CFRR – (Cà phê nhập môn – số 07) – Mặc dù caffeine mang lại sự tỉnh táo và trở nên thông dụng bởi nhiều lợi ích sức khỏe mà nó mang lại nhưng tiêu thụ không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều tác hại.
Kết quả từ nhiều nghiên cứu cho thấy tiêu thụ cà phê với hàm lượng an toàn có tác động tích cực đến sức khỏe như gia tăng sự tỉnh táo do caffeine kích thích hệ thần kinh trung ương, chống oxy hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Bài viết sẽ chia sẻ khái quát ba nguyên nhân chính gây ra tình trạng khó thở sau khi uống cà phê.
Tiêu thụ vượt mức khuyến cáo
Caffeine là một chất được quan tâm khi nhắc đến cà phê. Theo khuyến cáo của FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm, dược phẩm Hoa Kỳ) đối với người lớn tổng hàm lượng caffeine hàng ngày an toàn là dưới 400 miligam (khoảng 3 ly) hỗ trợ tỉnh táo khi làm việc hoặc duy trì sức khỏe, tiêu thụ vượt mức gây tác động tiêu cực như đau đầu, mất ngủ hoặc suy giảm chất lượng chất ngủ. Khi cảm thấy có những triệu chứng trên và nghi ngờ xảy ra tình trạng quá liều caffeine hãy xử trí bằng cách: uống nhiều nước hơn, ăn nhẹ thực phẩm nhiều chất xơ, hít thở sâu và đều.
Quá liều dẫn đến ngộ độc caffeine có thể nói chỉ xảy ra khi lạm dụng bột hoặc viên nén caffeine để tăng hiệu suất tập luyện ở các vận động viên, gây rung thất làm tim ngừng đập. Người bình thường tiêu thụ 1 – 2 ly/ ngày với cà phê đảm bảo chất lượng có thể mang đến nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ.
Năm 2015, FDA đã ban hành cảnh báo không nên sử dụng đối với sản phẩm caffeine dạng bột.
Ảnh: healthline
Sử dụng cà phê kém chất lượng
Tuy Việt Nam luôn đứng trong bảng xếp hạng các quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới nhưng chất lượng chưa được đánh giá cao, một phần do quy trình chế biến chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cà phê tươi sau khi thu hoạch sẽ phơi trên sân xi măng, bạt hoặc nền đất, lòng đường những nơi khả năng thoát nước kém, cà phê khô không đồng đều, dễ bị nhiễm mùi đất và lên men, nhiễm nấm mốc. Những nhà rang chạy theo lợi nhuận nhập cà phê đã hư hỏng, đưa cà phê kém chất lượng đến tay khách hàng cùng với tên gọi cà phê rang mộc, nguyên chất, nặng nề hơn là những loại cà phê tẩm trộn hóa chất, hương liệu vẫn còn nhan nhản trên thị trường. Cà phê kém vệ sinh hoặc tẩm trộn là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, buồn nôn, co thắt khí quản, chóng mặt.
Tác hại khi sử dụng cà phê tẩm trộn
Cà phê phơi dưới lòng đường dễ bám bụi, nhiễm mùi đất, khói xe.
Ảnh: mt.gov.vn
Tác động sinh học và chuyển hóa
Tác động của caffeine đối với cá nhân sẽ khác nhau, có người uống được nhiều nhưng cũng có người chỉ cần uống một chút đã mất ngủ, đau dạ dày, buồn nôn, do khác biệt cấu trúc DNA giữa người chuyển hóa nhanh và chuyển hóa chậm tạo nên. Ngoài ra trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có tiền sử đau tim hoặc cao huyết áp có thể nhạy cảm hơn với caffeine, vì vậy nên hạn chế hoặc tìm sản phẩm thay thế khác như trà, sô-cô-la, cà phê decaf,…
Cà phê decaf
Kết luận
Tiêu thụ cà phê vượt hàm lượng khuyến cáo, sử dụng cà phê kém chất lượng và liên quan đến gen chuyển hóa là các nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở, đánh trống ngực. Vì vậy cần hết sức lưu ý, sử dụng cà phê ở mức vừa phải, không lạm dụng để tránh những tác động tiêu cực đến sức khỏe đặc biệt là phụ nữ mang thai và người có tiền sử bệnh tim mạch.
Nguồn tham khảo
- Dórea JG, da Costa TH. Is coffee a functional food? Br J Nutr 2005;93:773–82.
- Nawrot P, Jordan S, Eastwood J, Rotstein J, Hugenholtz A, Feeley M. Effects of caffeine on human health. Food Addit Contam 2003;20:1–30.
- Lara DR. Caffeine, mental health, and psychiatric disorders. J Alzheimers Dis 2010;20:Suppl 1:S239-S248
- Cappelletti S, Piacentino D, Fineschi V, Frati P, Cipolloni L, Aromatario M. Caffeine-related deaths: manner of deaths and categories at risk. Nutrients 2018;10: 611.
- Al Attiya, W.; Hassan, Z.U.; Al-Thani, R.; Jaoua, S. Prevalence of Toxigenic Fungi and Mycotoxins in Arabic Coffee (Coffea Arabica): Protective Role of Traditional Coffee Roasting, Brewing and Bacterial Volatiles. PLoS ONE 2021, 16, e0259302. [CrossRef]
- Sachse, C.; Brockmöller, J.; Bauer, S.; Roots, I. Functional significance of a C→A polymorphism in intron 1 of the cytochrome P450 CYP1A2 gene tested with caffeine. Br. J. Clin. Pharmacol. 1999, 47, 445–449. [CrossRef] [PubMed]