CFRR– So sánh những phương pháp in bao bì khác nhau giúp bạn dễ dàng tìm ra được giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ và thương mại điện tử ngày càng trở nên cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các chủ thương hiệu phải tìm ra những cách thế mới để có thể vượt trội hơn so với đối thủ của mình. Ngoài việc đầu tư vào chiến lược marketing, nâng cấp sản phẩm và dịch vụ, thì một yếu tố không thể bỏ qua đó chính là bao bì.
Các thương hiệu có thể tối đa hóa tính năng của bao bì thông qua việc thiết kế để khơi gợi cảm xúc và thu hút sự chú ý của khách hàng. Nếu tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ đang giảm thì việc thiết kế lại bao bì là điều cần thiết.
Trong quá trình đó, bạn nên so sánh và đối chiếu các quy trình in bao bì khác nhau, vì mỗi công nghệ sẽ phù hợp với kiểu dáng và chất liệu khác nhau. Mời bạn tham khảo một số so sánh dưới đây để chọn ra phương pháp in phù hợp cho sản phẩm của mình nhé.
- In offset
Kỹ thuật này là sự kết hợp của hai phương pháp: in thạch bản và in offset, và là một hệ thống in gián tiếp. Đây là kỹ thuật nổi bật nhất trong bao bì ngày nay do tính linh hoạt trong in ấn và chất lượng hình ảnh cao.
Trong phương pháp này, người ta sử dụng một tấm (thường được làm bằng nhôm) được khắc hình ảnh cần in, đổ mực và ép vào một con lăn cao su sau đó chuyển sang bề mặt in phẳng.
Mực được làm bằng một chất dầu có tác dụng đẩy nước và có một hệ thống làm ẩm được đặt tại chỗ sẽ đưa nước lên bề mặt nơi không sử dụng mực. Tức là các khu vực hình ảnh của bề mặt sẽ thấm mực và các khu vực không phải hình ảnh sẽ thấm nước.
Tuy nhiên, trong trường hợp một số máy ép không có hệ thống giảm chấn (bù khô), các nhà sản xuất sẽ sử dụng một lớp silicon để đẩy mực khỏi những vị trí không cần in.
Ưu điểm: Phương pháp in offset có chất lượng rất cao và có thể in trên nhiều bề mặt. Kỹ thuật in này cũng cho phép áp dụng các lớp phủ đặc biệt. Phối màu chính xác và các lớp hoàn thiện sau in như lớp phủ bóng cùng dải màu mượt mà giúp tăng thêm vẻ sang trọng và chất lượng cho sản phẩm. Ngoài ra, kỹ thuật này còn có một lợi thế nữa là in rất nhanh.
Nhược điểm: Hạn chế lớn nhất với kỹ thuật in offset là chi phí thực hiện khá cao. Để đảm bảo rằng chi phí vẫn ở mức thấp, người ta phải đặt in với số lượng lớn. Nhiều nhà in offset có số lượng bản in tối thiểu khá cao mà bạn vẫn phải đặt hàng. Đồng thời, quá trình này chỉ có thể được thực hiện trên các bề mặt phẳng.
2. In flexo
Được đặt tên một cách khéo léo vì tính linh hoạt của nó từ việc sử dụng một tấm phù điêu trong quy trình và thường được dùng để in bao bì thực phẩm.
In flexo là một quy trình in trực tiếp mà trong đó các tấm in cao su chuyển mực thẳng lên bề mặt in. Hình ảnh đầu tiên được khắc lên bề mặt bằng tia laser. Sau đó, mực được chuyển từ khoang chứa sang trục lăn anilox, tại đây, một lưỡi dao sẽ loại bỏ mực thừa. Sau khi hoàn thành, mực được ép lên bề mặt in và sản phẩm được phủ hình ảnh như mong muốn.
Ưu điểm: Kỹ thuật in flexo là lựa chọn lý tưởng cho các công ty đang tìm kiếm giải pháp hiệu quả về chi phí. Hơn nữa, phương pháp này có thể áp dụng cho đa dạng các bề mặt như giấy gợn sóng, hộp giấy, túi nhựa, giấy gói thực phẩm…
Nhược điểm: So với in offset, chất lượng của in flexo vẫn kém hơn, độ chuyển màu không mượt mà, vì thế dẫn đến chất lượng hình ảnh thấp và không được rõ nét.
3. In kỹ thuật số
In kỹ thuật số tuy là một phương pháp tương đối mới so với những công nghệ in khác, nhưng nó lại đang phát triển nhanh chóng và ứng dụng trong bao bì sản phẩm. Máy in phun đặc biệt tiếp tục được áp dụng rộng rãi nhờ tốc độ nhanh hơn, chi phí vận hành thấp hơn và chất lượng cao hơn.
Những máy in kỹ thuật số này có thể hoạt động trên nhiều loại sản phẩm và bề mặt khác nhau, đặc biệt là bao bì gợn sóng và thùng carton gấp. Mặc dù từng được coi là một công nghệ bổ sung cho các phương pháp in thông thường, nhưng in kỹ thuật số hiện được coi là một giải pháp thay thế chủ đạo khả thi trong bao bì ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Kỹ thuật này rất đơn giản – hình ảnh được truyền trực tiếp từ một thiết bị (chẳng hạn như máy tính) lên nhiều bề mặt in khác nhau.
Ưu điểm: In kỹ thuật số tiết kiệm chi phí hơn các phương pháp khác. Một số máy in còn có các lựa chọn kết hợp với in flexo, giúp các thương hiệu tận dụng tối đa ưu điểm của cả hai phương pháp: màu sắc phù hợp từ flexo, đồ họa, văn bản và mã biến đổi hoàn chỉnh từ kỹ thuật số.
Một trong những lợi ích chính của in kỹ thuật số là có thể tạo ra các hình ảnh được phiên bản, dữ liệu biến đổi và cá nhân hóa. Những xu hướng này dường như đã và đang gây bão trong thế giới bao bì.
Nhược điểm: Kỹ thuật này sử dụng sử dụng các chấm mực nhỏ kết hợp để khớp với các màu cụ thể, vì vậy không tạo ra được mảng màu mịn và sắc nét.
In bao bì kỹ thuật số khá bất tiện khi in với số lượng lớn vì phải mất rất nhiều thời gian để in một tờ. Hơn nữa, in kỹ thuật số không thể sử dụng mực kim loại và chi phí trên mỗi đơn vị khá cao so với in offset hoặc in flexo.
4. In ống đồng
In ống đồng là một kỹ thuật in trực tiếp và quay trên bao bì, thường được sử dụng cho túi đứng và hộp gấp. Quá trình này bao gồm một trục lăn được khắc hình ảnh cần in, sau đó nó được đổ mực và ép trực tiếp lên bề mặt in để cho ra hình ảnh.
Trục lăn có độ sâu của các ô chứa mực khác nhau, tức là những ô sâu hơn sẽ có nhiều mực hơn và sẽ làm cho vùng in đó đậm hơn, ngược lại, ô cạn hơn sẽ cho vùng in nhạt màu hơn.
Ưu điểm: In ống đồng cung cấp chất lượng in tuyệt vời và có nhiều khả năng tái tạo hình ảnh chất lượng cao, đồng thời có thể tạo ra các hình ảnh có tông màu liên tục. Vì vậy các bản in chất lượng cao sẽ không bị thay đổi hay xuống màu, ngay cả với số lượng lớn.
Nhược điểm: Trục lăn ống đồng do có độ bền cao và có thể được sử dụng cho nhiều lần in, nên giá thành khá cao. Không có nhiều lựa chọn thay thế cho lớp phủ có sẵn. Do đó, nếu bạn đang đầu tư vào quy trình này, tốt hơn hết là bạn nên đặt in số lượng lớn.
5. In lụa
Phương pháp này tạo ra thiết kế của bạn thông qua một tấm lụa dệt. Một cái lưới bằng polyme được sử dụng để chuyển mực lên bề mặt. Ở đây, lưới hoạt động như một khuôn tô và có một chổi cao su dùng để chuyển mực qua lưới và lên bề mặt.
Một số phần của lụa được phủ bằng vật liệu không thấm nước và mực được sử dụng cho các phần còn lại. Vì các bề mặt in không cần phải bằng phẳng nên phương pháp này có thể in mực vào nhiều loại vật liệu như giấy, vải, thủy tinh và kim loại.
Ưu điểm: Bề mặt in không nhất thiết phải bằng phẳng, vì thế, đây là một lựa chọn tuyệt vời để in nhiều loại bao bì khác nhau, đặc biệt là khi bao bì được sản xuất riêng lẻ. Thành phần của mực góp phần giúp thiết kế giữ màu được lâu hơn. Bên cạnh đó, chi phí thấp của kỹ thuật in này cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp của bạn tiết kiệm ngân sách.
Nhược điểm: Tốc độ in lụa khá chậm, nhiều quy trình đòi hỏi những công việc thủ công, vì vậy có thể xảy ra lỗi do con người gây ra. Khi in, bạn chỉ có thể thêm một màu cho mỗi lần thực hiện, tức là phải sử dụng nhiều bản lụa theo thứ tự để tạo ra một thiết kế nhiều màu. Hơn nữa, chất lượng in khá thấp, màu sắc không chính xác, nên in lụa không phải là một lựa chọn tốt để in số lượng lớn.
Phương pháp nào phù hợp với bạn?
Nếu bạn muốn bản in có chất lượng cao với màu sắc chính xác, thì ưu tiên hàng đầu là in flexo, tiếp theo là in offset. Đối với số lượng nhỏ hơn, bạn cũng có thể in kỹ thuật số. Nếu độ chính xác của màu sắc là vô cùng quan trọng, thì bạn nên sử dụng in ống đồng. Cuối cùng, in lụa là một lựa chọn tốt cho các dự án chi phí thấp và số lượng ít.
Mỗi kỹ thuật in đều có ưu và nhược điểm riêng. Mặc dù không có phương pháp nào là hoàn hảo, nhưng việc biết cách thức hoạt động của chúng, cũng như hiểu được yêu cầu của bao bì và việc cân đối ngân sách sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp nào là tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.
Tham khảo: