CFRR- Quán cà phê độc đáo ở Thái Lan trong hình dáng mới lạ không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn mang ý nghĩa gắn kết con người với thiên nhiên.
Khu vườn hữu cơ
Trang trại hữu cơ Patom là một khu vực ở Suan Sampran, rộng 20.000m2, bên sông Ta Chine, tỉnh Nakhon Pathom (Thái Lan), một điểm đến đã trở thành cái tên quen thuộc của rất nhiều bạn trẻ và các gia đình nhỏ những dịp cuối tuần hay ngày nghỉ lễ.
Quyết tâm tạo ra một mô hình kinh doanh bắt nguồn từ sự công bằng và đóng vai trò là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, chủ sở hữu thế hệ thứ ba của những người thừa kế Suan Sampran, Anak Nawarat, đã cho xây dựng trung tâm học tập nông nghiệp hữu cơ, cũng như một quán cà phê trong trang trại này để tạo ra không gian có thể giúp mọi người tận hưởng cảm giác hòa mình vào thiên nhiên.
Từ ý tưởng đến hành động
Quán cà phê độc đáo ở Suan Sampran, Patom, là một kiến trúc vững chắc, trong hình dáng một nhà kính lớn mang đến cho thực khách tầm nhìn 360 độ ra khung cảnh cây xanh tươi tốt bên ngoài, đồng thời thêm điểm nhấn cho trang trại.
Công trình độc đáo này do công ty kiến trúc NITAPROW thiết kế. Công ty được hai nữ kiến trúc sư tài năng là Nita Yuvaboon và Prow Puttorngul thành lập vào năm 2013, có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan). Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc và thông qua nhiều nghiên cứu đầy cảm hứng, NITAPROW luôn phát triển thiết kế của mình một cách tỉ mỉ từ những ý tưởng về nhận thức xã hội, lịch sử và môi trường; tạo ra một kiến trúc tối giản theo cách tiếp cận táo bạo và cân bằng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Nhờ đó, đơn vị này đã giúp thiết kế, bố trí khu vực tiếp đón du khách đến với công viên Sampran trở nên hoàn hảo và thu hút hơn.
“Ngôi nhà chong chóng”
Quán cà phê Patom nằm trên một con dốc phủ đầy cỏ lau, có cây cao xanh mát bao quanh tứ phía. Khu vực này từng là chỗ ngồi xem nhà hát cổ của khu vực Suan Sampran. Quán rộng 150m2 và hoàn thành xây dựng từ năm 2019.
Nhìn từ bên ngoài, công trình kiến trúc nổi bật với những tấm kính khổng lồ tưởng chừng như mảnh mai và yếu ớt lại “chịu trách nhiệm” chống đỡ cho phần mái ngói được lắp ghép “chông chênh”. Thế nhưng, chúng lại hoàn thành rất tốt vai trò của mình để tạo nên một không gian lý tưởng cho các thực khách nhâm nhi cà phê và thưởng ngoạn thiên nhiên.
Các tấm gương bao quanh quán cà phê, được tráng bằng một lớp màng thủy ngân, phản chiếu ánh sáng thay đổi vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Hình ảnh cây xanh cùng với tòa nhà cổ ở Suan Sampran tương phản trên bức tường kính lại trở nên một thành phần gắn liền với quán cà phê. Một “chất liệu” trang trí thật độc đáo!
Bên cạnh công dụng thẩm mỹ, việc sử dụng lớp thủy ngân bao bọc bên ngoài này còn giúp giảm từ 70 – 80% tổng lượng nhiệt có thể được hấp thụ vào bên trong, giúp cho mọi người tránh được cái nóng bức từ bên ngoài. Đây được xem là lớp màng giảm nhiệt tốt nhất so với những loại màng phủ khác.
Phần gây ấn tượng đặc biệt nhất đối với các du khách, đồng thời cũng là điểm nhấn khác biệt của quán chính là phần mái nhà lạ kỳ. Tựa như hình dạng của chiếc chong chóng bốn cánh, mái nhà dốc xuống, được chia thành bốn phần và cùng nghiêng về một phía xoay quanh cột trung tâm. Thiết kế ngày giúp ánh sáng tự nhiên “mặc sức” tràn vào bên trong. Ngói Terra-cotta được chọn làm vật liệu lợp mái vì nó mang giá trị truyền thống, thoạt nhìn trông có vẻ thô sơ nhưng kỹ thuật lắp đặt lại phức tạp.
Kết nối với thiên nhiên
Tất cả các thiết bị điện sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời được hấp thụ từ các tấm pin lắp đặt trên mái nhà phía trước.
Bên trong quán, một không gian vô cùng thoáng đãng, đây chính là nơi du khách cảm nhận rất rõ khái niệm Inside-Out, kết nối con người và thiên nhiên lại với nhau. Điều này nghĩa là dù có đang ngồi ở không gian phía bên trong, bạn cũng có cảm giác như đang ở giữa một khu vườn ngoài tự nhiên.
Không dừng lại ở đó, sự kết nối này còn thể hiện ở những món đồ nội thất. Chúng được làm chủ yếu bằng gỗ từ những cái cây đổ trong trang trại. Đây thật là một cách tuyệt vời để tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên mà vẫn tiếp tục tạo ra giá trị cho chúng.
Hơn nữa, quán cà phê đang loại bỏ chai nhựa và ống hút dùng một lần để thay thế cho những loại được làm bằng vật liệu tái sử dụng. Thức ăn thừa cũng được ủ để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Dầu ăn đã qua sử dụng được chế biến thành dầu diesel sinh học để dùng trong trang trại, tạo ra một hệ thống khép kín.
Nằm giữa khu vườn hữu cơ, quán cà phê Patom không chỉ tạo được sức hút từ “ngoại hình” mà nó còn đưa con người về gần hơn với thiên nhiên, yêu thương và trân quý những món quà mà tạo hóa đã ban tặng, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường xanh bền vững hơn.
Tham khảo: