Cà phê sau khi được thu hoạch và phân loại sẽ trải qua quá trình phơi khô (không tách vỏ) dưới ánh nắng mặt trời đến khi độ ẩm hạ xuống còn 15%, một số nơi sản xuất sẽ sử dụng sàn sấy đặc biệt với luồng khí phía dưới đảm bảo chất lượng cà phê được đồng nhất mà không phụ thuộc vào thời tiết. Sau khi phơi khô sẽ được xát bỏ vỏ ngoài và được sấy lại đến khi độ ẩm đạt khoảng 12%. Vì khi phơi hạt còn trong quả nên có thêm thời gian cho hạt hấp thụ đường từ chất nhầy, cà phê chế biến theo phương pháp này có độ ngọt cao, ít chua, body dày nhưng lại ít hương thơm hơn so với chế biến ướt

Chế biến ướt
Phương pháp này sẽ phân loại, xát vỏ, sử dụng nhiều nước để rửa sạch nhằm mục đích loại bỏ vỏ và chất nhầy dính trên hạt cà phê chỉ giữ lại lớp vỏ lụa trước khi mang lên giàn phơi. Hàm lượng axit chlorogeric và trigonelline cao hơn chế biến tự nhiên, lượng đường sucrose khoảng 5,07%, axit hữu cơ khoảng 4,96%, protein từ 13-15%, các axit amin tự do từ 0,8-1,4%, axit 5-caffeoylquinic khoảng 67,1%. Công đoạn rửa cà phê làm cho lượng đường trong hạt giảm xuống, axit amin tăng lên góp phần làm tăng hương thơm, độ tinh khiết cao, độ chua sống động.

Chế biến bán ướt
Là sự kết hợp của phương pháp tự nhiên và chế biến ướt, chất nhầy sẽ được phơi khô cùng với hạt gia tăng hương thơm vị ngọt giống như mật ong hoặc đường sau khi phơi khô. Phương pháp này mang đến hương vị êm dịu, chua nhẹ, độ ngọt tự nhiên, hương mía ngọt ngào, body dày, tuy nhiên khó kiểm soát được chất lượng.

Phân loại cà phê nhân xanh ở một số nơi trên thế giới

Brazil

Brazil được biết đến là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, cà phê được trồng hầu hết ở các tỉnh trong nước. Phân loại cà phê ở Brazil có thể nói là hoàn chỉnh và được tiêu chuẩn hóa nhưng không thể áp dụng rộng rãi cho các nước sản xuất cà phê khác, nhũng nơi có sự đa dạng điều kiện canh tác và sản lượng thu hoạch không cho phép phân loại cà phê theo tiêu chuẩn của Brazil. Ở Brazil cà phê có thể được lấy tên từ cảng nơi chúng được xuất khẩu nhưng luôn luôn được lấy tên từ vùng hoặc tiểu bang nơi chúng được sản xuất, có giá trị theo thứ tự Santos, Paraná, Minas, Bahia,… Kích thước sàng đi từ 13 đến 20 đối với flat bean và 9 đến 12 đối với peaberry. Ví dụ: SANTOS Criv. 18/17 tức là chỉ khối lượng cà phê chứa 2/3 sàng 18 và 1/3 sàng 17. Ngay cả cấu trúc xenluso cũng có thuật ngữ riêng thể hiện độ đặc của hạt cà phê.

Strictly soft (SS): Mượt mà và ngọt ngào
Soft (S): Dịu dàng và ngọt ngào
Softish: Có xu hướng dịu và ngọt
Hard: Chát và khô miệng
Hardish: Có xu hướng chát và chua

Hoặc phân loại hương thơm và mùi vị

Mild taste: Độ ngọt êm dịu – vị ngọt sáng
Mild tasted: Có xu hướng ngọt – vị ngọt trung bình
Mild tasted guaranted: Độ ngọt nhẹ nhàng
Good taste: Hương vị thơm ngon
Cup proved: Đã được cupping
Strong coffee: Cà phê đậm, mạnh mẽ
Acid coffee: Cà phê có vị chua từ các axit
Fine drink: Hương vị lành mạnh
Good drink: Hương vị tốt
Rioless: Không phân biệt được hương vị
Free from rio: Không có dấu hiệu tiêu cực
Smokeless: Không có mùi khói

Tiêu chuẩn phân loại được sử dụng lâu nhất ở Hoa Kỳ và Brazil là phương pháp của New York Coffee and Sugar Exchange (Sàn giao dịch cà phê và đường New York), cung cấp 7 loại tiêu chuẩn từ NY2 đến NY8 (NY1 không được sử dụng vì thực tế không có hạt cà phê không khuyết tật tồn tại). Được sử dụng trong nhiều thập kỷ và thuật ngữ được đặt theo tên của hầu hết các cửa hàng ở Santos và Paranaguá (thuộc bang Paraná).
Fancy: Cà phê Brazil loại 1, NY loại 2 (1/2)
Extra prime: 2/3
Raw: 3/4
Superior: 4/5
Good: 5/6
Regular: 6/7
Ordinary: 7/8
Ví dụ:
Santos fancy NY2, type Goldy, large bean, strictly soft, proved cup, fine drink. Shipper: JA Goldschmidt, Brazil
Hoặc:
Paraná, prime NY3/4, type Prata, bourbon, Orig.Londrina harvest 1968/69, Criv. 17/18, softish, good taste, Caric JA Goldschmidt, Brazil

Đọc thêm: Ngành cà phê Brazil khởi đầu từ một bó hoa oải hương

Colombia

Các khu vực sản xuất cà phê chính ở Colombia nằm trên dãy núi lửa Andes theo thứ tự quan trọng là Caldas, Quindio, Antioquia, Cundinamarca, Tolima, … Điều kiện canh tác cà phê ở đây rất lý tưởng với đất andosols, khí hậu ôn hòa, độ cao từ 1.400 – 2.000m so với mực nước biển. Do địa hình đa dạng 97% tổng sản lượng cà phê thu hoạch bởi các gia đình nhỏ. Để xác định giá trị thương mại cần trải qua một cuộc kiểm tra bởi Liên đoàn Quốc gia những người trồng cà phê Colombia.
Supremo: Hạt to và không có hạt caracol (peaberry)
Excelso: Hạt trung bình, hạt ngắn có thể chứa caracol

Đất núi lửa tạo ra hương vị độc đáo của cà phê Colombia

Kenya

Cà phê Kenya chủ yếu được trồng ở các vùng Kiambu, Thika, Ruiru, Mitubiri, Makuyu, … hầu hết đều ở độ cao từ 1.500 đến 2.000m so với mực nước biển. Hạt cà phê ở Kenya được đánh giá theo kích, màu sắc, hình dạng nhân xanh, ở Kenya người ta tin rằng hạt cà phê lớn hơn sẽ có nhiều tinh dầu và hương thơm mãnh liệt hơn.

E (Elephant): Sẽ có kích thước lớn hơn 8mm tương đương với cỡ sàng 20 là những quả cà phê chỉ có duy nhất một hạt (đây là khiếm khuyết về di truyền)
PB: Hạt cà phê PB là hạt cà phê peaberry với một hạt bên trong quả cà phê thay vì hai hạt thông thường, và hạt peaberry chiếm khoảng 5-10% hạt cà phê Kenya, hay hiểu theo cách khác thì hạt Kenya PB nếu có kích thước to sẽ được gọi là Kenya E
AA: Sẽ có kích thước hạt khoảng 7.2mm, cỡ sàng 17/18 được coi là trong những loại cà phê specialty ngon trên thế giới. 
AB: Có kích thước hạt khoảng 6.6mm, cỡ sàng 15/16, mặc dù không được đánh giá cao như Kenya AA, tuy nhiên Kenya AB cũng được ưa chuộng và đánh giá như một loại cà phê chất lượng cao. 
C: Là những hạt có kích thước nhỏ tương đương với sàng 14/15.
TT: Là hạt được phân loại dựa vào khối lượng từ Kenya AB và Kenya AA, vì hạt nhẹ hơn sẽ bị dòng không khí thổi ra trong lúc phân loại.
T: Là bao gồm hạt cà phê nhỏ, hạt bị vỡ, hoặc là những hạt bị loại ra từ Kenya TT, và sẽ có cỡ sàng khoảng 6/10

Những quả cà phê rụng sẽ được thu gom lại và được chế biến khô do đó chất lượng hương vị sẽ thấp hơn rõ rệt, trong phân loại hạt sẽ được chia thành:

  • MH – M’buni Heavy: là hạt có kích cỡ lớn
  • ML – M’buni Light: là hạt có kích cỡ nhỏ

Trong hệ thống phân loại của cà phê xanh Kenya sẽ thể hiện về mặt kích cỡ và khối lượng của hạt cà phê mà chưa có sự tương đồng về mặt chất lượng nên cần thêm sự kết hợp với thang điểm cupping để có thể đánh giá cụ thể hơn.

Ethiopia

Các chỉ số phân loại theo tiêu chuẩn chính thức và phải ghi rõ xuất xứ của hàng hóa, ví dụ: Harra, Sidamo, Limu, Lekempty, Geisha,… với các tiêu chuẩn sau:
Grade 1: Ít hơn 3 khuyết tật
Grade 2: Có từ 4 đến 12 khiếm khuyết
Grade 3: Từ 13 đến 25
Grade 4: Từ 26 đến 45
Grade5: Từ 46 đến 100

Cà phê Ethiopia nằm trong danh sách tiêu chuẩn grade 1-5 với không quá 100 khuyết tật và chỉ theo tiêu chuẩn này mới được phép đánh dấu trên bao với ký hiệu UGQ (Usual Good Quality). Đối với phương pháp chế biến ướt đặc biệt là cà phê Harra, còn được áp dụng bởi phương áp ước tính theo độ dày và chiều dài của hạt:

Mocha harra longberry: Hạt thuôn dài
Mocha harra: Quả ngắn, hạt ngắn

Tất cả cà phê Ethiopia đều tùy thuộc vào nguồn gốc của quận, lấy tiền tố là Mocha. Ví dụ: Mocha Harra, Mocha Sidamo, …

Uganda

Tất cả cà phê xuất khẩu tại Uganda đều phải chịu sự kiểm soát của CMB The Uganda (The Coffee Marketing Board Uganda) có trụ sở tại Kampala là cơ quan chứng nhận. Cơ quan này sẽ ấn định giá sản xuất, bất kể tình hình thị trường toàn cầu, giám sát tiêu chuẩn xuất khẩu cà phê, lấy mẫu thử và phê duyệt chất lượng trước khi đóng gói. Độ ẩm không quá 12,5%.

Uganda robust n.5 hoặc Impala (Superieur big): Tối thiếu kích thước hạt sàng 18 được xử lý và làm sạch, hạt khô, đẹp về hình dạng, không có dấu vết của nấm mốc, không có lớp vỏ trấu hoặc dị vật, ít hơn 5% khiếm khuyết, dưới 1% full black/ partial black, hull/ husk.
Uganda robust standard grade 10: Hạt đạt tiêu chuẩn sạch, khô, không có vết mốc, không chứa hơn 10% hạt lỗi, 2% full black, 1% hull và không quá 10% dị vật.
Uganda robust standard grade 20: Hạt đạt yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn sạch, khô, đẹp mắt, không nấm mốc, không chứa hơn 20% hạt lỗi, 1% hạt vỏ, 5% hạt rỗng và không quá 0,5% trọng lượng tạp chất, không quá 2,5% vỏ.
Uganda robust FAQ: Hạt trung bình tốt trong năm, không qua sàng lọc, đã qua xử lý làm sạch, khô, không có dấu hiệu của nấm mốc, từ 25 đến dưới 50% hạt lỗi, 1 đến 2% hạt shell, không quá 0,5% thành phần không phải là cà phê.

Kết luận

Lỗi ở hạt luôn ảnh hưởng đến chất lượng của một mẻ cà phê, để loại bỏ chúng cà phê phải trải qua rất nhiều bước sàng lọc, tốn kém không ít chi phí và công sức. Không chỉ những người sơ chế mà ở bất kỳ giai đoạn nào cũng nên quan tâm đến chất lượng cà phê, có kiến thức cơ bản về hệ thống phân loại, để phần nào đó nhận định được loại cà phê mình đang sử dụng. Không còn hoang mang vì sao tách cà phê hôm nay của mình đột nhiên có những hương vị kỳ lạ không hề dễ chịu.

Nguồn tham khảo

  • Ramalakshmi, K., Kubra, I.R. and Rao, L.J.M. (2007). Physicochemical Characteristics of Green Coffee:Comparison of Graded and Defective Beans, Journal of Food Science, 72, S333-S337.
  • Sivetz, M. and Desrosier, N.W. (1979). Coffee Technology. Westport ,CO: Avi Publishing Co.
  • Dutra, E.R., Oliveira, L.S., Franca, A.S., Ferraz, V.P. and Afonso, R.J.C. (2001). A preliminary study on the feasibility of using the composition of coffee roasting exhaust gas for the determination of the degree of roast. Journal of Food Engineering, 47, 241–246.
  • Clarke, R.J. (1987a). Roasting and Grinding. In R.J. Clarke and R. Macrae (Eds.), Coffee Vol. 2: Technology (pp. 73- 107), London: Elsevier Applied Science.
  • Clarke, R. J. (1987b). Grading, Storage, Pre-treatments and Blending. In R.J. Clarke and R. Macrae (Eds.), Coffee Vol. 2:  Technology (pp. 35-58.), London: Elsevier Applied Science.
  • SPECIALTY COFFEE ASSOCIATION OF AMERICA ARABICA GREEN COFFEE defect handbook.
  • Adugna Debela Bote, Jan Vos. 2017. Tree management and environmental conditions affect coffee (Coffea arabica L.) bean quality. NJAS – Wageningen Journal of Life Sciences 83 (2017) 39–46 
  • SPECIALTY COFFEE ASSOCIATION OF AMERICA ARABICA GREEN COFFEE defect handbook
  • www.royalcoffee.com/green-coffee-analytics-part-ii-screen-size/



Bài viết liên quan

Liệu rằng vị ngọt có tồn tại trong tách cà phê? 

Mục lục bài viếtPhân loại theo kích thước và hình dạngPhân loại khiếm khuyết theo tiêu...

Sự kỳ diệu của hóa học đằng sau tách cà phê

Mục lục bài viếtPhân loại theo kích thước và hình dạngPhân loại khiếm khuyết theo tiêu...

Tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê

Mục lục bài viếtPhân loại theo kích thước và hình dạngPhân loại khiếm khuyết theo tiêu...

Sự khác biệt khi rang hạt cà phê robusta và arabica

Mục lục bài viếtPhân loại theo kích thước và hình dạngPhân loại khiếm khuyết theo tiêu...