CFRR: Sau khi đã chọn được chương trình trek và được hướng dẫn các bước chuẩn bị kỹ lưỡng, các trekker không cần mang theo tiền mặt trên suốt hành trình là có thật…
Trong trào lưu rèn luyện thể lực, bảo vệ sức khỏe, vượt qua giới hạn bản thân để khám phá thiên nhiên kỳ thú, Trekking, đang là một bộ môn vừa có thể gọi là thể thao đỉnh cao vừa là thú giải trí lành mạnh. Và theo đó, các công ty dịch vụ lữ hành đã chào sân những tour trekking trọn gói có tiện ích ưu việt tuyệt đối. Vậy nên, tiền không là tất cả trên những cung đường này.
Camping, trekking: khám phá và hòa mình vào núi rừng thiên nhiên đã trở nên rất quen thuộc với xu hướng lữ hành mới. Tuy nhiên, để có một chuyến đi vui vẻ, an toàn và trọn vẹn, phải “nằm lòng” những kinh nghiệm này các bác ạ.
Đam mê du lịch là sở thích chung của tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng phù hợp với loại hình du lịch mạo hiểm, nhất là đối với loại hình trekking vì trek đòi hỏi ở mỗi trekker phải có đủ sự kiên nhẫn và sức chịu đựng. Những kinh nghiệm đi trekking sau đây sẽ giúp các bác tự tin bắt đầu cuộc hành trình của mình.
Điều đầu tiên, đừng bỏ lỡ và chia sẻ Tips này nhá các bác
Chuẩn bị trước cho chuyến đi thật kỹ vì chúng ta sắp sửa trải nghiệm quãng đường không được xác định rõ ràng nên ở đó tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Nếu không chuẩn bị trước những kinh nghiệm sau, trekker rất dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng và hoang mang trong suốt cung đường.
Tạo cho mình một động lực để lên đường
Động lực đôi khi nó đơn giản lắm, có thể là đi vì thích khám phá thiên nhiên, đi vì nhóm bạn thân rủ rê, đi vì giá tour vào mùa sale hạ quá, cũng có những đôi đi để tranh thủ làm bộ hình cưới đầy chất độc…à không bộ hình cưới độc đáo, chất chất. Sự thật là có một “vương quốc các trekker” mà thần dân ở đó ngày càng tăng: nhóm độc hành. Động lực của nhóm đi lẻ một mình này thường là muốn giao lưu kết bạn hoặc đi để vượt qua giới hạn bản thân. Dù cho động lực của các bác là gì thì cũng phải nghĩ đến nó một cách nghiêm túc và không được mơ hồ nhá mụi người.
Tìm hiểu thật kỹ về nơi mình sẽ đến
Tìm hiểu rồi hình dung trước nơi sẽ trekking, để bạn chủ động chuẩn bị mọi thứ tốt hơn. Hãy kiểm tra thông tin hoặc liên hệ đơn vị lữ hành để hiểu rõ hơn tình hình cụ thể trước khi xách balo đi. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nắm rõ địa hình đồi núi sông suối, độ phức tạp và đặc biệt là khí hậu…
Mua bảo hiểm du lịch
Mua bảo hiểm du lịch trước khi đi trekking là kinh nghiệm mà không phải ai cũng biết. Trekking là hình thức du lịch mạo hiểm, không thể đảm bảo trước bất kỳ điều gì. Nên để đảm bảo quyền lợi, bạn hãy nên mua bảo hiểm trước khi đi nhé. Các hãng bảo hiểm hỗ trợ chúng ta rất nhiều trong công tác cứu hộ đó ạ. Kịp thời là điều chúng ta cần nhất khi gặp rủi ro trên những cung đường khám phá thiên nhiên kỳ thú.
Kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của bạn đã tích hợp bảo hiểm du lịch chưa/ mua bảo hiểm từ các hãng bảo hiểm nhân thọ uy tín/ hiện nay hầu hết các ngân hàng đều có bán hợp đồng bảo hiểm du lịch từ các công ty bảo hiểm trực thuộc các ngân hàng.
Lập kế hoạch càng chi tiết càng tốt
Kế hoạch tỉ mỉ, phải tỉ mỉ mí được cả nhà ạ
Cung đường sắp đặt chân tới càng nguy hiểm thì kế hoạch vạch sẵn càng phải chi tiết. Ít nhất, chúng ta phải nắm được các thông tin chung về điểm đến của mình như: độ dài quãng đường, địa hình sẽ đi qua, hiểm nguy nào có thể gặp phải, nói chung là phải biết được Độ khó: Thấp, Vừa hay Cao. Độ khó thường được các đơn vị tổ chức tour báo trước cho trekker, hoặc mọi người vào trang thông tin điện tử của các đơn vị lữ hành tham khảo… Từ đó, lên kế hoạch cụ thể từng khung giờ trong ngày. Cụ thể: nhóm của bạn sẽ đi bao nhiêu km/ngày, ăn những gì khi nghỉ chân và bữa chính, buổi tối sẽ phải đối phó với điều kiện thời tiết theo mùa hay động vật rừng và côn trùng ra sao … Kinh nghiệm đi trekking cho thấy, một kế hoạch chi tiết, khoa học sẽ khiến bạn giảm thiểu lo lắng, yên tâm hơn trong suốt quá trình và đặc biệt sẽ giúp các bác… “chốt được đơn 0 đồng trên đường đi”.
Tổ chức sắp xếp khoa học
Các trekker tránh chuẩn bị và sắp xếp theo kiểu cá nhân. Quy tắc chung là chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm và vật dụng cần thiết. Nếu chúng ta mua tour trọn gói từ các đơn vị lữ hành thì mọi khoản phí đã được chi trả hết ngay khi đặt tour. Các Hướng dẫn viên du lịch đã được chọn đồng hành cùng nhóm sẽ là người chuẩn bị những nhu cầu tập thể, ví dụ như túi y tế, nước uống, dụng cụ đi rừng và thực phẩm dự phòng. Trong trường hợp các bác tự tổ chức “làm Tarzan” thì có chút ít khác ạ:
– Lên danh sách những người tham gia chuyến đi, với đầy đủ thông tin thân nhân, kèm tình trạng sức khỏe. Trong bất kỳ chuyến du lịch nào, giấy tờ tùy thân chính là thứ bắt buộc cần phải mang theo, dù là trekking tại các địa điểm hoang sơ, vắng vẻ nhưng sẽ có một số khu vực thuộc bộ phận quản lý của cơ quan quân sự hoặc cơ quan chức năng địa phương nên cần phải xuất trình giấy tờ để được cấp phép thông hành.
– Lập bảng phân công sắp xếp nhiệm vụ cụ thể, tổ chức theo phương án phải bầu ra trưởng đoàn, trekker này nên là người đã có kinh nghiệm trekking, có thể lực tốt và có cá tính hướng ngoại, nhiệt tình, tốt tính, nếu… bonus thêm xinh trai đẹp gái càng tốt nè…
– Phân công 1 người mang túi y tế, 1 người mang túi nước, để tránh việc cả nhóm chuẩn bị trùng nhau gây phí sức. Túi y tế phải có đủ dụng cụ sơ cứu, thuốc ho cảm, đau bụng, thuốc giảm đau, kháng viêm và đặc biệt thuốc bôi sau côn trùng cắn. Thể theo trào lưu du lịch khám phá mạo hiểm đang rất phát triển, nhiều nhà sản xuất đã cho ra đời nhiều loại túi đựng nước uống đi rừng có chất liệu, hình dáng và kích cỡ rất khoa học, túi có thể xếp gọn lại rất tiện lợi để tái sử dụng ở điểm tiếp nước tiếp theo.
Kinh nghiệm nằm lòng khi đi trek là GỌN và NHẸ
Phải quan tâm tối đa đến thời tiết
Cung đường nơi ta đến có thể không thay đổi, nhưng thời tiết luôn thất thường. Vậy nên, các bác nhớ chuẩn bị các vật dụng cần thiết để kịp thời đối phó với những thay đổi này. Chuẩn bị áo mưa, mũ, khăn, kem chống nắng phù hợp với mỗi loại thời tiết là việc không thể thiếu nhé cả nhà. Trong trường hợp có mưa, bão, gió lớn thì nên cân nhắc hoãn chuyến hoặc hủy chương trình trekking đó để đảm bảo an toàn.
Vật dụng cá nhân và đồ dùng tập thể
Chuyến đi nào cũng vậy, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm là điều rất quan trọng, đi trek rừng cũng không ngoại lệ. Vì vậy, những đồ dùng thiết yếu như quần áo (kèm theo cả quần áo ấm vì ban đêm nhiệt độ trong rừng thường hạ xuống thấp rất lạnh), túi ngủ, lều võng… Cùng với một số dụng cụ đi rừng như dao, dây thừng, túi sơ cứu y tế…
Các trekker phải luôn có sẵn áo giữ nhiệt dài tay và áo khoác gió mang theo vì hai loại áo này vừa nhẹ lại tiết kiệm diện tích và hữu dụng khi thời tiết thay đổi. Có một bí quyết hàng đầu là “cây gậy Trường Sơn” ạ. Khi nắng ráo gậy là vật trợ lực trên đoạn đường dốc, khi mưa hãy dùng sự trở giúp của chiếc gậy để bảo đảm an toàn cho bản thân tránh trượt ngã. Khi gặp đoạn cây cối rậm rạp, sử dụng gậy để thăm dò và đánh động để tránh rắn rết nè.
Đặc biệt, balo bạn mang trên lưng phải thật gọn, nhẹ để giảm bớt trọng lượng tối thiểu cho chuyến đi. Balo trong chuyến trekking quyết định rất lớn về chất lượng hành trình của mỗi người. Một balo được chuẩn bị và sắp đặt thông minh là điều tiên quyết nuôi dưỡng đam mê bước tiếp của chúng ta.
Balo đi trek nên có đai thắt trợ lực ở bụng và ngực, nhiều ngăn, áo khoác, giày nhẹ tốt thích hợp địa hình, đồ sơ cứu y tế, áo mưa chuyên dụng, thuốc uống hạ sốt – giảm đau, chống viêm, thuốc bôi chống côn trùng, đồ ăn và nước uống. Nếu đoàn của bạn có người biết dựng lều, hãy mang theo 1 chiếc lều dựng cố định. Còn nếu mọi người đi theo tổ chức thì đơn vị lữ hành sẽ cắm sẵn lều từ buổi chiều tại điểm dừng chân trong kế hoạch, ngoài ra mỗi cá nhân hãy chuẩn bị cho mình một túi ngủ hoặc võng di động.
Em này có năng lực khuân cả gia tài trên lưng đó ạ.Tầm giá 1,500,000 VND (2022)
Thực phẩm và nước uống
Mọi người nghĩ sao khi chúng ta đón bình minh ở nơi cách rất xa mực nước biển cùng những “đồng đội lãng du” bằng 1 sét cà phê Cold brew…Mình nghĩ ngay đến cold brew trong mỗi chuyến phượt vì kiểu pha cà phê thủ công này vẫn rất ngon trong bình giữ nhiệt hoặc trong túi giữ nhiệt kèm một túi đá khô nho nhỏ trong vài ngày.
Mọi người rất thích ăn đồ nướng có thêm chút cồn nhè nhẹ sương sương kèm hát ca bên đống lửa trong đêm nghỉ chân. Nhưng phải nhớ là nạp ít … “vitamin cồn” thôi nha nha nha vì sức khỏe là điều quan trọng lắm trong lúc này, nếu bị mệt quá sức hôm sau sẽ là một ngày đi rất kinh hoàng đó ạ.
Về thức ăn thì nên ăn đồ khô và nấu chín kỹ, kiểu như ăn no để duy trì được nguồn năng lượng trong suốt chuyến đi, vì đồ ăn dạng súp sẽ gây mệt dạ dày khi đi bộ nhiều, còn nấu thức ăn không chín kỹ hay đồ muối chua sẽ không hợp lắm đâu với cái bụng của chúng ta giữa thiên nhiên tươi đẹp…
Về chỗ nghỉ chân thì nên chọn những điểm được các phượt thủ đi trước chọn lọc và trải nghiệm, không nên tự ý phá cách mà chọn chỗ nghỉ đêm trong rừng sâu hay gần thác, gần suối. Về chỗ ngủ, các bác nên tìm nơi thông thoáng, bằng phẳng, không cắm lều ngủ dưới chân núi. Đồng thời, lưu ý khi mắc võng ngủ trong rừng thì không nên có tảng đá, vật nhọn hoặc vực sâu phía dưới.
Trong quá trình nấu ăn, nên giữ lại lửa để sưởi ấm và xua đuổi thú dữ vì trekking rừng luôn tiềm ẩn nguy cơ bị côn trùng hoặc thú tấn công Nếu không có thời gian nấu nướng, bạn có thể sử dụng thực phẩm khô hoặc uống nước tăng lực, nước sâm mang theo để không bị mất sức.
Trang bị kỹ năng sinh tồn
- Những kỹ năng sinh tồn như dựng lều, tìm kiếm đồ ăn, cấp cứu với dụng cụ y tế, nhóm lửa… là những điều cơ bản bạn phải lưu ý khi đi trekking. Ngoài ra, bạn cần biết thêm về cách lọc nước, đánh lửa, sử dụng còi, ra hiệu cầu cứu, biết cách tạo dấu vết khi đi lạc để công tác tìm kiếm và ứng cứu được dễ dàng và kịp thời, loại trừ được rủi ro…
- Không tách đoàn, bạn tuyệt đối không được đi một mình, luôn giữ liên lạc với các thành viên khác trong đoàn, đặc biệt là trong những cung đường xa xôi hẻo lánh, không có sóng điện thoại, đi 1 mình rất dễ lạc, hãy thể hiện tinh thần đoàn kết, sự chuyên nghiệp và tính kỷ luật của mình trong tập thể. Đây có thể cũng được xem là một cách luyện tập để có kỹ năng làm việc nhóm cho dân văn phòng hay các bạn sinh viên chuẩn bị đi làm. Chúng ta dù là ai, thông thạo loại hình du lịch này rồi cũng nên đi cùng hướng dẫn viên hoặc người bản địa.
Hướng dẫn viên du lịch là người hỗ trợ chúng ta rất nhiều, đặc biệt với những trekker lớn tuổi, sức khỏe trung bình và chưa có nhiều kinh nghiệm. Ảnh: Letstrek
- Phân bố thời gian đi bộ hợp lý trong ngày, 10 – 15km/ ngày là hợp lí nhất, nên nghỉ chân cuối ngày vào lúc 16h. Lúc này, mặt trời mới chỉ bắt đầu lặn dần, bóng cây vẫn còn mát, cần tranh thủ khi chưa có không khí lạnh đột ngột vì ở trong rừng trời sẽ tối nhanh hơn các bác tưởng tượng đó ạ.
- Mọi người nên mang quần áo kín đáo, giày và tất cao qua mắt cá chân, để những loài côn trùng nhỏ như muỗi rừng, bọ chét, bò cạp… không thể cắn xuyên qua được.
- Ngoài ra, bạn còn có thể bôi một số loại thuốc chống côn trùng, bôi cao dầu nóng quanh tất để vắt không bò lên được, hoặc uống vitamin B1 để da bạn sẽ tiết ra mùi khiến côn trùng tránh xa.
- Nếu các bác xui xẻo quá mà gặp rắn cắn ở tay, chân thì cần băng garo ngay, nếu vết thương ở chỗ không thể quấn băng nhằm cho máu ngưng tuần hoàn được thì phải dùng dao rạch chỗ bị cắn cho rộng ra. Để máu chảy cho đến khi người bệnh ngất đi thì băng bó lại để tránh nọc độc của rắn thấm vào cơ thể của người bị cắn.
- Nếu cắm trại ở gần sông, suối thì nên cẩn thận khi tắm rửa, giặt giũ. Tuyệt đối không đến gần khu vực trên đỉnh các ngọn thác, rất dễ gặp tai nạn.
- Lạc rừng có thể được xem là một trong những rủi ro không đáng có nhất. Trong rừng rất dễ bị lạc, đầu tiên phải giữ tâm lý bình tĩnh, di chuyển ngược lại theo đường vừa đi. Nếu không tìm được phương hướng thì hãy đứng yên một chỗ. Cố gắng tạo ra âm thanh càng to càng tốt hoặc có thể đốt lửa để báo hiệu cho đồng đội. Nếu không có người dẫn đường, bạn nên đi theo đường mòn của dân đi chở củi, làm gỗ. Hết đường mòn thì dừng lại, cắm trại, sinh hoạt. Nếu lạc thì tìm đến sông suối và đi theo hướng nước chảy để về dưới xuôi. Vừa tránh bị khát, vừa tìm được người thạo rừng địa phương để thuê họ dẫn về.
- Gặp lúc thời tiết xấu, nếu không may trời mưa, dù to hay nhỏ cũng phải di chuyển lên cao vì có khi lũ về bất ngờ, gây nguy hiểm. Nếu trời không mưa nhưng quan sát thấy nước suối chuyển qua màu đục, có lá mục trôi xuống thì cũng nên di chuyển lên cao, vì có thể đó là dấu hiệu có thể lũ sắp về.
- Khi biết cách sử dụng các kĩ năng sinh tồn như trên, bạn sẽ tự tin và đủ khả năng giữ bình tĩnh nếu gặp các rủi ro, bất trắc. Đặc biệt, mọi người nên bắt đầu với những chuyến trekking ngắn, có độ khó thấp. Sau đó mới nâng mức độ khó và tích lũy thêm kĩ năng sinh tồn.
TIPS ĐẶC BIỆT: dành riêng cho trekker nữ
Thời gian gần đây những tour du lịch trekking 100% nữ, có khi còn là hội nữ độc thân xuất hiện ngày càng nhiều. Định kiến về môn thể thao mạo hiểm chỉ dành cho nam giới đã bị xóa bỏ. Tuy nhiên, cơ địa nữ nhạy cảm hơn so với nam giới nhiều lần nên rất dễ bị cảm lạnh hoặc sốt nhẹ. Trước chuyến đi, bạn nên lựa chọn những trang phục kín đáo, dài tay, ống quần bó nhưng được làm từ chất liệu vải mềm mại, co giãn, dễ thấm hút. Khi đêm xuống, các nàng nên quàng thêm một chiếc khăn mỏng để bảo vệ cổ nghen. Ban ngày, bất kể thời tiết có nắng hay không bạn cũng nên sử dụng kem chống nắng cho mặt và toàn thân để hạn chế sự tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời lên da. Bên cạnh đó, những chiếc mũ rộng vành nhưng phải có quai và làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho bạn.
Trekking là một quá trình chuẩn bị dài hơi để sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới, chinh phục phá bỏ giới hạn bản thân. Do đó, bạn nên chăm chút khâu chuẩn bị này một cách kỹ lưỡng nghen.