CFRR- Robusta ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn trên toàn cầu với nhiều mục đích và chất lượng được cải thiện rất nhiều. Hãy cùng CFRR phân tích và đưa ra dự đoán về một chủ đề thu hút sự quan tâm của những người làm cà phê: Tương lai của robusta nói chung và fine robusta nói riêng.
Theo như báo cáo mới nhất vào tháng 06 năm 2022 của bộ phận Dịch vụ nông nghiệp nước ngoài (Foreign Agricultural Service) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA – United States Department of Agriculture), sản lượng sản xuất cà phê arabica và robusta của thế giới trong năm mùa vừa qua là:
Bài viết này tạm sử dụng số lượng sản xuất cà phê trên thế giới để phỏng đoán về sự tăng trưởng của arabica và robusta, mặc dù về ý nghĩa không thể hiện đúng với nhu cầu tiêu dùng. Đúng ra, để so sánh sự phổ biến của hai loại cà phê này, phải sử dụng số liệu tiêu thụ trên toàn cầu. Tuy nhiên, số liệu này rất không chính xác do hai nguyên nhân: Một là, những tổ chức theo dõi các thống kê không liệt kê lượng nhập khẩu riêng cho arabica và robusta; hai là, số lượng nhập khẩu có thể bị tính hai lần vì có những nước nhập nhân xanh về sản xuất cà phê rang và hòa tan, sau đó lại xuất đi, lúc đó lại ghi nhận tiếp số liệu nhập khẩu ở nước tiếp theo.
Arabica | Robusta | |
2017/2018 | 95.249 | 64,590 |
2018/2019 | 104,976 | 70,980 |
2019/2020 | 94,946 | 74,084 |
2020/2021 | 101,777 | 74,584 |
2021/2022 | 80,149 | 77,985 |
Dựa trên Hình 1, có thể thấy rằng sản lượng sản xuất arabica trên toàn cầu có thời điểm tăng lên, nhưng tổng thể trong quá trình năm năm là đang giảm từ mức 95.249 triệu bao ở niên vụ 2017/2018 xuống 80.149 triệu bao ở niên vụ 2021/2022. Ở chiều ngược lại, sản lượng robusta được sản xuất tăng lên mạnh mẽ và vững chắc với xuất phát là 64.590 triệu bao ở niên vụ 2017/2018 và đạt 77.985 triệu bao tại niên vụ 2021/2022 (tăng khoảng 20%).
Với hai đường line thể hiện sự tăng giảm sản lượng một cách khái quát của arabica và robusta, có thể tạm coi rằng, lượng tiêu thụ robusta đang tăng lên đều đặn, rõ ràng; và nhu cầu hoặc sản lượng của arabica đang giảm đi.
Có nhiều lý do dẫn đến việc sụt giảm sản lượng arabica, trong đó phải kể đến: Brazil, nước xuất khẩu arabica hàng đầu thế giới, bước vào niên vụ 2021/2022 với chu kỳ năng suất thấp 2 năm một lần của giống cây này và ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết bất lợi. Đồng thời, việc xuất khẩu cà phê của nước này đã gặp khó khăn do các vấn đề liên quan tới logistics, nổi bật là sự thiếu hụt các container vận chuyển. Thêm vào đó, tại Honduras và Nicaragua, là hai nước đứng thứ bảy và thứ mười một trên thế giới về sản xuất cà phê, các nông trường cà phê bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Eta khiến cho việc thu hoạch phải đình trệ hoàn toàn.
Tuy nhiên, một phần việc sụt giảm tiêu thụ arabica là do nhu cầu sử dụng robusta đang tăng trưởng đều đặn. Dưới góc nhìn của CFRR, hãy cùng phân tích tiềm năng của robusta trong tương lai.
Hiện trạng của robusta và arabica
Chất lượng của robusta và arabica
Hương vị là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc so sánh chất lượng của hai loại cà phê này. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng hương vị của arabica là vượt trội so với robusta. CFRR đã có một bài khoa học riêng về vấn đề này, mời các bạn xem tại đây. Ngoài ra, vì robusta mạnh hơn, hàm lượng caffeine cao hơn arabica, nên việc sử dụng robusta cũng gặp nhiều hạn chế do gây tác động mạnh lên hệ thần kinh và cơ thể con người. Theo nguyên tắc chung, sản phẩm nào tốt hơn sẽ được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn. Do đó, cho tới hiện nay trên toàn cầu, arabica luôn được sử dụng nhiều hơn so với robusta trong khía cạnh là thức uống nguyên bản, không qua các giai đoạn gia công ví dụ như cà phê hòa tan.
Hạt robusta được sử dụng làm gì?
Hiện nay, hạt robusta được sử dụng với các mục đích chính sau:
• Uống trực tiếp ở một số nước, tiêu biểu ở Việt Nam với loại đồ uống đặc trưng là cà phê đá, cà phê sữa đá.
• Phối trộn (blend) với arabica để tăng độ đậm của ly cà phê và tăng crema, mặc dù arabica có chất béo và đường gần như gấp đôi robusta.
• Sử dụng làm các nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm như làm bánh, phụ gia.
• Sử dụng cho decaf coffee (decaffeinated coffee), là loại cà phê được loại bỏ gần như hoàn toàn caffeine. Quy trình decaf cũng làm mất rất nhiều hương vị của cà phê, nên việc sử dụng cà phê arabica hay robusta đều cho ra sản phẩm gần như tương đương nhau. Trong khi đó giá robusta lại rẻ hơn rất nhiều arabica (gần bằng 1/2). Vì vậy, robusta rất phù hợp cho các sản phẩm decaf coffee.
• Sử dụng cho cà phê hòa tan. Một lần nữa nguyên nhân của việc hạt robusta được sử dụng phổ biến cho cà phê hòa tan là do giá thấp, giảm chi phí sản xuất cho sản phẩm.
So sánh giá của robusta và arabica
Theo như Statista, giá của hai loại cà phê được tiêu thụ chủ yếu trên thị trường thế giới từ năm 2014 tới nay và dự báo cho tới 2025 được mô tả ở biểu đồ bên dưới:
Từ biểu đồ trên có thể thấy rằng, giá của robusta luôn luôn chỉ bằng khoảng một nửa so với arabica và tương đối ổn định xoay quanh mức 2 USD/1 kg. Điều này cho thấy rằng giá trị thương mại của robusta còn rất thấp, và khó có khả năng xảy ra sự bứt phá trong tương lai.
Qua ba vấn đề trên, sơ bộ có thể thấy rằng tất cả các khía cạnh từ hương vị, chất lượng, tác dụng và giá của robusta đều thua kém arabica.
Vì sao robusta bị hạn chế sử dụng
Tuy giá rẻ hơn nhưng robusta lại được sử dụng hạn chế dưới góc độ đồ uống tươi hàng ngày. Có thể kể tới một số nguyên nhân sau:
• Chất lượng robusta thấp hơn arabica nhiều như đã đề cập ở trên.
• Ít phương pháp pha cà phê phù hợp với robusta. Hiện nay có các phương pháp pha được biết đến vòng quanh thế giới, đó là: phin, espresso, syphon, pour over, cold brew, cold drip, moka pot, French press và ibrik. CFRR tạm chia ra thành hai nhóm: đậm, nhạt.
Nhóm pha đậm gồm: phin, espresso, syphon, moka pot, French press và ibrik. Đây là các phương pháp tạo ra ly cà phê rất đậm đặc do thời gian chiết xuất lâu hoặc áp suất cao. Nếu sử dụng hạt robusta cho nhóm kiểu pha này sẽ cho ra kết quả là những ly cà phê quá đậm và hàm lượng caffeine quá cao, có thể gây tác động mạnh tới cơ thể người uống. Để giảm bớt độ đậm, có một số cách là sử dụng đá để pha loãng hoặc thêm nước như americano. Tuy nhiên trên thế giới, việc sử dụng đá với đồ uống là rất hạn chế, kể cả với bia, rượu, nước giải khát. Trong những năm gần đây, người ta mới phổ biến món iced coffee rộng rãi hơn nhưng vẫn chiếm phần ít so với cà phê nóng. Vì vậy hạt robusta khó có thể phù hợp để có thể sử dụng rộng rãi với các phương pháp pha này.
Nhóm pha nhạt gồm: pour over, cold brew, cold drip. Những người sử dụng những cách pha này thông thường lại mong chờ việc thưởng thức hương thơm của cà phê nhiều hơn, và đừng quá đậm, thậm chí chỉ cần loãng. Trong khi đó, robusta sẽ cho ra ly cà phê ngược lại, vừa đậm lại yếu hương thơm. Ví dụ, pour over có thể cho ra một ly cà phê với tỉ lệ lên tới 1:18, với 15 g cà phê sẽ cho ra 270ml nước. Với lượng cà phê nguyên chất nhiều như vậy, thì nếu sử dụng robusta sẽ là không phù hợp theo một cách thông thường đối với mức hấp thụ cua một người.
• Yếu tố thời tiết: Theo như World Population Review, quốc gia đứng đầu về tiêu thụ cà phê là Mỹ với 27,310 nghìn bao 60 kg (hơn 27 triệu bao) (xem danh sách bên dưới). Năm nước tiêu thụ cà phê ngay sau Mỹ là Đức, Nhật, Pháp, Italia và Nga, tiếp theo đó là hầu hết các nước khác ở châu Âu. Như vậy lượng tiêu thụ chính của cà phê là thị trường Mỹ và châu Âu. Thời tiết của các quốc gia ở những khu vực này hầu như là mùa đông kéo dài với nền nhiệt độ rất thấp; mùa hè với nhiệt độ cao chỉ kéo dài khoảng 3 tháng từ tháng 5 cho hết tháng 7. Do thời tiết lạnh nên chủ yếu người người tiêu dùng sẽ có xu hướng sử dụng đồ uống nóng như cappuccino, latte…hay black coffee nóng, vì vậy hạt arabica là phù hợp hơn nhiều với đồ uống nguyên chất vì lượng caffeine ở mức vừa phải.
United States | 27,310 | Sweden | 1,769 | Norway | 771 |
Germany | 8,670 | Finland | 1,348 | Tunisia | 508 |
Japan | 7,551 | Belgium | 1,185 | Bulgaria | 423 |
France | 6,192 | Austria | 1,173 | Hungary | 418 |
Italy | 5,469 | Greece | 1,139 | Croatia | 381 |
Russia | 4,820 | Romania | 1,108 | Ireland | 370 |
United Kingdom | 3,770 | Switzerland | 1,073 | Lithuania | 251 |
Spain | 3,253 | Portugal | 931 | Slovakia | 227 |
Poland | 2,501 | Czech Republic | 843 | Luxembourg | 224 |
Netherlands | 2,030 | Denmark | 778 | Slovenia | 204 |
• Yếu tố lịch sử truyền thống: Cà phê arabica được biết tới rộng rãi khoảng từ năm 575 sau công nguyên từ Ethiopia, cho tới nay giống cà phê này đã lan truyền gần như khắp mọi miền trên thế giới. Điều này có nghĩa rằng con người đã quen với hương vị và tỉ lệ hàm lượng các chất có trong hạt arabica trong một thời gian rất dài. Ngược lại, cà phê robusta chỉ mới được phát hiện từ năm 1870 ở Congo, tương đương với khoảng một thế kỷ rưỡi cho tới nay. Từ đó có thể thấy một sự thực hiển nhiên rằng, arabica trở thành đồ uống quen thuộc và phổ biến hơn rất nhiều lần robusta trên phạm vi toàn cầu.
• Yếu tố hành vi cá nhân: Theo như số liệu của ICO (International Coffee Organization) năm 2016, Phần Lan đứng đầu thế giới với mức tiêu thụ đầu người bình quân là 4 ly cà phê một ngày. Tới năm 2020, Hà Lan đã vươn lên đứng trên Phần Lan ở chỉ số này. Cà phê phổ biến ở Phần Lan đến mức hai lần nghỉ giải lao trong 10 phút uống cà phê mỗi ngày là bắt buộc hợp pháp đối với người lao động Phần Lan. Một thực tế là, thói quen vừa làm việc vừa nhâm nhi ly cà phê đã trở thành một phần văn hóa của các quốc gia như Mỹ và Châu Âu. Hầu như các trường học, bệnh viện hay văn phòng công ty đều có máy pha cà phê với các lựa chọn như black coffee, latte, cappuccino…miễn phí hoặc giá rất rẻ chỉ vài chục cent. Do đó, nếu uống cà phê với hạt robusta thực sự sẽ là một trở ngại rất lớn đối với việc sử dụng loại đồ uống này nhiều lần trong một ngày dài.
Tương lai nào cho robusta
Đề cập tới chủ đề này, chúng tôi sẽ đưa ra ý kiến về tương lai của hạt cà phê robusta xoay quanh ba vấn đề, tất nhiên chỉ ở góc độ dự đoán: Thứ nhất, khía cạnh chất lượng; thứ hai, sự phổ biến trong sử dụng và thứ ba, giá trị kinh tế.
Đầu tiên, tương lai về mặt chất lượng của hạt robusta
Với chỉ khoảng 1,5 thế kỷ xuất hiện, chắc chắn hạt robusta chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và được hưởng sự chăm sóc tối ưu nhất để tạo ra chất lượng tốt nhất có thể. Theo thời gian, khẩu vị của con người cũng thay đổi dần cùng với chất lượng hạt cà phê robusta ngày càng được nâng cao hơn. Trên thực tế tại riêng Việt Nam hiện nay, chất lượng robusta đã tốt hơn đáng kể so với trước đây với việc chú trọng hơn trong quá trình canh tác, thu hoạch, chế biến và rang. Việc áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong suốt các giai đoạn cho tới khi tạo ra ly cà phê đã loại bỏ được rất nhiều hợp chất tiêu cực trong nhân xanh, từ đó tạo ra những hạt cà phê chất lượng tốt hơn.
Ngoài ra dưới góc độ khoa học, Chujiao Liu và cộng sự (2019) đã tiến hành thí nghiệm “Nâng cao hương vị của robusta với việc điều chỉnh các tiền chất của nhân xanh cà phê”. Nghiên cứu này đã dựa trên các kết luận khoa học trước đó như của Illy và cộng sự (2005) là: phản ứng Maillard là con đường chính của sự hình thành hương thơm trong cà phê, các axit amin và đường khử phản ứng để tạo thành các dị vòng chứa nitơ và các melanoidin màu nâu. Quá trình hóa nâu không dùng enzym này tạo ra hàng trăm hợp chất dễ bay hơi, và góp phần vào một số thuộc tính cảm quan của cà phê (Lersch, 2012). Việc kiểm soát các tiền chất (đường, axit amin) và quá trình biến đổi sẽ cho phép kiểm soát quá trình tạo hương thơm và hương vị cuối cùng của cà phê (Wong, Abdul Aziz, & Mohamed, 2008).
Chujiao Liu và cộng sự (2019) đã tác động vào trước quá trình rang như sau: hạt nhân xanh robusta được ngâm trước trong dung dịch của cả đường khử (glucose và fructose) và đường không khử (sucrose) ở một loạt các nồng độ (0 – 15g / 100g) dưới áp suất 2 bar và quay 1 vòng / phút, sau đó đun cách thủy bằng hơi nước để thay đổi hàm lượng đường trong hạt. Phân tích cảm quan trong hương thơm được thực hiện để xác định tỉ lệ lớn nhất của robusta hoặc robusta đã qua xử lý có thể được pha trộn với arabica mà không có bất kỳ sự khác biệt cảm quan nào với arabica nguyên chất và thực hiện kiểm tra thời hạn sử dụng nhanh chóng để giải thích tác động đến độ ổn định của hương thơm trong quá trình bảo quản.
Kết quả của việc thí nghiệm này rất đáng chú ý: thông thường mọi người khó nhận ra hương vị khác nhau giữa arabica nguyên chất và hỗn hợp blend 20% robusta và 80% arabica, nhưng mọi người có thể nhận ra sự khác biệt khi tăng tỉ lệ lên tới 40% robusta (Linforth, Fisk, & Yang, 2018). Tuy nhiên với mẫu robusta được xử lý bằng cách ngâm trong fructose nồng độ 15g/100g, tỉ lệ phối trộn lên tới 80% robusta và 20% arabica, người ta vẫn không nhận ra được sự khác biệt về mùi hương so với arabica nguyên chất. Đây thực sự là một kết quả thú vị đối với những người quan tâm tới cà phê.
Thêm nữa, một yếu tố quan trọng trong sự khác biệt giữa robusta và arabica là hàm lượng caffeine. Đây là một chất có ảnh hưởng tới cơ thể và thần kinh của con người. Việc giảm tỉ lệ caffeine trong robusta về mức tương đương với arabica có lẽ là không khó, vì hiện nay, các nhà phân phối cà phê có thể giảm sự có mặt của chất này về gần như bằng không trong cà phê decaf (decaffeinated coffee).
Từ đó, có thể thấy rằng, chất lượng hạt robusta còn có thể nâng cao hơn được nữa bằng sự can thiệp tự nhiên hoặc trực tiếp lên hạt. Chưa kể tới việc người ta có thể ủ nhân xanh cà phê trong nhiều loại dung dịch men khác nhau để tạo ra những hương vị khác nhau.
Tuy nhiên, để đạt tới chất lượng tương đương hạt arabica thì có cần một chặng đường dài; đồng thời chi phí để nâng cao chất lượng bằng cưỡng bức là một vấn đề có thể phải tính tới. Vì vậy, việc tác động vật lý và hóa học để tăng cường chất lượng robusta sẽ chỉ được thực hiện ở quy mô lớn khi nguồn cung của arabica giảm mạnh dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, hoặc giá của arabica tăng lên quá cao .
Do đó, trong tương lai gần, chất lượng robusta sẽ ngày càng cải thiện nhưng chỉ ở một mức nào đó vừa phải, phù hợp với tố chất vốn có của nó.
Thứ hai, sự phổ biến robusta trong sử dụng thường ngày
Một cách đương nhiên, do giá rẻ hơn nên robusta ngày càng phổ biến hơn, nhất là trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu suy thoái sau đại dịch và khủng hoảng chiến tranh giữa Nga- Ucraina. Người dân sẽ phải thắt chặt chi tiêu hơn, do đó họ có thể sử dụng những hạt robusta cho những ly cà phê hàng ngày và làm quen dần với độ đậm đặc hoặc tìm cách pha loãng nó. Cà phê ngon là đồ uống cần thiết nhưng không phải bắt buộc.
Ngoài ra, với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, dẫn tới nguy cơ diện tích vùng trồng arabica bị thu hẹp, hoặc chất lượng của loại hạt này bị giảm đi. Khi chất lượng arabica càng giảm, trong khi chất lượng robusta tăng lên, khoảng cách này bị thu hẹp lại và người tiêu dùng có thể lựa chọn robusta thay thế dần cho arabica. Mức giá ngày càng cao của arabica cũng là một lý do để những người nghiện cà phê chuyển hướng sang robusta.
Xu hướng sử dụng cà phê ngon ngày càng mạnh mẽ và lan rộng với sự tác động của truyền thông và yếu tố nhu cầu tất yếu, người tiêu dùng trên toàn cầu đã chú ý hơn tới hương vị của ly cà phê, thay vì chỉ uống như một thói quen. Nguồn cung arabica cũng dần bị hạn chế, do đó, robusta chất lượng cao sẽ ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là được dùng để phối trộn với một tỉ lệ nhất định.
Thứ ba, giá trị kinh tế của robusta trong tương lai
Ngoài vấn đề chất lượng thua kém sẽ có giá trị thấp hơn, theo quy luật chung của kinh tế, nguồn cung dồi dào cũng là yếu tố dẫn tới mức giá rẻ của robusta. Như chúng ta đã biết, hạt arabica được trồng từ độ cao 700m so với mực nước biển trở lên và với yêu cầu về khí hậu cùng thổ nhưỡng phức tạp hơn, vì vậy diện tích vùng canh tác loại hạt này sẽ bị giới hạn; tương đương với việc nguồn cung cấp arabica sẽ không vượt quá được một mức nào đó.
Ngược lại, với đặc tính chống sâu bệnh tốt và có thể trồng ở độ cao dưới 700m so với mực nước biển, robusta gần như có nguồn cung vô tận nếu nhu cầu tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mức giá của loại hạt này sẽ luôn bị kéo lại. Trong những thời điểm ngắn hạn, giá của robusta có thể tăng lên, dẫn đến các chính phủ và người dân tích cực tăng diện tích trồng cà phê nhằm nâng cao năng suất. Kết quả là giá robusta sẽ lại hạ xuống tới mức phù hợp.
Tại biểu đồ giá hai loại cà phê tính từ năm 2014 tới nay và dự đoán tới năm 2025 của Statista ở trên, có thể thấy rằng giá robusta không có sự biến động lớn, và chỉ ở mức tối thiểu với mục đích vừa có một chút lợi nhuận đủ để duy trì việc trồng trọt sản xuất cà phê vừa hạn chế sự hào hứng tăng sản lượng ở những nước coi mặt hàng này là chủ lực. Trong tương lai, mức chênh lệch về giá trị kinh tế giữa arabica và robusta có thể không có sự biến chuyển nào đáng kể, ngoại trừ trong những thời điểm ngắn hạn.
Fine robusta sẽ phát triển như thế nào
Đầu tiên, cần nhắc lại một chút rằng: fine robusta là robusta. Dù chất lượng của fine robusta có được nâng cấp lên như thế nào thì bản chất của nó vẫn có đầy đủ các đặc tính cả về tích cực và tiêu cực của hạt robusta. Chính vì giới hạn chất lượng của của loại hạt này mà CQI (Coffee Quality Institute) đã đưa ra Fine Robusta Standard Protocols tách biệt riêng so với các tiêu chuẩn của specialty coffee, cho dù đều là mức trên 80 điểm nhưng với hai tên gọi khác nhau: fine robusta và specialty coffee. Nguyên nhân có thể vì nếu áp dụng cùng thang điểm thì fine robusta không thể nào so sánh được với specialty coffee, đặc biệt là ở các chỉ số aroma, flavor, acidity, sweetness. Thậm chí, mức điểm của fine robusta có thể còn dưới 6 nếu cùng thang điểm với specialty coffee. Điều đó cho thấy fine robusta còn kém xa chất lượng của arabica. CQI đã đưa ra khái niệm và tiêu chuẩn cho fine robusta với mục đích thúc đẩy những người trồng cà phê nâng cao chất lượng của robusta, nhằm có được những sản phẩm tốt hơn trước đây của loại hạt này.
Nhờ có bộ tiêu chuẩn về fine robusta, các nước có sản lượng lớn của sản phẩm này đã nhìn thấy hướng đi rõ ràng hơn trước rất nhiều, đó là nâng cao chất lượng của robusta để đạt các tiêu chuẩn yêu cầu. Điều này cũng mang lại lợi ích vô cùng lớn cho người tiêu dùng, được sử dụng những sản phẩm tốt, chất lượng cao hơn với những đánh giá nghiêm ngặt và cụ thể.
Đồng thời, khái niệm về fine robusta cũng kéo theo chất lượng của robusta thương mại. Những hạt cà phê nhân xanh thu hoạch chín, phơi giàn (có nhà kính ở những vùng khí hậu phức tạp) sẽ được ưu tiên sử dụng hơn với giá cao hơn. Những nông hộ vẫn áp dụng cách làm như trước là hái lẫn lộn và phơi trên đất bất kể nắng mưa sẽ cho ra những hạt cà phê như cũ với mức giá như trước đây và loại hạt này sẽ vẫn được sử dụng làm hòa tan, decaf coffee và phụ gia trong nghành thực phẩm.
Nhưng rồi fine robusta sẽ đi tới đâu? Cá nhân người viết bài đánh nhận định rằng, fine robusta sẽ dần phát triển rộng rãi, vì theo quy luật chung sản phẩm nào chất lượng hơn sẽ được chào đón. Nhưng sự phát triển này sẽ chậm chạp và có giới hạn vì bản chất của nó vẫn là robusta. Hiện nay, trên thực tế có rất nhiều hạt fine robusta đã có hương vị tốt hơn nhiều, các taste note cũng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, để mọi người thưởng thức một cách tự nhiên loại hạt này có lẽ là rất khó, bởi họ sẽ chọn hạt arabica với hương vị phong phú hơn nhiều. Đa phần, sử dụng fine robusta ở thời điểm này là những người làm cà phê, hoặc dùng để phối trộn, hoặc những người bị lôi cuốn bởi marketing và truyền thông. Khi nào robusta có thể cạnh tranh sòng phẳng với arabica với cùng một thang điểm trong cùng một bộ tiêu chuẩn, lúc đó fine robusta mới đạt được đúng như các phẩm chất mà hiện nay đang được khoác vào. Tất nhiên, bất kỳ một sự phát triển nào đều phải có những bước chân cổ vũ đầu tiên..
Về mức giá của fine robusta, chắc chắn sẽ cao hơn robusta thông thường vì đòi hỏi nhiều công sức và chi phí trong quá trình sản xuất hơn. Nhưng để có giá vượt lên hẳn giống như cách specialty coffee đã đạt được có lẽ là chưa khả thi ở thời điểm này. Do các lý do như chúng tôi đã nói ở trên, quan trọng nhất là bởi vì chất lượng tự nhiên của robusta cũng có giới hạn, đồng thời nguồn cung là gần như vô hạn, khi fine robusta tăng giá, kéo theo việc tăng sản lượng nhiều hơn và dẫn đến giá lại thấp xuống.
Kết luận
Tóm lại, robusta sẽ được ngày càng được sử dụng rộng rãi và phổ biến hơn trên quy mô toàn cầu. Tương lai về mặt chất lượng sẽ càng được nâng cao hơn. Trong khi đó, tương lai về giá trị kinh tế cũng được nâng lên nhưng không mang lại cho người nông dân thêm quá nhiều lợi nhuận bởi chi phí sản xuất cũng tăng lên tương ứng và sự cạnh tranh gay gắt. Ở một tương lai rất xa, nếu có xuất hiện sự khan hiếm và suy giảm chất lượng của arabica do biến đổi khí hậu; hoặc nếu suy thoái kinh tế trên diện rộng khiến đời sống người dân toàn cầu giảm sút, thì lúc đó robusta sẽ lên ngôi và có mặt khắp nơi từ quán cà phê cho tới những căn bếp.
Còn bây giờ, trong một tương lai ngắn hạn, arabica dường như vẫn sẽ là loại cà phê được dùng để thưởng thức.
Đây là bài viết nằm trong chuyên mục Góc nhìn Coffeerary, với những phân tích và đánh giá dưới góc độ cá nhân. Chúng tôi đưa ra góc nhìn này để có thêm sự đa dạng giúp bạn đọc tham khảo.
Ký tên: Lee Nam
“Hãy uống cà phê khi bạn biết mình phải làm gì hoặc không biết phải làm gì”
Nguồn tham khảo:
https://worldpopulationreview.com/country-rankings/coffee-consumption-by-country
https://www.statista.com/statistics/675807/average-prices-arabica-and-robusta-coffee-worldwide/
Illy, A., & Viani, R. (2005). Espresso Coffee: The Science of Quality: Elsevier Academic
Liu, C., Yang, Q., Linforth, R., Fisk, I. D., & Yang, N. (2018). Modifying Robusta Coffee Aroma by Green Bean Chemical Pre-Treatment. Food Chemistry.
Liu, C., Yang, Q., Linforth, R., Fisk, I. D., & Yang, N. (2019).Enhancing Robusta coffee aroma by modifying flavour precursors in the green coffee bean.Food Chemistry.
United States Department of Agriculture. (2022). Coffee: World Markets and Trade
Wong, K. H., Abdul Aziz, S., & Mohamed, S. (2008). Sensory aroma from Maillard reaction of individual and combinations of amino acids with glucose in acidic conditions. International. Journal of Food Science and Technology, 43, 1512-1519