CFRR – Brazil là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, cà phê Brazil ngọt ngào, hương thơm phức tạp và mượt mà. Người Brazil yêu cà phê đến nỗi họ có những bài hát dành cho cà phê.
Brazil là quốc gia có diện tích lớn thứ năm thế giới và lớn nhất về diện tích trồng trọt (khoảng 344 triệu ha). Sở hữu hàng loạt các điều kiện địa lý và khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp bao gồm cường độ ánh sáng mặt trời, sự dồi dào của thổ nhưỡng và tài nguyên nước cũng như quần xã sinh vật. Khí hậu đa dạng các vùng xích đạo, nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới, bán hoang mạc đưa Brazil trở thành một trong những quốc gia sản xuất – xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất bao gồm đường, nước cam và cà phê. Hơn 2 triệu ha đất của Brazil được dành riêng để trồng cà phê, sản xuất trung bình 43 triệu bao mỗi năm trong đó ít nhất là 70% hạt arabica, các trang trại cà phê với quy mô đa dạng từ đồn điền do gia đình tự quản diện tích dưới 10 ha đến các điền trang lớn trên 2 nghìn ha.
Lịch sử khởi nguồn từ một bó hoa
Hầu hết cà phê trên thế giới được sản xuất ở Mỹ Latinh đặc biệt là ở Brazil, tuy nguồn gốc không xuất phát từ nước này nhưng Brazil đã thống trị cà phê thế giới kể từ năm 1840. Cà phê được đưa vào Brazil từ Guiana, Pháp bởi Trung sĩ Thiếu tá Francisco Mello Palheta qua thành phố Belém thuộc bang Pará năm 1727 trong một cuộc tranh chấp biên giới. Những nhà cầm quyền Pháp và Hà Lan ở Guiana đã yêu cầu một Trung sĩ Thiếu tá gốc Bồ Đào Nha và Brazil tên Francisco de Mello Palheta đứng ra làm trung gian phân xử. Trong khi người Pháp từ chối chia sẻ cây cà phê độc quyền thì Palheta lại đến Cayenne với ý định buôn lậu những cây cà phê xa xỉ đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Không thuyết phục được Thống đốc Cayenne anh ta nhanh chóng chuyển sang quyến rũ vợ của ông ta – Phu nhân Madame D’Orvilliers và trong lễ bế mạc trước khi rời đi, chiến tích đa tình của Palheta đã thành công phu nhân tặng anh một bó hoa oải hương chứa các hạt giống cà phê được giấu bên trong. Palheta đã trồng những hạt giống trên đất Paraná quê nhà, cà phê được nhân rộng về phía nam trở thành tổ tiên của ngành cà phê Brazil.
Phu nhân Madame D’Orvilliers trao cho Palheta một bó hoa chứa các hạt giống cà phê giấu bên trong
ảnh: casabrazilcoffees
Những đồn điền đầu tiên
Canh tác cà phê đã gia tăng đáng kể trong suốt quá trình phát triển kinh tế và lịch sử Brazil, đặc biệt là về địa điểm sản xuất. Khu vực trồng cà phê đầu tiên ở Brazil là phía bắc bang Pará, đến năm 1770 dịch chuyển về Rio de Janeiro và São Paulo hoạt động buôn bán chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhỏ sang Mỹ, Châu Âu. Khi nhu cầu của hai vùng này tăng lên, tạo ra sự bùng nổ đầu tiên chu kỳ kéo dài từ năm 1830 đến năm 1850 góp phần làm giảm chế độ nô lệ và tăng cường công nghiệp hóa, đợt bùng nổ này lan nhanh đến Serra de Mantiqueira, Santos, sau đó được mở rộng sang miền nam Minas Gerais, Espírito Santos, Paraná và thậm chí là khu vực phía bắc Brazil bang Rondônia. Trong suốt thời kỳ mở rộng này, nền kinh tế Brazil kết hợp chặt chẽ với kinh tế cà phê và thị trường cà phê được điều tiết chặt chẽ bởi Chính phủ Liên ban Brazil cho đến giữa những năm 1990.
Lao động nô lệ ở Brazil
Trong suốt 350 năm chế độ nô lệ là trung tâm của nền kinh tế Brazil, xây dựng dựa trên sự nô dịch của các dân tộc bản địa và hàng triệu nô lệ da đen, hầu hết được đưa đến từ các vùng Bantu của bờ biển Đại Tây Dương, Mozambique (Châu Phi), những người này thường sống trong các bộ lạc. Nô lệ đóng vai trò quan trọng đến nỗi Ina von Binzer – một nhà giáo dục người Đức sống ở Brazil vào những năm 1800 đã viết: “Ở đất nước này người da đen chiếm vai trò chính, họ chịu trách nhiệm về tất cả nguồn lao động và sản xuất ra của cải trên vùng đất này,…”.
Trước khi người Châu Âu đến Brazil bắt đầu thời kỳ thuộc địa các nhóm người bản địa Papanase Guaianases, Tupinambás, Cadiueus đã bắt giữa các thành viên của bộ lạc khác làm nô lệ như những chiến tích cho sức mạnh võ thuật của họ. Sau khi người Bồ Đào Nha lần đầu đến Brazil vào những năm 1500 sản xuất thương mại gặp khó khăn trong một lục địa mới mẻ và rộng lớn và nô lệ bản địa nhanh chóng được chuyển nhượng cho nhu cầu lực lượng lao động nông nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp đang phát triển. Do áp lực từ thực dân những nhà “thám hiểm nô lệ” thâm nhập đều đặn về phía tây để tìm kiếm nô lệ Ấn Độ và tiêu diệt những cộng đồng bản địa không chịu sự cai trị của Bồ Đào Nha. Thời điểm này thực dân tập trung khai thác kim loại, đá quý và đồn điền đường.
Do nô lệ bản địa (thổ dân Châu Mỹ) đã quá quen thuộc với vùng đất này họ sẽ có khả năng trốn chạy khỏi chủ nô và tuổi thọ của họ rất thấp làm việc quá sức và bệnh tật làm suy giảm nô lệ bản địa, từ những năm 1570 nô lệ Châu Phi bắt đầu được thay thế.
Đồn điền cà phê lần đầu được thành lập vào năm 1770 ở Rio de Janeiro, đến những năm 1800 sản xuất cà phê bùng nổ sản lượng phần lớn được thúc đẩy bởi lao động nô lệ với ước tính khoảng 5 triệu nô lệ Châu Phi. Bước sang một kỷ nguyên mới của nhân quyền việc bãi bỏ chế độ nô lệ đã sắp diễn ra từ 1826 với việc ký kết Hiệp ước Anh – Brazil, Hiệp ước này sẽ chấm dứt chế độ nô lệ vào 1830 nhưng phải mất hơn 50 năm cùng nhiều đạo luật khác được đưa ra, các cuộc kháng chiến, cuộc nổi dậy bỏ trốn của nô lệ và công cuộc thay đổi ý thức hệ năm 1864 trong chiến tranh Paraguay, nhiều nô lệ đã chứng tỏ được khả năng của họ trên chiến trường, một nhận thức khiến các sĩ quan nghi ngờ về chế độ nô lệ và không muốn thực hiện “trách nhiệm quân đội” là thu hồi những nô lệ bỏ trốn. Đến năm 1888 mới được chính thức chấm dứt hợp pháp trên toàn quốc khi Công chúa Hoàng gia Brazil ban hành “Đạo Luật Vàng” (Lei Áurea).
Ngoài sự thúc ép từ chính phủ Anh, cộng đồng tiêu thụ cà phê quốc tế như Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đã phản đối các hoạt động nhập khẩu “cà phê được sản xuất bởi nô lệ”, là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Brazil, Hoa Kỳ có lợi thế nhất có thể gây áp lực cho chính phủ Brazil nhằm tăng cường nỗ lực chống lại chế độ nô lệ hiện đại. Trong khi đó những người uống cà phê trên khắp thế giới cũng kêu gọi tẩy chay các công ty cà phê có nguồn gốc “phi đạo đức”.
Vùng trồng cà phê chính ở Brazil
Brazil chia thành 26 bang và trong số này có một nửa (13 bang) là đồn điền hoặc trang trại cà phê nhưng chủ yếu được trồng ở vùng đông nam của đất nước như Bahia, Espírito Santos, Minas Gerais, Paraná, Rondônia và São Paulo các khu vực này sản lương cà phê chiếm 90% sản xuất trong nước.
Bang Minas Gerais (1.033.000 hectare)
Chịu trách nhiệm sản xuất một nửa sản lượng cà phê cả nước, Minas Gerais tự hào có một môi trường lý tưởng để trồng cà phê nhờ đa dạng bề mặt địa hình, điều kiện khí hậu và mô hình sản xuất. Sản xuất cà phê chuyên nghiệp, cơ giới hóa các trang trại cỡ vừa và nhỏ. Bang có bốn vùng sản xuất cà phê chính gồm: Cerrado de Minas, Chapada de Minas, Matas de Minas và Sul de Minas được biết đến với nhiều giống cà phê như catuaí (và catuaí rubi), obatã, icatum, mundo novo
Cerrado de Minas – vùng trung du của Brazil – một trong những thảo nguyên giàu có nhất thế giới về đa dạng sinh học nằm ở phía tây bắc của bang Minas Gerais. Tất cả các thị trấn trong khu vực này đều nằm ở độ cao từ 800 – 1.300m so với mực nước biển, có mùa hè ẩm ướt và mùa đông ôn hòa rõ ràng. Cho phép sản xuất cà phê đặc sản cao cấp, cà phê ở đây thiên nhiều về vị chua của cam quýt tinh tế, hương thơm đậm đà với các nốt hương caramel và các loại hạt, độ ngọt và body ở mức trung bình, tuy nhiên mang lại cảm giác thơm miệng như mùi kem sô-cô-la, dư vị kéo dài. Mặc dù cà phê chỉ đến Cerrado cách đây 40 năm nhưng 90% các trang trại ở đây có quy mô từ trung bình (200 – 300 ha) đến các đồn điền lớn, các giống được trồng chủ yếu là bourbon, acaiá, catuí, icatu, mundo novo, catucaí.
Chapada de Minas – là một khu vực nhỏ ở phía đông bắc bang Minas Gerais được biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên, sự phong phú về văn hóa và những loại cà phê tuyệt vời mà nó mang đến. Một cao nguyên và thung lũng mà các trang trại cà phê tọa lạc, có thảm thực vật kết hợp đồng cỏ cerrado đặc trưng với rừng Đại Tây Dương mang đến sự đa dạng sinh học. Độ ẩm tương đối cao, khí hậu tương tự như ở Trung Mỹ nhiệt độ trung bình từ 16 – 22 độ C, độ cao thay đổi 800 – 1.300m cùng những trận mưa lớn xen kẽ với thời kỳ khô hạn, vừa đủ để cây cà phê phát triển. Những người dân trồng cà phê ở đây đi đầu trong nỗ lực kinh tế bền vững bằng cách trồng cà phê dưới bóng mát của cây bạch đàn, cây gỗ gụ vừa giúp giảm cường độ ánh sáng mặt trời lên cây cà phê vừa tái tạo rừng và bảo vệ nguồn nước. Hạt cà phê ở đây cũng tương tự như Cerrado có hàm lượng axit cao, độ ngọt vừa phải và hậu vị sô-cô-la kéo dài.
Matas de Minas – Ẩn mình trong rừng Đại Tây Dương là một trong những vùng canh tác cà phê truyền thống của Brazil nơi các trang trại tọa lạc bên các sườn núi và thung lũng. Khu vực này rộng lớn bao phủ bao phủ một vùng phía đông nam Minas Gerais, diện tích canh tác khoảng 275 nghìn ha ước tính có 36 nghìn nông dân trồng cà phê, chạy từ biên giới Espíritio Santos, Rio de Janeiro về phía tây và giữa tiểu bang bao gồm cả các thị trấn nổi tiếng như Manhuaçu,Viçosa, Araponga, Alto, Caparaó. Matas de Minas là một vùng ẩm ướt rất tốt cho sự phát triển của cà phê và rừng nhưng không tốt cho quá trình thu hoạch, vì hạt cà phê phải được phơi khô trước khi bảo quản. Vì khó khăn này Matas de Minas đã có những tiến bộ trong công nghệ như việc thực hiện phương pháp chế biến bán ướt. Hạt cà phê sau khi tách bỏ lớp vỏ và sơ chế chất nhầy theo nhu cầu sản xuất sẽ được đưa vào máy ly tâm để loại bỏ độ ẩm dư thừa và đưa ra sân phơi hoặc đưa vào máy sấy nếu độ ẩm quá cao. Điều kiện canh tác ở đây cho ra một ly cà phê với body dày, độ chua rõ ràng, vị ngọt cũng nổi bật với hương cam quýt, cây hương thảo và hậu vị sô-cô-la.
Sul de Minas – Là một vùng cà phê rộng lớn ở miền nam Minas Gerais bao gồm nhiều vùng vi khí hậu ôn hòa với nhiệt độ ổn định 22 độ C. Đây là trái tim của ngành công nghiệp cà phê chiếm 30% tổng sản lượng cà phê arabica của Brazil, độ cao trung bình 950 so với mực nước biển. Với truyền thống sản xuất cà phê hàng thế kỷ, các thành phố ở đây cũng được xây dựng dựa trên nền kinh tế cà phê mang lại cảm giác sâu lắng như Três Pontas, Varginhar, Santo Antônio do Amparo, Machado, Poços de Caldas và nhiều thành phố khác. Hương vị cà phê đặc trưng ở vùng này là hạt hạnh nhân, sô-cô-la, mùi quả mơ ngọt và chua dịu.
Bang Espíritio Santo (400.000 hectare)
Bang Espíritio Santo là một trong những bang nhỏ nhất Brazil nhưng lãnh thổ lại bao gồm một bức tranh thơ mộng với các dãy núi hùng vì đến các vùng ven biển Đại Tây Dương. Độ cao trung bình từ 900 – 1.200. Khí hậu nhiệt đới với năm con sông chính là Doce, São Mateus, Itaúnas, Itapemirim và Jucu đảm bảo đủ nước cho các đồn điền. Là vùng cung cấp cà phê robusta lớn nhất cả nước chủ yếu là giống conilon. Các nhà sản xuất cà phê đặc sản ở Capixaba chủ yếu nhập cư lâu đời từ Ý hoặc Đức sở hữu diện tích canh tác nhỏ từ 5 – 20 ha nằm trên những ngọn đồi dốc vì vậy hầu hết vụ thu hoạch đều được hái bằng tay với tỷ lệ trái chín cao, chỉ những quả mọng nhất mới được cẩn thận hái vào. Địa hình không bằng phẳng với nhiều dốc nên việc canh tác phụ thuộc nhiều vào lao động thủ công, có tính chọn lọc cao khi hái và phân loại cà phê. Cà phê ở đây được chế biến theo phương pháp ướt hoặc bán ướt, do môi trường ẩm ướt nông dân đã áp dụng các hệ thống sấy mới và nhà kính để điều chỉnh tốt hơn và chất lượng cao hơn vượt qua thử thách không khí nồm ẩm. Hương hoa xuất hiện trong cà phê Espíritio Santo, trái cây nhiệt đới ngọt ngào (nhu nho) và độ chua giòn giống như táo hoặc dứa, hậu vị caramel phong phú.
Bang São Paulo (206.000 hectare)
São Paulo lọt vào danh sách những bang sản xuất cà phê nhiều nhất Brazil do đây là quê hương của cảng Santos, cảng xuất khẩu cà phê chính của đất nước cũng là quê hương của hai khu vực trồng cà phê chất lượng cao Mogiana và Centro-Oeste de São Paulo.
Mogiana – Nằm ở phía bắc bang São Paulo, là một trong những vùng có văn hóa và tập quán trồng cà phê lâu đời kéo dài hơn 200 năm, được biết đến là khu vực có độ cao và khí hậu đồng nhất khoảng 20 độ C. Các giống arabica mundo novo và catuí được trồng ở độ cao 900 – 1000m với khoảng 47 nghìn ha đất chuyên canh tác cà phê. Địa hình hiểm trở và khí hậu ôn hòa đã tạo ra cà phê với một chút caramel, sô-cô-la và các loại hạt (như đậu phộng, óc chó), ngoài ra còn có độ chua tốt với hương trái cây ngọt ngào, hậu vị táo đỏ.
Centro-Oeste (vùng trung tây São Paulo) – Khu vực này gồm bốn thành phố Marilia, Garça, Ourinhos, Avaré vùng này nhiều cao nguyên và đồi núi hiểm trở, chủ yếu là các đồn điền với quy mô vừa và nhỏ. Centro Oeste cũng là một trong những vùng chịu trách nhiệm phần lớn về sản lượng cà phê trong nước, cà phê từ vùng này thường có vị đậm đặc, cà phê ở đây thường được rang đậm để gia tăng hậu vị cacao, sô-cô-la.
Bang Bahia (108.000 hectare)
Khi nhắc đến bang Bahia có thể dễ dàng liên tưởng đến những bãi biển xinh đẹp và thời tiết ấm áp, cách Salvador (thủ phủ của bang Bahia) 600km về phía đông bắc sẽ tìm thấy Piatã một thị trấn nổi tiếng với hạt cà phê giành được các giải thưởng quốc tế danh giá. Piatã nằm giữa hai dãy núi và gần với Vườn quốc gia Chapada Diamantina nơi cao nhất của bang với độ cao từ 1.200 – 1.400m so với mực nước biển, nhiệt độ ôn hòa thay đổi từ 10 – 26 độ C khiến Piatã trở thành vùng trồng cà phê rất đặc biệt ở Brazil. Khí hậu của Piatã làm chậm tốc độ chín của quả cà phê đó là lý do tại sao hạt có thể chứa nhiều đường và có mặt trong cuộc thi quốc tế Cup of Excellence (COE) năm 2009, 2014, 2015. Hương vị cà phê ở vùng này ngọt sâu và phức tạp, body mềm mượt với hương mơ, hạnh nhân, thanh mát và mọng nước của quả lê được cần bằng bởi vị ngọt của mật mía,…
Bang Paraná (36.000 hectare)
Trong lịch sử Paraná đã từng là nơi trồng cà phê đầu tiên và mạnh nhất cả nước được thúc đẩy bởi đất đai màu mỡ của khu vực cũng như sự nhập cư của người dân Ý, Nhật Bản và các nơi khác, nhưng điều đó đã thay đổi kể từ ngày 18 tháng 07 năm 1975 một đợt sương giá đen tối tấn công gây ra tình trạng đóng băng bên trong thân cây cà phê, dẫn đến chết cây – xóa sổ ngành cà phê Paraná thời bấy giờ. Tuy nhiên sản xuất cà phê ở bang vẫn tiếp tục dưới sự hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu như Viện Nông học Paraná (Instituto Agronômica do Paraná, viết tắt là IAPAR) cải thiện chất lượng cây trồng và khả năng chống chịu của cây. Trong những thập kỷ gần đây đã có sự hồi sinh ở Norte Pioneiro do Paraná tập trung vào chất lượng.
Phương pháp chế biến
Chế biến khô (chế biến tự nhiên)
Cà phê sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế loại bỏ tạp chất, hư hỏng và bụi sau đó mang lên giàn phơi khô khi hạt vẫn còn trong vỏ. Dưới ánh nắng mặt trời hạt cà phê hấp thụ các hợp chất hương vị từ chất nhầy của quả tạo nên độ ngọt, mượt mà và phức tạp. Tuy nhiên phương pháp này là một trong những phương pháp phức tạp nhất và mất nhiều thời gian phơi khô (khoảng 25 – 30 ngày), vì vậy Brazil đã đầu tư thời gian và tiền bạc đáng kể để phát triển các hệ thống sấy khô mới và các phương pháp làm khô để ngăn chặn quá trình lên men do phải chế biến thời gian dài.
Chế biến ướt
Chế biến ướt là một phương pháp tương đối mới để loại bỏ 4 lớp xung quanh hạt, quá trình này sẽ làm cà phê “sạch” hơn, sáng hơn và thơm hơn, chế biến ướt được áp dụng ở các nhà sản xuất với tỷ lệ thấp hơn so với chế biến khô nhưng mang lại một khía cạnh khác trong hương vị. Sau khi thu hoạch cà phê sẽ được phân loại và rửa sạch trong thùng nước, cho vào máy tách bỏ lớp vỏ, lớp thịt và chất nhầy, tiếp tục rửa lần hai loại bỏ những hạt nổi lên, bắt đầu quá trình lên men, mang cà phê rửa sạch lần ba và lên giàn phơi khô. Ưu điểm của phương pháp này là chất lượng hạt được đồng nhất và giảm thiểu được rủi ro do yếu tố thời tiết.
Chế biến bán ướt
Phương pháp này dẫn đến một loại hạt cà phê có cả đặc điểm của chế biến khô và chế biến ướt, hấp thụ chất nhầy tạo ra vị ngọt giống chế biến khô và giữ lại một số độ chua của chế biến ướt. Kiểu chế biến này thường phát triển ở những nơi có độ ẩm thấp hạt được bao phủ bởi lớp chất nhầy ngọt có thể được làm khô nhanh chóng mà không cần lên men. Brazil đã làm cho phương pháp này trở nên nổi tiếng, có 20 người chiến thắng trong cuộc thi Gourmet Cup ở Brazil năm 2000 đều chế biến cà phê của họ theo phương pháp này
Tìm hiểu thêm: Sự ảnh hưởng của phương pháp chế biến đến hương vị cà phê
Phương pháp “nho khô”
Một phương pháp mới lạ nhưng cũng được đánh giá là ngọt hơn so với phương pháp chế biến truyền thống. Những hạt cà phê này là những quả nổi thường được loại bỏ cùng những quả không đạt chất lượng khác do nó đã chín khô quá lâu trước khi được thu hoạch, tuy nhiên điều này cho phép hạt cà phê tiếp xúc với chất nhầy trong khoảng thời gian dài hơn trước khi bắt đầu quá trình lên men, được chuyển qua lại phương pháp chế biến bán ướt. Phương pháp này vẫn còn hạn chế vì nó chủ yếu đang được thử nghiệm.
Đặc trưng hương vị cà phê Brazil
Sản lượng hàng năm của cà phê Brazil đạt trung bình 60 triệu bao với các giống phổ biến là bourbon, typica, caturra, catuaí, acaia, mundo novo, obata và icatu – 70% arabica và 30% là robusta. Hầu hết cà phê ở Brazil được chế biến theo phương pháp ướt hoặc bán ướt tự nhiên, chúng sẽ được phơi khô mà không loại bỏ chất nhầy, làm tăng thêm độ ngọt và mượt mà cho cà phê. Ngoài ra cà phê ở quốc gia này được biết đến với độ axit từ trung bình đến thấp với body dày những hương vị đặc trưng gồm carael, sô-cô-la sữa đến cacao đắng và hạnh nhân nướng.
Một đặc trưng nữa ở Brazil là việc tìm thấy một trang trại có thể sử dụng được cả bốn phương pháp chế biến khác nhau trong một vụ thu hoạch là khá phổ biến.
Hương vị các loại hạt đặc trưng
Catuaí – là một chi của arabica cho năng suất cao quả có màu vàng hoặc đỏ, vị ngọt và hương thơm dựa trên rượu bourbon.
Mundo novo – là một loại hạt cà phê được lai tạo từ bourbon và một số loại cây cà phê khác, hạt cà phê có độ chua thấp này có đặc tính kháng bệnh cao và hương vị ngọt ngào.
Obata – là giống đặc biệt được lai từ hai loại cây có hương vị êm dịu với hương hoa tinh tế và vị mật ong thơm ngon.
Icatu – cuối cùng là một loại hạt cà phê tạo nên hương vị cà phê Brazil thú vị, được lai tạo từ các biến thể robusta và bourbon vermelho. Mang đặc điểm hương xi-rô cây phong, kẹo bơ, mạch nha, và hậu vị cacao.
Yếu tố góp phần gia tăng sản lượng cà phê
Một trong những yếu tố khiến cà phê Brazil có sự khác biệt đó là rất nhiều đồn điền rộng lớn có địa hình bằng phẳng, điều này cho phép điều kiện canh tác được cơ giới hóa, giảm thiểu nhân lực và họ trở thành một trong những quốc gia sản xuất cà phê hiệu quả nhất thế giới. Mặc dù một số hộ nông dân có diện tích canh tác nhỏ dưới 10 ha nhưng có thể chiếm đến 60% sản lượng arabica chất lượng cao được thu hoạch cẩn thận bằng tay trên các sườn dốc.
Nhờ vị trí địa lý Brazil được chia thành hai vùng khí hậu chủ yếu là xích đạo và nhiệt đới, khí hậu ấm áp với mùa hè mưa nhiều và mùa đông ẩm ướt, mùa mưa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ tối đa là 29 độ C. Thổ nhưỡng không phải là đất núi lửa, bề mặt tương đối bằng phẳng nhưng đất rất sâu và già – đặc trưng của vùng nhiệt đới. Địa hình vùng thổ nhưỡng Brazil được hình thành bởi ba đơn vị địa lý: Lưu vực sông Amazon, Khối cao nguyên Brazil và Khiên Guiana (khiên là tên gọi khoa học của phần lục địa cổ tức là phần dày của vỏ trái đất tồn tại từ 500 triệu năm trở lên, thổ nhưỡng cổ sáp nhập thềm lục địa là lợi thế của các loài thực vật mọng nước).
Những chỉ số nổi bật đáng chú ý
Kể từ thời thuộc địa, xuất khẩu đã đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Brazil, chiếm 35% tổng sản lượng thương mại cà phê nhờ có nhiều đất đai, nhiều loại khí hậu và nhiều độ cao lý tưởng cho canh tác, các nguồn lực khoa học và công nghệ tiên tiến đã cải thiện sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 1861 cà phê Brazil đã thống trị xuất khẩu toàn cầu, tuy nhiên đến năm 1929 sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đã khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm xuống, kết quả là nguồn cung vượt quá nhu cầu. Trong những năm 1990 Brazil bắt đầu tự do hóa các trang trại, kêu gọi đầu tư và gia nhập vào Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (Mercosur) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có tác động tích cực đến xuất khẩu cà phê. Đầu những năm 2000 là một cuộc bùng nổ cà phê khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa và nhu cầu cà phê tăng lên, từ năm 2005 – 2011 xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc tăng 500%.
Ngày nay, xuất khẩu cà phê Brazil trung bình 60 triệu bao mỗi năm (60kg/bao), các nước nhập khẩu cà phê lớn nhất bao gồm EU, Nhật Bản và Mỹ. Tổng sản lượng cà phê toàn cầu năm 2020 là 175,3 triệu bao, trong đó Brazil chiếm 69 triệu bao tương ứng với 39%, chủ yếu là hạt arabica đưa Brazil trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới với các chỉ số đáng chú ý:
- Cà phê chiếm 5,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil
- Cà phê đóng góp 5% vào GDP nông nghiệp
- Quy mô trang trại nhỏ cho mỗi nông dân trung bình từ 10 – 100 ha
- Có 2,79% diện tích đất canh tác cây cà phê (1.823.403 ha)
- Có 36 vùng trồng cà phê và mỗi vùng đều có hồ sơ hương vị riêng biệt
Hệ thống phân loại cà phê Brazil
Mỗi quốc gia sản xuất cà phê sẽ phát triển các biểu đồ phân loại riêng và Brazil là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập một hệ thống phân loại chính thức, cũng là quốc gia có tiêu chuẩn khắt khe nhất để phân loại. Hạt cà phê được phân loại theo kích thước lỗ sàng, số lượng khuyết tật và chất lượng khi thử nếm. Brazil FC SS 17/18 là hạt có ít khuyết tật và chất lượng tốt nhất kích thước lỗ sàng rơi vào 6,75 – 7mm tương đương với AA của hạt Kenya hoặc supremo của Colombia.
Tiêu chuẩn cà phê ở Brazil chủ yếu do Bộ Nông nghiệp (MAPA) quy định trong đó đưa ra những hướng dẫn, quy định về các khía cạnh của chất lượng và phân loại nông sản và còn ảnh hưởng bởi Agência Nacional de Vigilância Sanitária (ANVISA) – cơ quan thuộc Bộ y tế liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tiêu chuẩn phân loại kích thước cà phê xuất khẩu dao động từ sàng 20 (hạt rất lớn) đến sàng 9 (hạt rất nhỏ), kích thước loại hạt có thể được gọi bằng kích thước sàng
Đọc thêm: Tổng quan về Hiệp hội Cà phê Quốc tế SCA
Kết luận
Cà phê Brazil có mặt khắp nơi trên thế giới đặc biệt là Hoa Kỳ do sản lượng khổng lồ hàng năm và Brazil ngày càng đầu tư vào khoa học kỹ thuật trong canh tác cà phê, chú tâm nhiều hơn vào chất lượng sản xuất cà phê đặc sản. Ngày nay, Brazil là nước sản xuất cà phê công nghiệp và tiên tiến nhất thế giới, cung cấp khoảng 40% sản lượng cà phê toàn cầu. Cà phê Brazil có độ chua thấp boday tương đối dày và hậu vị ngọt, hồ sơ hương vị nhìn chung là sô-cô-la, cacao, các loại hạt,…
Nguồn tham khảo
- www.supremo.be
- www.coffeeresearch.org
- www.brazilcoffeenation.com.br
- www.mareterracoffee.com/en/coffee-traceabilty-amazonian-brazil/
- www.sapc.embrapa.br/arquivos/consorcio/legislacao/Instrucao_Normativa_n_8.pdf?_x_tr_sch=http&_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc
- Michon Scott. (June 19, 2015). “Climate & Coffee”. Climate.gov
- PWC Agribusiness in Brazil: An Overview. Available online: https://www.pwc.com.br/pt/publicacoes/setores-atividade/assets/agribusiness/2013/pwc-agribusiness-brazil-overview-13.pdf (accessed on 12 December 2020).