CFRR– Rainforest Alliance là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy quyền và hạnh phúc của người lao động, gia đình và cộng đồng của họ.
Cà phê là một thức uống cực kỳ phổ biến ở các quốc gia trên toàn thế giới, nhưng cũng như những nguồn tài nguyên khác mà con người khai thác làm đồ ăn hay thức uống, thu hoạch cà phê cũng có tác động đến trái đất và môi trường của chúng ta. Việc trồng và chế biến cà phê đã gây nhiều ảnh hưởng trên hành tinh, giống như các loại hình chế biến sản phẩm khác.
Vấn nạn này và chứng nhận Rainforest Alliance có liên quan gì đến nhau? Và nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc uống cà phê của bạn? Hãy cùng CFRR tìm lời giải đáp nhé.
Nguồn gốc của Rainforest Alliance
Từ cuối những năm 1980 đến những năm 1990 nạn phá rừng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Mọi người bắt đầu quan tâm hơn đến sự suy giảm của tầng ozon và biến đổi khí hậu. Từ năm 1960 đến 1990, đã có tổng số 20% rừng mưa nhiệt đới trên thế giới bị phá hủy.
Cuộc khủng hoảng này đã thúc đẩy nhà hoạt động môi trường người Mỹ, Daniel Katz, tổ chức một hội nghị khẩn cấp vào năm 1986, hình thành nên tổ chức phi chính phủ với sứ mệnh tập trung vào biến đổi khí hậu như là gốc rễ của vô số vấn đề dẫn đến tình trạng nghèo đói lan rộng ở các vùng nông thôn và những người làm nông nghiệp.
Đến năm 1989, RFA đã phát triển và ban hành một tiêu chuẩn lâm nghiệp bền vững, nhằm khuyến khích việc bảo tồn rừng trên toàn thế giới; đến năm 1992, tổ chức bắt đầu cấp chứng nhận cho các trang trại cá nhân và quản lý tập thể, bắt đầu với hai trang trại chuối. Trang trại cà phê đầu tiên được chứng nhận vào năm 1995, và ngày nay có hơn 194.000 nông dân trồng cà phê được chứng nhận RFA và 286.461 công nhân (chuyên ngành cà phê) tại 25 quốc gia trên toàn thế giới. Đến năm 2018, hơn 10% sản lượng cà phê trên thế giới được chứng nhận RFA. Tổ chức hiện đang có mặt tại hơn 70 quốc gia.
Năm 2018, RFA hợp nhất với một chương trình chứng nhận khác có tên UTZ, hay còn gọi là Utz Kapeh, có nghĩa là “cà phê ngon” trong tiếng Maya Quiché. Chứng nhận UTZ được thành lập vào năm 2002 và tập trung vào quy tắc ứng xử của nông trại thiết lập các tiêu chuẩn về thực hành chăn nuôi và trồng trọt cũng như các tiêu chuẩn về môi trường, nhân quyền và quản lý tổng thể, tương tự như RFA. Với một bộ tiêu chuẩn kêt hợp mới được phát hành cho năm 2020, RFA và UTZ đã có cùng tầm nhìn và sứ mệnh. Ngày nay chúng ta gọi là RFA hoặc RFA/ UTZ.
Chứng nhận Rainforest Alliance là gì?
Rainforest Alliance (còn được gọi là Rainforest Alliance / UTZ hoặc RFA / UTZ) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại New York (Mỹ) hoạt động tại nơi giao thoa giữa kinh doanh, nông nghiệp và rừng để biến hoạt động kinh doanh có trách nhiệm trở thành một điều bình thường mới. Tổ chức này xây dựng một liên minh để bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế của nông dân và cộng đồng rừng, thúc đẩy quyền con người, giúp họ giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Rainforest Alliance chứng nhận cà phê, cũng như các sản phẩm và dịch vụ khác, khi nó được sản xuất theo các tiêu chuẩn nhất định.
Một sản phẩm đạt chứng nhận Rainforest Alliance sẽ được in con dấu có hình ếch xanh. Con dấu giúp bạn nhận biết quy trình sản xuất của sản phẩm này tuân thủ theo các phương pháp hỗ trợ ba yếu tố cốt lõi của sự phát triển bền vững đó là xã hội, kinh tế và môi trường.
Vì sao chọn hình ảnh con ếch?
Ếch được các nhà khoa học gọi là bioindicators, có nghĩa là một quần thể ếch khỏe mạnh cho thấy một môi trường trong lành (khi nói ngược lại cũng vẫn đúng). Rainforest Alliance đã chọn ếch cây mắt đỏ làm linh vật của mình hơn ba mươi năm trước, vì loài lưỡng cư có mắt sáng này thường được tìm thấy ở khu vực trung và nam Mỹ, nơi những người sáng lập bắt đầu làm việc để bảo vệ rừng mưa nhiệt đới. Kể từ đó, con dấu hình chú ếch đã trở thành một biểu tượng quốc tế về sự bền vững.
Nguyên lý cơ bản của chứng nhận Rainforest Alliance
Đây là bản tóm tắt cơ bản về các nguyên lý của chứng nhận Rainforest Alliance.
- Các sản phẩm/ dịch vụ nông nghiệp, rừng và du lịch đủ điều kiện để được chứng nhận RFA theo các hướng dẫn dành riêng cho ngành.
- Chứng nhận cho nông dân yêu cầu bên thứ ba đánh giá về các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về xã hội, môi trường và kinh tế.
- Các trang trại quy mô nhỏ và lớn đều đủ điều kiện để được chứng nhận; các hộ nông dân nhỏ được tổ chức thành các hiệp hội thành viên hoặc hợp tác xã cũng đủ điều kiện.
- Chứng nhận RFA không đảm bảo một mức giá tối thiểu cho các nhà sản xuất, nhưng đảm bảo cho họ “Sự khác biệt về tính bền vững”, người mua bắt buộc phải trả một khoản phí cao hơn hàng hóa thông thường.
- Chứng nhận thu nhập ròng của các nhà sản xuất được đo lường dựa trên Chuẩn thu nhập đủ sống (Living Income Benchmark) và các cuộc đánh giá được thiết kế để xác định và giải quyết các vấn đề nhân quyền như đủ nhà ở cho người lao động; tự do liên kết; bảo vệ trẻ em và lao động cưỡng bức, cùng các biện pháp bảo vệ khác.
- Cần có các phương pháp canh tác bền vững như luân canh cây trồng, quản lý đất tích cực, sử dụng an toàn hóa chất nông nghiệp và kiểm soát dịch hại, bảo tồn nước và xử lý chất thải thân thiện với môi trường; GMO (thực phẩm biến đổi gen) bị cấm.
- Không dùng điểm số để đánh giá tiêu chuẩn chất lượng.
Chứng nhận Rainforest Alliance với cà phê
Sứ mệnh Rainforest Alliance đối với lĩnh vực cà phê đó là cung cấp thông tin và hướng dẫn cho nông dân ở khắp mọi nơi về các phương pháp canh tác khác nhau nhằm tăng năng suất cây cà phê của họ và đồng thời bảo vệ môi trường.
Tổ chức Rainforest Alliance làm việc với những người nông dân trồng cà phê để đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe về các tiêu chí kinh tế, xã hội và môi trường. Các tiêu chí này được đặt ra nhằm mang lại lợi ích tài chính cho nông dân trồng cà phê mà vẫn bảo tồn đa dạng sinh học.
Cà phê Rainforest Alliance là gì?
Theo định nghĩa, đây là loại cà phê tuân thủ các chính sách và hướng dẫn đã được đề ra để bảo vệ cộng đồng rừng, bản thân người nông dân và môi trường sống.
Cà phê được chứng nhận của Rainforest Alliance mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trong chuỗi cung ứng: nông dân và công nhân được tiếp cận với sinh kế bền vững, thương hiệu có thể cung cấp sản phẩm chất lượng, nhà bán lẻ có thể quản lý rủi ro và trở thành người dẫn đầu trong ngành và người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm giá trị và tin tưởng hơn vào thương hiệu.
Cà phê Rainforest Alliance có ngon hơn không?
Việc thâm canh cà phê có thể ảnh hưởng đến đất và chỉ trong vài năm, các khoáng chất và chất dinh dưỡng thiết yếu mà cây trồng cần để phát triển khỏe mạnh giảm dần và đất có thể trở nên ô nhiễm.
Để cải thiện điều đó, cà phê được chứng nhận của Rainforest Alliance được trồng trong đất tốt với các phương pháp canh tác đang tích cực cố gắng khôi phục lại những gì đã bị mất đi, hương vị của cà phê nhờ đó cũng được hưởng lợi.
Đối với Rainforest Alliance, đất khỏe mạnh là một hệ sinh thái đa dạng. Điều này có thể được thể hiện rõ hơn nữa là đất không được khai thác để sử dụng làm nông nghiệp và đã trở thành môi trường sống của động vật. Môi trường trồng trọt này cho phép tạo ra sự đa dạng và phục hồi tự nhiên của đất.
Cà phê được trồng trong những môi trường như vậy sẽ luôn có hương vị ngon hơn cà phê được trồng trong các trang trại quy mô lớn, nơi sử dụng các hóa chất khắc nghiệt và không có sự quan tâm đến môi trường cũng như những ảnh hưởng lâu dài trên hành tinh.
Đất là nơi cà phê bắt đầu cuộc sống của nó. Nếu điều đó không được duy trì hoặc nuôi dưỡng, cà phê sẽ phát triển và thừa hưởng hương vị của môi trường trồng nó.
Những tiêu chí để đạt được chứng nhận
Các tiêu chí cho chứng nhận trang trại bao gồm một số lĩnh vực chính mà NGO (tổ chức phi chính phủ) coi là nền tảng của sự bền vững, đó là:
- Quản lý trang trại – Tiêu chí ở đây tập trung vào hiệu quả quản lý, cho cả trang trại riêng lẻ (quy mô nhỏ và lớn) và những trang trại được nhóm quản lý. Có các quy định về đại diện trong lãnh đạo liên quan đến giới tính, nhóm tuổi và yêu cầu đánh giá rủi ro chính xác cũng như trách nhiệm giải trình trong các tranh chấp khiếu kiện, phân phối quỹ, nguồn lực, đào tạo, v.v.
- Thu nhập – Các tiêu chuẩn này tập trung vào thu nhập đủ sống, khả năng tiếp cận dữ liệu, việc thanh toán các khoản chênh lệch về tính bền vững cho nông dân và tính minh bạch liên quan đến các khoản đầu tư của đối tác người mua vào kế hoạch cải thiện ở các trang trại tham gia.
- Truy xuất nguồn gốc – Các trang trại phải cung cấp tài liệu và ước tính sản lượng chính xác.
- Thực tiễn canh tác – Các yêu cầu khác nhau liên quan đến các hoạt động nông trại gồm có kỹ thuật trồng và luân canh cây trồng, tỉa cành, sử dụng phân bón, áp dụng an toàn hóa chất nông nghiệp và thuốc trừ sâu đã được phê duyệt, đào tạo và thực hiện các quy trình thu hoạch và sau thu hoạch, tập trung vào chất lượng và lệnh cấm rõ ràng đối với GMO.
- Nhân quyền – Bộ quy định này cấm trẻ em và lao động cưỡng bức cũng như bạo lực hay quấy rối tại nơi làm việc; yêu cầu hợp đồng cho tất cả những người làm việc trên ba tháng liên tục; khẳng định quyền tổ chức của người lao động; và những yêu cầu cơ bản cho người lao động, chẳng hạn như nhà ở an toàn và tiếp cận các điều kiện vệ sinh.
- Môi trường – Điểm mấu chốt của RFA là sự giao thoa giữa tất cả các tiêu chí ở trên và một bộ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Các yêu cầu chứng nhận này kêu gọi bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, các dự án trồng rừng, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong trang trại và nhà máy, bảo tồn nước, tôn trọng tương tác giữa con người và động vật, v.v.
- Mặc dù nhiều yêu cầu ở trên được coi là một phần bắt buộc để đạt được chứng nhận RFA, nhưng bản chất của chương trình là người nông dân sẽ tiếp tục cải thiện hàng năm và các cuộc đánh giá thường xuyên sẽ theo dõi cả việc tuân thủ cốt lõi cũng như những cải tiến và các khoản đầu tư được các nhà sản xuất thực hiện.
- Không giống như Fair Trade / Fairtrade, chứng nhận RFA không đi kèm với giá cơ sở tối thiểu hoặc giá đảm bảo được xác định trước cho hàng hóa. Thay vào đó, điều bắt buộc mà người mua sản phẩm được RFA chứng nhận phải trả giá cao hơn mức thông thường. Khoản thanh toán bổ sung bằng tiền mặt này không cố định, mà được xác định bởi giá thị trường, chất lượng, sản lượng, và khó có thể xác định được nếu bạn đang tìm kiếm chi tiết cụ thể trên trang web của RFA hoặc trong tài liệu in của họ.
- Ngoài ra, chất lượng luôn tạo nên sự hấp dẫn trên thị trường đối với cà phê được chứng nhận RFA và người nông dân phải hướng đến sản phẩm chất lượng cao thông qua thực tiễn và chính sách của họ.
Đánh giá chất lượng
Chứng nhận RFA yêu cầu hai loại đánh giá trang trại: Đánh giá chứng nhận diễn ra hai năm một lần, với đánh giá giám sát giữa kỳ. Đánh giá chứng nhận được thiết kế để đánh giá mức độ rủi ro trong nông trại, xem xét tác động của biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới, các dấu hiệu tiềm ẩn liên quan đến lao động như lao động trẻ em và quấy rối hoặc bạo lực tại nơi làm việc. Họ đánh giá các tiêu chuẩn cốt lõi bắt buộc mà nông trại phải đạt được trước được chứng nhận.
Đánh giá giám sát được sử dụng để theo dõi tiến độ và giải quyết rủi ro và các vấn đề có thể phát sinh nhằm tìm ra các giải pháp tích cực và bền vững. Điều này bao gồm cả những cải tiến bắt buộc dài hạn (theo thời gian 3 hoặc 6 năm) cũng như các dự án cải tiến tự nguyện và tự chọn có thời hạn ít được xác định hơn và do người nông dân quyết định.
Nông dân chịu trách nhiệm nộp đơn đăng ký RFA cũng như thuê và trả tiền cho cơ quan chứng nhận: RFA không quy định chi phí của quá trình đánh giá và phí sẽ khác nhau dựa trên một số yếu tố, bao gồm quy mô và độ phức tạp của hoạt động, và vị trí địa lý của trang trại. Nông dân cũng được yêu cầu trang trải chi phí cho bất kỳ cải tiến nào liên quan đến tuân thủ cần thiết để đạt được và duy trì chứng nhận.
Đối với những người xử lý và nhà cung cấp muốn mua và bán lại các sản phẩm được chứng nhận RFA, cũng có nhiều loại phí. “Sự khác biệt về tính bền vững” là số tiền mà người mua trả cho nông dân cao hơn giá thị trường cho sản phẩm của họ. Chi phí này là bắt buộc. Ngoài ra còn có khoản phí hàng năm là 100 đô la cho mỗi trang web cho “đánh giá rủi ro chuỗi hành trình sản phẩm” (CRA), cũng như các khoản phí bổ sung liên quan đến kiểm toán. Cuối cùng, các công ty tham gia sẽ phải trả tiền bản quyền dựa trên số lượng cho RFA cho bất kỳ sản phẩm nào có quảng cáo là “được chứng nhận của Rainforest Alliance” và có con dấu RFA trên bao bì và trong mô tả. Đối với cà phê, “tiền bản quyền” này là 0,015 đô la cho mỗi pound nhân xanh.
Rainforest Alliance giúp nông dân trồng cà phê như thế nào?
Người nông dân trồng cà phê phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiệt độ toàn cầu tăng và điều kiện khí hậu ngày càng tồi tệ đã làm tăng tỷ lệ cà phê nhiễm bệnh, từ nấm đến dịch hại bùng phát, trong khi giá cả không ổn định khiến cho đời sống người nông dân thêm khó khăn.
Rainforest Alliance làm việc với các nhà sản xuất để thực hiện các chiến lược khác nhau nhằm giảm thiểu thiệt hại tiềm ẩn do vấn đề này gây ra.
Cốt lõi để giải quyết là hướng dẫn nông dân đa dạng hóa cây trồng. Các phương thức canh tác độc canh phổ biến có thể làm cạn kiệt mức độ dinh dưỡng của đất và phải dùng đến biện pháp hóa học, điều này gây hại thêm cho môi trường. Họ cũng có xu hướng phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch là một nguồn phát thải khí nhà kính chính.
Rainforest Alliance ủng hộ các nông trại trồng ghép theo kiểu nông lâm kết hợp tái tạo hệ sinh thái rừng và mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, cây trồng của họ và môi trường, giúp tăng 50% khả năng hấp thụ carbon so với các nông trại đơn canh không che phủ.
Điển hình như là những nông dân như Juan Jiménez ở Peru đã được Rainforest Alliance hỗ trợ trong việc khôi phục sự đa dạng sinh học ở các trang trại của họ bằng cách đưa vào các giống cà phê kháng bệnh khác nhau và các loại cây trồng thay thế như cacao, cam quýt và chuối.
Sự can thiệp này giúp cải thiện các trang trại và lợi nhuận cho nông dân đồng thời để lại một hệ sinh thái cân bằng hơn thay vì một môi trường bị suy thoái.
Tuy nhiên Rainforest Alliance không chỉ nhắm mục tiêu đến đời sống nông nghiệp của nông dân trồng cà phê mà họ còn tìm cách giảm bớt các vấn đề ảnh hưởng tới đạo đức và nhân quyền.
Các chính sách này là một yêu cầu trong chứng nhận của họ và các công ty được chứng nhận phải thực hiện giám sát nội bộ và loại bỏ bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào. Họ đặc biệt tập trung vào các khu vực và quốc gia có khả năng xảy ra lạm dụng và cung cấp các khóa đào tạo khắc phục khi cần thiết.
Kết luận
Trong số các chứng nhận thường thấy về cà phê, RFA dường như có danh sách toàn diện nhất về các tiêu chuẩn liên quan đến quyền con người, chất lượng sản phẩm và sự phát triển bền vững.
Đôi khi những điều nhỏ nhặt như chọn loại cà phê nào để uống lại có một ý nghĩa lâu dài và tác động sâu sắc tới môi trường sống của chúng ta: thưởng thức cà phê chất lượng, chung tay bảo vệ môi trường và giúp cộng đồng những người trồng cà phê có một cuộc sống ổn định hơn.
Hy vọng rằng, khi đã hình dung được một bức tranh rõ ràng về cà phê được chứng nhận của Rainforest Alliance cũng như những tác động tích cực của nó, bạn sẽ có thêm sự lựa chọn sáng suốt cho thói quen uống cà phê của mình.
Tham khảo: