CFRR- Trong giới mỹ thuật Việt Nam đương đại, Bùi Tiến Tuấn có lẽ là một trong những họa sĩ hiếm hoi mà những nàng thơ trong tranh được phép ‘chễm chệ’ ở nhiều không gian quán cà phê như thế.
Ở Việt Nam, nhiều người vẫn nói bán căn nhà dễ dàng hơn bán một bức tranh. Bởi suy cho cùng, nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng vẫn còn là cái gì đó xa lạ với số đông dân Việt; đa phần người Việt còn phải chạy lo cơm áo gạo tiền, tỷ lệ người đủ sống, khá giả còn rất ít. Ngay cả du học sinh Việt ra nước ngoài, đa số sẽ chọn các ngành hot hit, dễ hái ra tiền như tài chính, y học, ngân hàng, công nghệ… chắc chỉ vài % chọn các ngành liên quan nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng.
Thế nên, thay vì là một món thư giãn sau giờ giải lao, họa phẩm trở thành món trang sức đẹp đẽ, để những người dư dả dùng tôn vinh lên sự hào nhoáng của mình. Dĩ nhiên là vẫn có những nhà sưu tập thật sự, thật tâm có kiến thức, hiểu biết về hội họa nhưng không quá nhiều…
Những “nàng thơ” giá chỉ 20USD
Hội họa đã khó, họa sĩ Việt đã hiếm, họa sĩ chân chính sống được với nghề của mình tại Việt Nam càng hiếm, vì đa số chọn chạy theo số đông thị trường. Rất may, luôn có những kẻ lì đòn, ôm khư khư đam mê và may mắn nhận được thành quả đáng ngưỡng mộ, ví dụ là họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.
Bùi Tiến Tuấn kể rằng bản thân từng “bấm bụng” bán tranh giá rẻ khoảng 20USD, 50USD… đến bây giờ anh là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi tại Việt Nam có thể sống hoàn toàn “nhờ” tranh của mình, chứ không phải làm những việc khác để nuôi đam mê, nuôi tâm hồn nghệ sĩ, nuôi tranh. “Lì rồi trời thương, nên sống được, chứ tôi không biết làm nghề”, Bùi Tiến Tuấn nói.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, người viết chưa thấy anh ngừng vẽ bao giờ. Ngay giữa lúc COVID-19 nhảy múa tại Sài Gòn, hồi tháng 5-2021 anh vẫn khai mạc triển lãm cá nhân lần thứ 11 Nguyệt sáng sương trong.
Nhân vật chủ đề mà Bùi Tiến Tuấn đeo đuổi là phụ nữ, một nàng thơ vị thành niên e ấp nằm chải tóc/hái hoa, một nàng thơ ma mị thu mọi ánh nhìn trong club, một nàng thơ đỏng đảnh trườn trên bàn bida, bò ở phòng riêng hay lơ lửng trên mặt nước, hoặc người nàng thơ đu đưa sắp trượt ngã ở ngưỡng cửa nào đó của cuộc đời… Đa số các nàng đều tự do khoe vẻ đẹp trần trụi của mình trên lụa.
Những “nàng thơ” trần trụi có giá
Trần trụi nhưng không trần tục, cũng là một thành công của tác phẩm của Bùi Tiến Tuấn. Vì vẽ một cô gái mặc đủ quần áo mà khiến người xem thấy gợi cảm, nóng trong người đã rất khó, nhưng vẽ trần trụi mà khiến người xem thấy ngọt ngào, tươi trẻ, muốn nâng niu, tôn thờ hơn là nặng nề dục tính cũ kỹ càng khó khăn hơn.
Hình ảnh các cô gái rũ rượi chơi đùa với thanh xuân trong tranh anh mong manh như sương mai, không ai nỡ chạm, như lại khơi dậy rất nhiều bản năng sở hữu.
Ngoài ra, có lẽ người ta cũng tò mò với các tư thế của “mẫu” trong tranh Bùi Tiến Tuấn, các nàng dường như không có xương, tự do tuyệt đối khi sử dụng thân thể của mình – điều này cũng khiến cho tranh Bùi Tiến Tuấn nhìn mềm mại hơn trên các chất liệu khó mà anh yêu thích: giấy dó, lụa… Đặc biệt là lụa – một chất liệu vẽ khó trong mắt những người có chuyên môn, có thời gian gần như là thất truyền tại Việt Nam.
Một họa sĩ gạo cội nói về tranh lụa: “Đặc điểm của tranh lụa là bút sa gà chết, không thể sửa chữa, do đó nó đòi hỏi sự cẩn trọng, nhưng cẩn trọng mà vẫn phải rung rinh, thanh thoát, tạo nên hồn cốt của tác phẩm.”
Tác phẩm của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn trong triển lãm Lụa (tập thể) 2022 tại Ánh Dương Art-space (Hà Nội).
Nhà phê bình Đặng Thân từng phê bình tranh Bùi Tiến Tuấn: “Xét qua các nước, ta dễ nhận ra sự vượt thoát và “tiến hóa” trong lụa Bùi Tiến Tuấn. Quả là một hơi thở nhẹ, không u tịch hoa mơ như lụa truyền thống Việt, không nặng nề khốc liệt như lụa shunga Nhật, cũng không diêm dúa nộn sắc như xuân cung họa Trung Hoa, và cũng không quằn quại nhân kiếp như trong biểu hình Egon Schiele. Một luồng hơi thở nhẹ phát tiết ra từ bao năm luyện công thâm hậu các môn phái, lặng lờ trôi như thiên nga kia, nhẹ như chiếc lá, nhưng ai biết dưới mặt nước đôi chân nó đạp cả trăm lần mỗi phút.”
Và những “nàng thơ” chễm chệ ở những vị trí đẹp nhất của quán cà phê
Cà phê luôn là thứ gắn liền với người Việt suốt chiều dài lịch sử đầy thấp thỏm, có người còn đùa Việt Nam là cường quốc cà phê vì mật độ quán cà phê ở mọi miền đất nước hiện nay. Người ta bán cà phê ở mọi nơi, từ những chiếc xe di động đến những sân vườn rộn tiếng chim, rồi những căn biệt thự nguy nga đài các.
Người uống cà phê cũng đủ mọi tầng giai tầng, từ chú bán vé số, anh tài xế xe ôm đến doanh nhân bạc tỷ, từ cô bán bún ở chợ tới cô chiêu dòng dõi quý tộc. Và cà phê cũng có đủ loại: trộn bơ, bắp, trộn hương liệu, pha chế công phu bằng máy đời mới, cẩn thận từng bước hoặc luộc trên nồi nhôm xưa cũ… Gu cà phê của người Việt ngày càng nâng cao, từ một ly nước dão màu đen, nay đã có ngày càng nhiều người biết phân biệt cà phê thật và giả.
Những điều này phải chăng cũng tương tự như hội họa… Để tranh và cà phê gặp nhau, có lẽ đầu tiên là cần có những người chủ quán cà phê có máu nghệ thuật, có tư duy hiện đại và quan trọng là có tiền.
Có máu nghệ thuật để chọn tranh thay vì những thứ khác để trang trí khoảng tường trống trải – đối với một người bình thường, có lẽ ngó một chùm đèn chớp tắt còn lung linh hơn là một bức tranh nằm im, không nói không nhúc nhích.
Có tư duy hiện đại để tôn trọng công sức của người nghệ sĩ, như người viết nói ban đầu: mỹ thuật, họa tác vẫn là những thứ mới mẻ đối với nhiều người Việt, nên việc tôn trọng họa tác gốc càng… mới mẻ hơn.
Đa số tranh được mua, trưng bày ở Việt Nam là tranh chép, có khi rẻ tiền, có khi mắc tiền hơn cả tác phẩm thật. Có tiền, dĩ nhiên là để mua tranh và xây một nơi để đựng tranh. Vì không thể để một bức tranh lụa mềm mại lên cái tường đầy vết nứt và tơ nhện được, không thể để khách uống cà phê trên ghế nhựa để ngắm một bức tranh đẹp, cái nóng oi bức rát mặt của mùa hè nhiệt đới cũng sẽ dễ làm hư tranh lẫn tâm tình của người uống cà phê.
Nếu không có những chủ quán như vậy, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những bức tường được lấp đầy bởi sự sao chép, thiếu sáng tạo như thường thấy.
Người Việt sẽ tin rằng những mảng màu làm bừng sáng góc phòng chỉ có ở các quán cà phê tại kinh đô ánh sáng Paris đầy hoa lệ, chứ không phải ở một quán cà phê nép mình trong một con hẻm Sài Gòn. Những thứ độc nhất vô nhị không dành cho người Việt. Dầu Việt Nam có nhà thiết kế, có kiến trúc sư, có họa sĩ, có hàng triệu người làm nghề sáng tạo…
Thật may mắn cho Bùi Tiến Tuấn và các họa sĩ tại Việt Nam, những chủ quán như trên ngày càng nhiều tại Việt Nam. Riêng những người yêu hoặc muốn ngắm các nàng thơ của Bùi Tiến Tuấn thì có thể dễ dàng ngắm ở các quán cà phê RuNam (Sài Gòn, Hà Nội), The Ghé (Sài Gòn), The Married Beans (Đà Lạt)… với những ly nước chưa tới $10USD. Và những nàng thơ trong tranh của Bùi Tiến Tuấn ở đó cũng thật vô giá…
Còn gì an ủi hơn khi đang muộn phiền vì cô đơn, vì trời mưa nắng thất thường, vì hợp đồng làm ăn trục trặc, vì người yêu cũ có người yêu mới, vì người mình ghét đang vui, vì trống vắng, vì đang trong một mối quan hệ “gian gian díu díu mập mờ”… thẩn thờ nhìn lên khoảng tường, có một nàng thơ nõn nà đang vô tư phô bày nữ tính và đá lông nheo với mình? Ai mà không yêu cái đẹp, đúng không?