CFRR _ Một sáng mùa thu miền Nam, bạn thức dậy trong cảm giác se lạnh như lập đông miền Bắc, trở mình chớp mắt, cuộn tròn trong túi ngủ và chợt nhớ mình đã trải qua một đêm giữa đại ngàn. Bước ra khỏi lều, từng tầng mây sà xuống lòng bàn tay, thấy tim mình ngập tràn cảm xúc yêu quá đỗi cái hoang sơ của núi rừng và bầu không khí trong trẻo giữa tầng không. Sân mây Chứa Chan đón bạn với một bình minh như thế…
Sân mây Chứa Chan – điểm dừng chân lí tưởng
Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray hay núi Gia Lào. Núi còn một tên gọi nữa là Đế Thiên Sơn, là cảnh đẹp hiếm có và là ngọn núi cao thứ hai sau núi Bà Đen ở miền Nam. Với độ cao 837m so với mực nước biển và độ dốc 30 – 35 độ.
Nếu bạn luôn ao ước được một lần thức giấc giữa những tầng mây thì đây chính là sân mây dừng chân lí tưởng.
Chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 3 tiếng đồng hồ lái xe (110km) và khoảng 4 tiếng trekking đơn giản để lên đến đỉnh núi, hành trình khám phá núi Chứa Chan tuy chưa đầy 15km nhưng đưa du khách đi qua nhiều khung cảnh khác nhau để đến với những cung đường trải nghiệm độc đáo. Từ trên đỉnh cao, bạn phóng tầm mắt ra xa quan sát cảnh núi rừng hùng vĩ, khi nhìn xuống, khung cảnh làng quê được thu nhỏ lại, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, núi có hình vòng cung gồm ba ngọn đồi nối tiếp nhau như hình cái chén úp, bừng lên một màu xanh ngắt dưới ánh mặt trời.
Địa hình núi non ở đây khá phong phú với những dòng suối quanh năm trong lành dấu mình dưới những tán cây bao la, nước chảy không bao giờ cạn, rừng cỏ lau thơ mộng, đẹp kiểu bình dị an yên.
Bạn chọn cách đi nào nè
Sau khi gửi xe ở chân núi, thuê lều xong, bọn mình bắt đầu hành trình chinh phục núi Chứa Chan nào. Từ chân núi có hai cung đường để trekking: Trekking theo đường chùa và trekking theo đường cột điện.
Đi bộ theo đường Cột điện
Cung đường trek phổ biến nhất để lên núi là đi bộ theo lối mòn lên đỉnh, được các trekker đánh giá là một cung chỉ thuộc mức khó trung bình. Chuyến đi khoảng gần 10 km cả đi và về, mất khoảng 2,5 giờ để lên đến đích. Nếu bạn đang có dự định thực hiện chuyến đi này vào mùa hè, tốt hơn hết là nên bắt đầu sớm hơn trong ngày để tránh nắng nóng, lý tưởng nhất bắt đầu khoảng tầm 2 giờ chiều, đi không bị mệt và lên đến đỉnh núi vừa kịp dựng lều và kịp đón hoàng hôn. Các nhóm dã ngoại trẻ tuổi thường chọn đi theo đường cột điện, con đường có 140 cột được đánh số từ chân núi lên đến đỉnh.
Khi bọn mình đặt ra mục tiêu leo đến hết cột mốc 140 nghĩa là đã đi trọn vẹn trải nghiệm này và bạn có thể theo dõi hết hành trình của chính mình. Qua khỏi cột mốc 140, bạn sẽ đến trạm gác quân sự, khu này đất phẳng, rộng và có tầm ngắm lí tưởng. Nơi đây rất hợp để ngắm hoàng hôn trọn vẹn, đó là mỏm đá nghiêng hẳn ra ngoài không trung, bốn phương tám hướng là đất trời bao la, đây còn được gọi là mỏm đá “sống ảo” được rất nhiều các bạn trẻ chọn check in. Với các bạn có ít kinh nghiệm trekking nhớ phải chú ý cột điện số 99 nằm ở phía bên tay phải nên bạn cần phải quan sát cẩn thận để không bị nhầm sang hướng đi khác nha. Nếu đi ban ngày các trekker nhìn theo đường dây điện để khỏi bị lạc.
Chứa Chan là một trong những ngọn núi rất đặc biệt, dường như bất cứ ngày nào trong tuần và giờ nào trong ngày cũng có người tham gia trải nghiệm. Trên núi còn có một địa điểm nữa là Mật khu Hầm Hinh và các bãi đá tự nhiên trùng trùng điệp điệp, xen lẫn nhau tạo thành những bức tường đá kỳ vĩ và những hang động được tạo thành bởi sự sắp xếp của các khối đá to chạy ngầm trong lòng núi. Cùng với đặc điểm địa chất độc đáo của tự nhiên, những di tích nhân tạo như chùa Bửu Quang, chùa Lâm Sơn, chùa Linh Sơn, nhà nghỉ mát từ thời Pháp, vườn trà của Vua Bảo Đại,… Chứa Chan trở thành một quần thể thắng cảnh đặc sắc của miền Đông Nam Bộ.
Cung đường chùa:
Cung đường Chùa có mức độ khó hơn so với cung đường cột điện, hợp với các bạn đã có kinh nghiệm trekking.
Theo như review núi Chứa Chan của nhiều người, nếu đi đường chùa bạn sẽ mất khoảng 3 giờ để lên tới đỉnh núi. Hướng đi này xung quanh rất hiu quạnh. Cung đường trở nên khó hơn sau khi đi hết bậc thang lên đến chùa cao nhất, đi thẳng lên nữa thì sẽ đến đỉnh Gia Lào, từ đây men theo bên trái băng rừng đi lên sẽ đến đỉnh Chứa Chan. Trên đỉnh có trạm thông tin liên lạc của bộ đội và một trạm truyền hình cũ.
Cung đường leo bậc thang này tưởng dễ đi hơn nhưng thực ra đi dài, khá là mệt và nếu bạn không quen với trekking đường dài thì có thể đi cáp treo lên Chùa.
Hay là mệt quá rồi thì mình theo… Cáp treo:
Tham khảo trước khi bước lên xe điện không gian nè bạn mình ơi:
Giá vé cáp treo 1 chiều:
- Chiều lên: Người lớn: 110.000đ; trẻ em: 60.000đ
- Chiều xuống: Người lớn: 90.000đ; trẻ em: 50.000đ
Giá vé cáp treo khứ hồi:
- Người lớn: 180.000 đồng
- Trẻ em: 90.000 đồng
Thời gian hoạt động:
- Từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần: 06h00 đến 18h00.
- Từ thứ 6 đến chủ nhật hàng tuần và các ngày 14, 15, 30 và mùng 1 âm lịch hàng tháng: hoạt động 24/24 giờ như thường lệ.
Dưới chân núi và đầu đường mòn là một cầu thang lớn bằng đá. Mất khoảng nửa giờ để leo lên điểm giữa của nhà ga cáp treo, rất may mắn là con đường này có cây cối che phủ có thể tránh bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Chốt dừng cuối trên đường mòn này cũng là nơi cuối cùng có các dịch vụ tiện nghi để tiếp theo đó là phần đường tới đỉnh.
Sau khi vượt qua nhà ga cáp treo là lúc chuyến đi bộ đường dài khắt khe hơn bắt đầu: chủ yếu là đường mòn.
Khoảng lưng chừng núi là ga cáp treo, có các tuyến đi từ chân núi lên và ngược lại. Hành trình cáp treo kết thúc ngay tại chùa Bửu Quang, đây cũng đã là một điểm tham quan cho những du khách không leo núi mà chỉ tham quan Chùa, một ngôi đền từ thế kỷ 18, có kiến trúc ấn tượng và là nơi yên bình để Lễ Phật.
Leo núi Chứa Chan…chưa bao giờ chán
Leo núi Chứa Chan thì thời điểm lý tưởng để đi từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, khi bước vào mùa khô, lượng mưa ít nên dễ dàng hơn khi trekking.
À mà này, hồi nào ăn chơi chán chê mỏi mòn rồi thì mình… hạ sơn nha, xong mình … hạ thủy chèo súp Hồ Trị An đi ha.
Nói zị hoy, chứ leo núi Chứa Chan sẽ chưa bao giờ chán đâu, bạn nhỉ…