Ta uống gì ở cà phê hẻm Sài Gòn?

Nam Thụ

Share:

4:55 22/06/2022

CFRR- Người ở Sài Gòn chưa một lần uống cà phê hẻm thì khó xem là người đã nếm được Sài Gòn…

Gọi là cà phê hẻm, đơn giản là quán hay bày ra trong hẻm. Hẻm lớn nhỏ đủ kiểu, cách nào lại không đủ chỗ để bày hai cái bàn dăm ba cái ghế. Có khi cũng không cần bàn, ly nước uống có thể để trên một cái ghế khác hay trên gờ tường, dưới đường bê tông hay đơn giản là cầm trên tay. Quán đặt trong hẻm thì ít bị người có chức năng quản lý bận áo xanh, áo vàng, áo trắng đến dẹp, thu bàn ghế, thu bịch cà phê, ký đường… hơn là bày trên vỉa hè. Chủ quán có thể già, có thể đôi mươi, có thể tóc bạc, có thể môi còn thắm, có thể ăn nói ậm ừ, có thể hoạt bát vui vẻ, có thể có quá khứ huy hoàng, có thể rỗng không, bạn có thể thêm vô ai nữa, tôi chịu, tôi không đủ sức đi hết các quán cà phê hẻm ở thành phố này, ngay cả khi tôi đi đến cuối đời. 

ca phe hem3

Uống quán hẻm còn là uống tình người, không sến đâu, thứ tình người đặc quánh, thô ráp, hiện thực đến nỗi cầm nắm được, cảm nhận được bằng xúc giác, khướu giác...

Ảnh: Anna Doan – CFRR

Vậy thì có gì đặc biệt ở đó? Trước tiên là thói quen, người uống cà phê hẻm không biết nhiều quán lắm đâu, vì mỗi người chỉ có hai, ba quán “tủ”, hay có khi chung tình đến chết với một chỗ ngồi cáu bẩn nào đó.

Quán bên hông trụ sở công ty, cô chủ quán trẻ hay cười mím chi, có khách đến tìm, nếu quen chút dắt ngay xuống quán, kéo chiếc ghế đẩu, nói vài ba câu, cho khách ngắm nụ cười ấy, có khi cũng được việc. Người uống quen cà phê hẻm, không đến quán với tâm thế người ra quán, họ xem đó là sự trở về.

Một chỗ ngồi quen thuộc đến từng vết ố tường vôi, ly cà phê pha đúng kiểu mình quen uống dù không cần gọi, không cần dặn, ánh nắng chếch đúng vào vệt nứt trên vách tường vàng, con chim sẻ thẫn thơ, người chủ quán trưa nào nhìn mông lung ra con đường xe nườm nượp như nhớ về điều gì, nhưng không nghĩ về điều gì… Ta đã uống những điều ấy trong ly nước ở quán hẻm.

Mỗi chi tiết sống động, quen thuộc dụ hoặc ta một nỗi bình yên, một chốn ngồi cách xa mọi sự đổi thay, hãnh tiến, cố gắng về phía trước. Có hôm ta say sưa uống điều ấy đến khi tính tiền mới cười xòa, ly nước còn nguyên.

Uống quán hẻm còn là uống tình người, không sến đâu, thứ tình người đặc quánh, thô ráp, hiện thực đến nỗi cầm nắm được, cảm nhận được bằng xúc giác, khướu giác.

Hẻm Sài Gòn luôn là nơi trú ngụ của nhiều số phận, mảnh đời; ở đó có những quán cà phê để khách mua vội mang đi hay ngồi lại nhâm nhi đều có thể… Ảnh: Minh Tuấn – CFRR

Hẻm nhỏ trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, cô chủ quán miền Tây, có giọng nói cao đến khó tin, nơi thời sinh viên, chúng tôi ngồi giấc hai giờ sáng với biết bao viễn vông trong đầu. Chúng tôi đếm từng nhịp xe tải mà tin đó là nấc thang mình đi tới tương lai. Cô chủ quán cười độ lượng bọn thanh niên, cho chúng tôi thêm ly cà phê, miếng bánh, bán thiếu gói mì tôm thơm mãi đến bây giờ mà chưa lần nào cò kè chuyện lâu trả tiền. Cô kể chuyện dưới quê, cô chép miệng tiếc em út mình không được đi học như chúng tôi, câu chuyện mang mang gió đêm. Gần mười năm ra trường, trong chúng tôi có người thành danh, về biếu cô món quà nhỏ, cô gọi đúng tên từng đứa, hỏi thăm đứa vắng mặt, mắt đỏ hoe như bám khói than bếp vừa nhóm.

Hẻm ở Phạm Ngọc Thạch, quận 3, hẻm nổi tiếng hàng đầu Sài Gòn, nơi sinh thời nhạc sĩ họ Trịnh ở. Ông chủ quán cũng lạ, lơ đễnh và lãnh đạm rất quân tử. Ông nhớ tên và cách uống của từng khách quen. Ông hay hỏi vẩn vơ “sáng ni đi mô mà ghé sớm rứa?”, “mấy hôm ni đi công tác xa à?”. Ông hay đùa với mọi sự thay đổi như khi bạn đi cùng một cô bạn lạ đến quán “bà xã hắn dữ lắm à!”. Như không phải với người khách, như không phải chuyện đãi bôi phục vụ, mà thân hơn, bình thường hơn, thản nhiên hơn, giống cách ông bưng ly cà phê vào chiều cuối năm và nói “miễn phí đó, chúc một năm qua trọn hỉ!”.

ca phe hem

Mình có uống cà phê đâu, mình uống nguyên buổi sáng này, uống giao kết cuộc sống, uống trọn một Sài Gòn kềnh càng!

Ảnh: Huy Phạm – CFRR

Hẻm trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, bày một bàn cờ nhỏ, sáng nào một già một trẻ cũng ngồi đánh cờ với nhau, im lặng, im lặng đến mức quân cờ ăn cũng được rút đi nhẹ nhàng, tôi là kẻ hóng cờ, cũng chìm trong sự im lặng ấy. Một ngày, chỉ thấy người trẻ ngồi một mình, hỏi, anh bảo “ông ấy mất rồi, hỏi thăm tìm đến nhà mới biết tên ông ấy, đánh cờ với nhau bốn năm nay. Ông ấy để lại cho tôi mấy quyển sách cờ quý”. Rồi tôi không thấy anh đến hẻm nữa, có lẽ anh ngại một chỗ trống. Những người trẻ khác chơi cờ sôi động hơn, ồn ào hơn, tôi cũng không còn dịp hóng cờ. Tất nhiên, trải nghiệm của tôi là cá biệt, nhưng bạn cứ hỏi bất cứ người uống cà phê hẻm Sài Gòn nào, họ cũng sẽ kể cho bạn nghe nhiều câu chuyện tình hơn thế, cụ thể và thân thương hơn thế, dài hơn cả 1001 đêm.

Buổi sáng, trong con hẻm nhỏ, ngồi lẫn lộn giữa hàng người, áo xống, chức phận, giai cấp, mối quan tâm, câu chuyện khác nhau, chốc lại tránh một chiếc xe máy vào hẻm, uống ly cà phê không ngon mấy (cà phê pha sẵn mà), bạn sẽ tự hỏi mình uống gì nơi này. Rồi bạn cười, mình có uống cà phê đâu, mình uống nguyên buổi sáng này, uống giao kết cuộc sống, uống trọn một Sài Gòn kềnh càng!

Bài viết liên quan

Những điểm đến cà phê hấp dẫn nhất trên thế giới

CFRR– Phong cách thưởng thức và nền văn hoá cà phê đặc biệt ở một số...

Bí ẩn nào làm nên sự khác biệt trong văn hoá cà phê ở Nhật Bản?

CFRR– Văn hoá cà phê ở Nhật Bản có nhiều điều khác biệt nhờ vào việc...

Những quy tắc thú vị trong văn hoá thưởng thức cà phê ở Ý

CFRR– Văn hoá thưởng thức cà phê ở Ý là những nghi thức luôn được giữ...

Sài Gòn, Huế hay Hà Nội, cứ uống cà phê và an hưởng phút giây này

Chọn nuốt những giọt đắng đậm để hồi nhớ quá khứ vàng son, chọn vị chát...